Chị Phúc thường đón chồng về ở chân dốc gần nhà rồi chống nạng phụ đẩy chiếc xe lăn có anh Cảnh và con gái lên dốc an toàn - Ảnh: M.VINH
Ở thị trấn Di Linh, không ai không biết đến đôi vợ chồng bán vé số Cảnh - Phúc bởi câu chuyện cuộc sống của họ khác thường nhưng đầy yêu thương.
Chồng là Đinh Văn Cảnh (38 tuổi, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa), còn vợ là Võ Thị Mỹ Phúc (37 tuổi, quê Điện Bàn, Quảng Nam). Họ đến với nhau trong một căn nhà nhỏ giữa vườn cà phê ở thôn 9 (xã Tân Châu, Di Linh) cách đây 5 năm.
Anh Cảnh có tay có chân nhưng co quắp, vẹo vọ không thể đi, không thể bò, chỉ có thể lết, và một câu nói cho rõ ràng như một người bình thường cũng không thể.
Chị Phúc bị thiếu một chân từ khi sinh ra, cuộc sống gắn liền với cây nạng, tai lại không thể nghe một câu trọn vẹn do thính lực yếu, thậm chí như điếc đặc vào lúc sức khỏe yếu.
Ông vé số mê cô Phúc "cụt"
Cảnh hay cười, nhưng anh cũng hiểu nụ cười nhăn nhúm của mình do chứng co cơ khiến người ta tội nghiệp. Vì thế khi gặp người quen trên đường, anh thường cố cười tươi hơn để họ hiểu anh đang chào.
Cảnh là cái tên sau này khi đã đổi lại giấy tờ, tên ban đầu của anh và đến giờ gia đình vẫn gọi là Sót, tức sống sót.
"Mẹ kể tôi chết đi sống lại cũng ba lần. Sợ tôi đi luôn nên bà cúng rồi đặt tên Sót" - anh Cảnh kể từng câu rời rạc.
Anh được sinh ra với hình hài trọn vẹn nhưng khoảng 4 tháng tuổi, sau một trận sốt, người anh co rút và ngưng thở. May mắn, chốc lát anh thở lại. Nhưng trận sốt này chưa qua thì trận sốt khác đã đến. Rồi lại ngưng thở. Tiếp sau là những cơn động kinh. Cứ thế, những trận ốm đã bào mòn anh và từ đó thành co quắp.
"Lúc thanh niên, mình nghĩ sẽ may mắn hơn cho mình nếu mình không... sống sót. Đó là mình nghĩ lúc mình chưa gặp Phúc thôi. Giờ thì... vậy cũng là may mắn rồi. Ý trời" - Cảnh hóm hỉnh.
16 tuổi, Cảnh rời quê mưu sinh bằng nghề bán vé số. Anh lưu lạc xuống các tỉnh miền Tây Nam Bộ, lang thang Sài Gòn rồi dạt đến Đồng Nai, sau cùng anh tìm tới thị trấn Di Linh khi đã 30 tuổi. Anh Cảnh tin rằng ở đây anh đã được sống nhờ vào tấm lòng của bà con là chính chứ không phải nhờ vé số.
Bà con thấy anh đi đứng khó khăn, người không ra người nên thương tình mà mua. Thấy nắng, thấy mưa bà con đều mua giúp để anh về sớm. Đại lý vé số thấy anh không có sức đi lấy vé nên cứ 5 giờ chiều là mang vé số tới tận phòng trọ.
Ngày Cảnh tới Di Linh thì cũng là ngày Phúc từ Quảng Nam đến vùng đất ấy để phụ bán hàng tạp hóa cho chị ruột. Cảnh chưa bao giờ nghĩ sẽ kiếm vợ, sẽ có người ở cùng.
Nhưng cô gái cụt chân bán hàng tạp hóa cứ hút sự chú ý của Cảnh. Chiếc xe lăn đi qua đi lại rồi cũng dừng ở ngã ba Tân Châu để anh có thể nhìn thấy Phúc từ xa.
"Mình biết ổng để ý mình, chị gái mình cũng biết nhưng không chịu cho mình tới gần vì sợ khổ. Mình cụt chân, tai gần điếc. Còn ổng không khác gì cụt, tay ngoài cầm xấp vé số thì đâu cầm được gì. Mình thấy cũng tội nhưng không biết làm sao" - chị Phúc nhớ lại những ngày đầu biết Cảnh nhìn mình ở góc ngã tư bụi bặm.
Rồi người qua kẻ lại cũng biết cái ông vé số "trồng xe lăn" ở góc ngã tư mê cô Phúc "cụt". Người ta không tin hai phần chén vỡ có thể dính lại với nhau nên hay cười cợt trêu đùa: "Cảnh, chừng nào cưới con Phúc?" hay "Phúc ơi, Cảnh nó đi xe mui trần đón em về dinh kìa"... Những câu dè bỉu làm Cảnh buồn thì ít mà mừng thì nhiều.
"Mình có dám nói thế này, thế nọ với Phúc đâu, họ dè bỉu vậy coi như thay mình nói với Phúc tình cảm của mình. Hoặc ít nhất là họ cũng biết mình có ý này ý nọ với Phúc. Có lửa mới có khói" - anh Cảnh nhắc lại chuyện cũ.
Đêm 30 tết định mệnh
Rồi Cảnh và Phúc cũng có được số điện thoại của nhau. Tới lúc Phúc cũng thấy thương anh Cảnh.
"Ổng giống mình nhưng cực hơn mình. Ăn cơm đường cháo chợ thấy tội quá. Mình xin chị gái để tới với ổng nhưng chị nói ra. Chị nói cũng đúng, mình nuôi mình còn không nổi. Nó lo thân nó chưa xong. Ráp lại rồi sống bằng gì" - Phúc tâm sự.
Đêm 30 tháng chạp năm Giáp Ngọ (2014), mọi người chờ tết đến. Đêm giao thừa, Cảnh nằm co ro giữa cái lạnh cao nguyên trong căn phòng trọ. Một mình giữa xứ người, anh vô cảm với không khí náo nức đón tết.
Rồi "Phúc nó tới, nó chống nạng tới. Mình nghe tiếng nạng gõ vào nền gạch lộp cộp" - anh Cảnh hồi hộp khi nhắc lại đêm 30 định mệnh của hai vợ chồng.
Anh nhớ từng tiếng động nhỏ của đêm tĩnh mịch, khi dãy nhà trọ cho người nghèo không còn ai ở lại. Cảnh nghe tiếng cái nạng dựa vào cửa phòng bằng tôn mỏng. Tiếng gõ cửa, rồi giọng của Phúc: "Ông có ở nhà không ông Cảnh?".
Cảnh lết ra mở cửa. Cảnh ngước mắt nhìn Phúc, trên tay Phúc là một túi quần áo nhỏ. "Ông chịu không, tôi về ở với ông luôn?" - Phúc hỏi. Cảnh đứng như trời trồng, vì từ hồi giờ nhắn tin qua lại nhưng chưa dám thổ lộ tình cảm.
Cảnh không ngờ chuyện nằm mơ không dám thấy lại đến vào thời khắc linh thiêng thế này. Cảnh ú ớ. Không nói và cũng không cần nói vì không chắc Phúc... nghe được. Chỉ thêm một giờ nữa là tết đến.
"Chị mình cản, mẹ mình cản, nhưng mình quyết rồi. Tối giao thừa nghĩ tội ổng một mình nên mình gom mấy bộ đồ rồi qua ở với ổng. Mình cũng không cần giữ ý tứ vì ở với nhau là vợ chồng. Chứ hoàn cảnh mình vầy, ổng vậy sao mà làm cưới hỏi được" - Phúc kể.
Vậy là Phúc "cụt" về với Cảnh "què", đúng như lời chòng ghẹo của người qua lại ở ngã ba Tân Châu.
Không có đám cưới. Hai vợ chồng đi bán vé số thêm một năm rồi dành dụm về quê làm mâm cơm cúng gia tiên. Sau mâm cơm hôm ấy, không còn ai dè bỉu vợ chồng "rổ rá" Cảnh - Phúc nữa.
Họ nể Phúc quyết liệt tìm hạnh phúc. Họ thương Cảnh thiệt thòi. Họ thương hai người nắng mưa gì cũng ra đường bán cho hết xấp vé số mong sớm có căn nhà nhỏ. "Lúc tới nhà trọ ông Cảnh ở, mình cũng sợ rồi khổ như người ta nói, nhưng nghĩ lại mình với ổng có sướng bao giờ đâu mà sợ khổ. Mình chỉ biết nhờ trời thương" - Phúc nói về quyết định của mình.
Rồi vợ chồng Cảnh - Phúc có con, là một cô bé giờ đã 3 tuổi kháu khỉnh. "Mình không mong có được vợ, nhưng trời cho mình vợ. Mình tham lam xin trời cho đứa con vui cửa vui nhà, mình tham thế mà trời cũng thương mình" - Cảnh cười, không giấu được hạnh phúc.
Vợ chồng Cảnh - Phúc sau khi có con gái thì được chị gái cho mượn 150 triệu đồng để mua một mảnh đất vườn dựng nhà. Thông qua anh Trần Anh Khoa (Phòng văn hóa thông tin huyện Di Linh), một số nhà hảo tâm đã giúp hai vợ chồng tiền dựng căn nhà khoảng 50m2 đủ che nắng che mưa.
Từ ban đầu cấm cản, nay chị của Phúc nói rằng: "Việc cấm cản là sợ bọn nó khổ thôi, chứ bọn nó quyết gắn với nhau thì có cớ gì nữa mà không giúp nó chứ".
Nhịp điệu của yêu thương
Gia đình Cảnh - Phúc vẫn còn khó khăn trăm bề nhưng hai vợ chồng luôn lạc quan. "Chỉ mong con gái không đau ốm thì cả nhà sẽ không lo đói" - Phúc nói. Mỗi ngày, Cảnh đưa bé gái đến điểm gửi trẻ cách nhà 7km để vợ chồng ra đường bán vé số.
Cảnh đi lại khó khăn hơn Phúc nhưng lúc nào cũng giành đi đón con cách nhà 20 phút đi xe lăn.
Nghe tiếng bé gái cười giòn lanh lảnh vọng qua hàng rào cà phê, nghe tiếng Cảnh nhệu nhạo tiếp sau, Hi A Si (người Nùng, 50 tuổi, hàng xóm Cảnh) bảo: "Cha con hắn về đấy, kiểu gì con Phúc cũng đón ở chân dốc".
Gia đình đơn sơ của anh Cảnh - chị Phúc không thiếu những nụ cười - Ảnh: M.VINH
Phúc có thói quen đợi Cảnh và con gái về, đón ở chân con dốc gần nhà, vừa chống nạng vừa đẩy cho chiếc xe ì ạch lên dốc an toàn.
Xong Phúc lên đi trước để mở cổng cho chiếc xe lăn vào nhà. Cả những bữa đau không đi làm nổi nhưng đến giờ Phúc đều ráng ra chân dốc để đón Cảnh và con gái.
Với gia đình nằm sâu trong vườn cà phê heo hút này, đón nhau trở về đã thành nhịp điệu của yêu thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận