Tác phẩm Gạo xuất khẩu - giải nhất của Nguyễn Minh Tân |
Một cuộc tọa đàm về việc chấm thi được tổ chức ngay trong buổi khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực TP.HCM lần 6 vào sáng 23-7 tại Hội Nhiếp ảnh TP.HCM.
Ban tổ chức trưng ra những chứng cứ để bác bỏ những ý kiến trước đó cho rằng tác phẩm Ném đĩa - giải nhì của Nguyễn Sinh Long - là ảnh ghép.
Tuy nhiên, việc giải nhất (tác phẩm Gạo xuất khẩu của Nguyễn Minh Tân) và giải nhì (tác phẩm Cầu Chữ Y của Thái Tôn Hạo) đều là ảnh chụp bằng flycam khiến giới nhiếp ảnh đặt câu hỏi: "Phải chăng đây là lúc ảnh flycam lên ngôi? Tại sao ta lại cổ súy cho ảnh flycam?". Nhiều người tỏ ra “bất phục”.
Nhiếp ảnh gia Huỳnh Mỹ Thuận là một trong những người phản ứng đầu tiên trên mạng: “Qua rồi một thời fish eye (ống kính mắt cá - PV) - cứ cong cong là vô giải dù sai lệch thực tế (nhà cửa đổ nghiêng). Đến thời flycam cứ ở trên chụp xuống là vô giải, dù có hình ảnh không sắc nét. Như vậy là không công bằng cho những tác giả cầm máy ảnh truyền thống!”.
Một nhiếp ảnh gia khác là Đặng Mậu Hiệp cũng nhận xét về ảnh đoạt giải chụp bằng flycam: “Thật sự tác phẩm không có nội dung gì đặc biệt. Nếu theo cách này thì ảnh flycam sẽ thống trị!”.
Một người khác là Nguyễn Thịnh cũng “dự báo”: “Mai mốt không xa... flycam sẽ bay đầy với các nhiếp ảnh gia Việt Nam chụp ảnh đi thi”.
Trên mạng, phe chơi ảnh flycam cũng lên tiếng. Một tay máy trẻ chơi flycam tên Hoàng Anh Hải “phản pháo”: “Tại sao lại gọi là “nhà flycam” để phân biệt với “nhà nhiếp ảnh”?
Flycam chỉ là một phương tiện hỗ trợ, chụp được những góc trên cao mà máy ảnh thường dưới đất không chụp được mà thôi!”.
Tác giả Nguyễn Minh Tân - người được trao giải nhất - cũng tham gia những “diễn đàn” trao đổi: “Nếu nói có flycam là có giải thì mọi người hãy xem lại những vòng thi ảnh, để flycam tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đâu có dễ! Mà nó cũng là một phương tiện ghi hình, giống như máy ảnh cầm tay thôi!”.
Tuy nhiên, các nhiếp ảnh gia theo trường phái “không flycam” vẫn tiếp tục phản đối. Nhiếp ảnh gia Ngô Đức Cần lắc đầu cho biết:
“Tôi sẽ đặt lại vấn đề này với Hội Nhiếp ảnh TP.HCM. Những cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế họ không bao giờ chấp nhận ảnh flycam”.
Nhiếp ảnh Nguyễn Vũ Phước cũng đồng tình với quan điểm này: “Tôi tham gia nhiều cuộc thi ảnh quốc tế, hễ thấy ảnh flycam là họ loại ra. Họ tôn trọng những tác phẩm được chụp bởi con người!”.
Cầu Chữ Y - giải nhì của Thái Tôn Hạo |
Trước những dư luận trái chiều, ông Bùi Minh Sơn - chủ khảo cuộc thi - trao đổi với phóng viên:
“Quan điểm của ban giám khảo là flycam cũng chỉ là chiếc máy ảnh mà thôi. Thay vì trèo lên tòa cao để chụp, thì nay chụp bằng flycam. Chúng tôi không quan trọng người dự thi chụp bằng phương tiện gì, chỉ nhìn ở kết quả phải là một bức ảnh đẹp mà thôi!”.
Tuy nhiên, ý kiến đó chưa dễ thuyết phục được phe “phản flycam”. Ngay buổi triển lãm, nhiếp ảnh gia Tam Thái tiếp tục “chứng minh” ảnh flycam không phải... ảnh nghệ thuật:
“Ảnh flycam chụp từ trên cao xuống, chỉ có một thứ ánh sáng là ánh sáng bẹt. Nó cũng không bắt được khoảnh khắc, chỉ là góc chụp chung chung. Nhiếp ảnh không có khoảnh khắc, chỉ duy nhất một ánh sáng bẹt thì sao gọi là ảnh nghệ thuật?”.
Ban tổ chức im lặng trước câu hỏi này.
Quả thật, chủ đề ảnh flycam của cuộc thi lần này đặt ra những tranh luận thú vị. Ảnh flycam rõ ràng là một trào lưu mới khiến các ban tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh trên thế giới đã sớm vào cuộc.
Gần đây nhất, trang Dronestagram và National Geographic phối hợp tổ chức cuộc thi chụp ảnh bằng flycam thu hút tác giả từ 28 quốc gia tham dự.
Sau những tranh cãi, nhiếp ảnh gia Huỳnh Mỹ Thuận đề xuất ý tưởng: “Tôi nghĩ ban tổ chức các cuộc thi nên có giải thưởng riêng cho flycam, giống như giải dành riêng cho ảnh chụp bằng điện thoại!”.
Người chơi flycam như Hoàng Anh Hải cũng đồng tình với ý kiến đó: “Có thể các ban tổ chức nên tách riêng ảnh chụp bằng flycam cho công bằng cũng hợp lý”.
Chủ khảo Bùi Minh Sơn dường như tiếp nhận điều này: “Tương lai có thể như vậy! Chúng tôi cho rằng mọi sự việc sẽ được chấp nhận, ở đúng thời điểm của nó!”.
Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực TP.HCM lần 6 diễn ra từ ngày 1-5 đến 30-6, có 173 tác giả với hơn 1.000 tác phẩm dự thi. Ngoài giải nhất và 2 giải nhì nêu trên, ban giám khảo còn trao 3 giải ba cho tác phẩm Ánh sáng trên công trường (tác giả Kim Chi), Bản hùng ca đất nước (Nguyễn Á), Người vét bùn (Nguyễn Viết Bình). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận