Hai cựu phóng viên chiến trường Don McCullin (trái) và Đoàn Công Tính trao đổi về ảnh chiến tranh tại Perpignan - Ảnh: Đ.C.Tính cung cấp |
Và với huyền thoại phóng viên ảnh người Anh Don McCullin, chiến tranh VN chỉ kết thúc chứ chưa hề khép lại...
Năm nay, ước tính festival thu hút hơn 1.000 lượt phóng viên và 20.000 lượt khách tham quan, cùng sự có mặt của bốn cựu phóng viên chiến trường VN là Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Mai Nam và Hứa Kiểm.
Bất ngờ những hình ảnh lần đầu đến Pháp
Sách ảnh của VN lập kỷ lục bán chạy Cùng với phòng triển lãm ảnh Ceux du Nord, quyển sách ảnh cùng tên in 140 ảnh của các cựu phóng viên chiến trường như Mai Nam, Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Hứa Kiểm, Dương Thanh Phong, Nghĩa Dũng, Phan Thoan, Võ An Khánh... cũng được phát hành tại festival, có ngày được bán ra trên 200 quyển. Ông chủ tịch Jean François Leroy của festival thông báo với đoàn VN: “Trong các lần festival tổ chức từ trước đến nay, sách của các ông đã lập kỷ lục về số lượng cũng như tốc độ bán nhanh nhất”. |
Trong 10 gian phòng triển lãm, phòng trưng bày 100 bức ảnh chiến tranh của các cựu phóng viên chiến trường VN với chủ đề Ceux du Nord (Những người phía Bắc) có lý do để được quan tâm đặc biệt. Bởi vì trước đây ảnh chiến tranh VN được giới thiệu tại Perpignan thường là của Larry Burrows, Gilles Caron...
Đây là lần đầu tiên ảnh của các phóng viên chiến trường VN được giới thiệu.
Người xem đã chia sẻ nỗi bất ngờ của họ: “Trước đây, chúng tôi xem ảnh chiến tranh VN của các phóng viên phương Tây và nghĩ như vậy là đủ rồi. Nhưng lần đầu xem ảnh các bạn, chúng tôi rất bất ngờ. Chúng tôi thấy người VN đương đầu với chiến tranh một cách bình tĩnh, can trường, khác hẳn hình dung về địa ngục chiến tranh của chúng tôi trước đây”.
Báo Le Monde (Pháp) có bài viết “Một góc nhìn khác về chiến tranh VN”, giới thiệu những cựu phóng viên chiến trường làm việc trong điều kiện thiếu thốn, luôn để di chúc kèm trong hộp phim gửi về Bắc phòng khi hi sinh...
Trong bài báo, Patrick Chauvel - người cùng ông chủ tịch festival Jean François Leroy đưa ra sáng kiến tổ chức phòng ảnh VN - giải thích rằng những phóng viên VN làm nghĩa vụ tuyên truyền hơn là công việc một phóng viên ảnh và so sánh sự khác biệt: “Họ (phóng viên chiến trường VN - NV) ở đó để vực dậy tinh thần dân tộc”.
Trang điện tử của báo New York Times (Mỹ) cũng có bài “Ảnh lịch sử VN, lời kể của người chiến thắng” kể lại câu chuyện trao trả tù binh sau Hiệp định Paris tháng 3-1973 bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Năm đó, Patrick Chauvel 18 tuổi, đứng bên bờ này sông Thạch Hãn, còn bờ bên kia sông là Chu Chí Thành đang chụp ảnh.
Giờ đây, những bức ảnh của cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành được Patrick Chauvel đưa đến Pháp để triển lãm chung cùng Mai Nam, Đoàn Công Tính, Hứa Kiểm.
Don McCullin và ký ức về một người lính
Don McCullin là một huyền thoại của các phóng viên chiến trường. Ông đã kinh qua nhiều điểm nóng chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng... ở châu Âu, châu Phi và VN (1968), từng đoạt hai giải Ảnh báo chí quốc tế (World Press Photo) và nhiều giải thưởng khác.
Gặp Don McCullin tại festival, ông Đoàn Công Tính kể: “Ông đến phòng ảnh VN với sự xúc động. Ông đã đến Perpignan nhiều lần và cảm thấy mệt mỏi với sự vây quanh của báo chí và công chúng. Nhưng ông đến Perpignan lần này vì có phòng ảnh VN. Ông mời chúng tôi đi ăn tối. Ông nói chuyện suốt. Nhẹ nhàng và tình cảm, xúc động chia sẻ với chúng tôi về chuyện chụp ảnh chiến tranh VN”.
Don McCullin có đưa ra bức ảnh chụp một người lính VN hi sinh ở Huế trong Tết Mậu Thân (1968). Đây là một trong nhiều bức ảnh nổi tiếng của Don McCullin.
Năm ngoái, Don McCullin lên tiếng rằng đó là bức ảnh duy nhất mà ông dàn dựng với sự chia sẻ: “Tôi đã làm điều đó. Tôi chỉ nghĩ nó quan trọng bởi lời của người lính hi sinh này bằng cách nào đó có thể phải được lắng nghe. Một vài người nói rằng sự thật là điều bất khả trong ảnh báo chí. Nhưng nếu họ ở chiến trường VN, chứng kiến những người trẻ bị giết, và những người trẻ còn lại tìm người khác để giết... thì không còn sự thật nào ở đó!”.
Bức ảnh Don Mc Cullin chụp người lính Việt Nam hi sinh tại Huế năm 1968. Mong muốn của Don Mc Cullin là tìm được người thân của người lính để được hoàn trả những kỷ vật mà ông đang giữ. |
Câu chuyện “lời của người lính hi sinh này bằng cách nào đó có thể phải được lắng nghe” của Don McCullin ở Perpignan được ông Đoàn Công Tính tiếp tục kể lại: “Ông ấy kể với chúng tôi rằng ông thấy lính Mỹ giết người lính đó rồi bỏ đi. Khi ông tới, những người lính VN khác xông ra chĩa súng, nhưng thấy ông mang máy ảnh thì họ không bắn."
"Sau đó, ông Cullin lục tư trang của người lính tử trận, thấy có ảnh người yêu, những kỷ vật khác của gia đình anh. Ông ấy nói trước kia ông được nghe rằng những người lính cộng sản là những cỗ máy giết người theo mệnh lệnh, không tồn tại cảm xúc nào của con người. Nhưng khi nhìn những kỷ vật đó, ông xúc động. Ông đã bày bức ảnh người yêu của người lính trong ví, túi đạn, hình ảnh khác... ra và chụp ảnh để ghi lại suy nghĩ của ông lúc ấy."
"Giờ đây, ông chuyển lời nhờ chúng tôi tìm giúp người thân của người lính này. Mong muốn sau cùng của ông là có thể chuyển những kỷ vật của người lính đã hi sinh tại Huế năm 1968 về lại với người thân của anh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận