25/10/2016 19:39 GMT+7

Anh chi 22 tỉ USD chỉ để xây một đường băng mới

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chính phủ Anh ngày 25-10 đã bật đèn xanh cho kế hoạch xây đường băng thứ ba trị giá 22 tỉ USD tại sân bay Heathrow ở London sau 25 năm do dự.

Một apphich cổ động mở rộng Heathrow được đặt gần đường vào sân bay này - Ảnh: Reuters

Reuters nhận định đây là một trong những bước đi mang đậm dấu ấn của Thủ tướng Anh Theresa May, kể từ khi bà nhậm chức hồi tháng 7.

Dự án tại Heathrow cho thấy tham vọng của chính quyền bà May trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kết nối thương mại toàn cầu, trước khi hoàn tất quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). 

Các chính quyền tiền nhiệm trước Thủ tướng May đã thất bại trong việc quyết định có nên xây đường băng sân bay mới đầu tiên ở thủ đô London trong vòng 70 năm qua hay không.

Trả lời phỏng vấn tờ Evening Standard của Anh ngày 25-10, bà May nhấn mạnh: "Sau hàng thập kỳ trì hoãn, chúng ta đang chứng minh rằng nước Anh sẵn sàng đưa ra những quyết định quan trọng, miễn là đúng đắn đối với người dân. Việc mở rộng sân bay Heathrow là quyết định cực kỳ quan trọng đối với tương lai của nền kinh tế Anh".

Cùng ngày, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Giao thông vận tải Anh Chris Grayling khẳng định: "Đây là một trong những quyết định quan trọng của đất nước và là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy nước Anh thời hậu Brexit rất mở lòng với giới doanh nghiệp".

Tuy vậy, viễn cảnh của dự án sẽ không thật sự suôn sẻ khi đang đối mặt với một số thách thức về pháp lý và cuộc bỏ phiếu thông qua cuối cùng của các nhà lập pháp trong thời hạn một năm. Điều đó đồng nghĩa với việc sớm nhất thì cũng năm 2025, đường băng thứ ba tại Heathrow mới được đưa vào hoạt động.

Chính phủ cũng phải cam kết quản lý tiếng ồn từ hoạt động của đường băng mới để đảm bảo người dân trong khu vực không bị ảnh hưởng, theo Reuters.

Theo tính toán, Heathrow sẽ sớm mất ngôi đầu là cảng hàng không nhộn nhịp nhất châu Âu vào tay sân bay Charles de Gaulle của Pháp vào năm 2020. Tính đến thời điểm hiện tại với hai đường băng, Heathrow chỉ có khả năng tiếp nhận tối đa 480.000 lượt bay mỗi năm.

Một nghiên cứu kéo dài suốt 3 năm của Ủy ban Cảng hàng không - một tổ chức độc lập ở Anh - cho thấy nếu mở thêm một đường băng ở Heathrow, lợi ích về kinh tế thu về sẽ rất lớn. Đường băng mới sẽ tạo ra thêm 70.000 việc làm và tăng thêm 0,65-0,75% tổng sản phẩm quốc nội tính đến năm 2050, đồng thời đem về cho nền kinh tế thêm 147 tỉ bảng Anh trong 60 năm tới.

Chính phủ Anh không quản lý Heathrow. Ba cổ đông lớn nhất của sân bay này là Tập đoàn Ferrovial của Tây Ban Nha, Qatar Holding và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC).

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên