29/05/2010 07:08 GMT+7

Anh chàng "vú em"

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - “Rất cực, lúc nào cũng căng thẳng, thấp thỏm” - đó là cảm nhận của Đào Trọng Nhân, một học sinh Việt hiện đang trông trẻ tại Trường mẫu giáo Mill childcare center of Ruthin (Anh), khi được hỏi cảm nghĩ về công việc trên.

Chỉ là một hoạt động ngoại khóa, không ép buộc và cũng chẳng có lương nhưng việc phụ trông trẻ ở các trường mẫu giáo, tiểu học thu hút các bạn trẻ ở phương Tây tham gia.

h1EPMZm2.jpgPhóng to
“Vú em” Đào Trọng Nhân - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhân hiện là học sinh cuối cấp tại Trường trung học Ruthin. Mặc dù bù đầu với rất nhiều bài vở cho kỳ thi vào đại học nhưng bạn vẫn quyết định tham gia làm “vú em” cho ngôi trường gần nhà để vừa rèn tính kiên nhẫn, vừa làm dày bảng thành tích hoạt động xã hội của mình (đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với các đại học nước ngoài trong việc xét cấp học bổng).

“Tất nhiên để được nhận vào làm “vú em” chúng tôi phải được kiểm tra hồ sơ học tập, đạo đức kỹ lưỡng. Sau đó mọi người phải dành nhiều ngày quan sát các cô bảo mẫu trước khi bắt tay làm việc thật, cũng như đọc nhiều sách học hỏi kinh nghiệm vì trẻ em bên đây được bảo vệ rất kỹ lưỡng. Chúng tôi không được đụng chạm quá nhiều vào cơ thể các em như ở Việt Nam vì điều đó dễ bị coi là xâm phạm cơ thể bất hợp pháp” - Nhân cho biết.

Dẫu chuẩn bị kỹ lưỡng là thế nhưng Nhân và bạn bè vẫn nhiều lần toát mồ hôi hột những ngày đầu làm việc.

“Tại sao anh da vàng, mắt đen chứ không phải da trắng, mắt xanh?”, “Sao anh đang ở miền Wales mà không biết nói giọng Wales?”, “Vì sao anh ẵm bạn kia mà không chịu ẵm em?”... - hàng trăm câu hỏi “tại sao” như thế vây lấy Nhân mỗi ngày. Thế là Nhân phải vừa nén cười, vừa giảng giải một cách miệt mài để thỏa lòng những đôi mắt xanh tròn, những chiếc má phụng phịu đang hướng về mình.

“Nhiều lúc cũng phải phát cáu vì mình mới giảng giải điều gì đó hôm trước thì hôm sau các em lon ton chạy tới... hỏi lại! Chưa kể các em rất hiếu động, không bao giờ chịu ngồi yên. Tôi có nhiệm vụ chỉ trông năm em mà chạy bở hơi tai. Mỗi khi các em đánh lộn mình phải đứng ra dàn hòa, nhiều lần nói mà các em không nghe, tức anh ách” - Nhân nhớ lại.

Nhân cũng nhận ra trẻ em rất nhạy cảm và biết nhiều hơn chúng ta thường nghĩ. “Có lần tôi bế một em bé 2 tuổi để ru ngủ thì ngay sau đó quay lại thấy nguyên một hàng dài các em khác đứng xếp hàng để đòi được ẵm!”. Khi Nhân “giải tán” đám đông thì nhiều em òa khóc và cho rằng mình bị bỏ rơi!

Mệt là thế nhưng Nhân cho biết rất hạnh phúc vì đã nhận được nhiều món quà vô giá từ công việc trên. Một bức tranh với nét vẽ ngô nghê, một vài món đồ chơi nhỏ xíu, những câu chuyện “bí mật” của thế giới trẻ thơ... là những thứ mà bạn thường xuyên nhận được. Nhất là “Có đi trông trẻ mới hiểu được ngày xưa ba mẹ đã cực khổ khi nuôi mình như thế nào, để thấy thương ba mẹ hơn...” - Nhân nhận định.

Và vì vậy mà chiều thứ hai mỗi tuần sau khi đi học về, Nhân đều rảo bước tới ngôi trường mẫu giáo. “Bởi vì mỗi lần đến đó tôi lại học được một điều gì đó, rất giản đơn nhưng lại đầy ý nghĩa, khó quên” - Nhân mỉm cười.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên