Cha tôi hy sinh năm 1972. Mẹ tôi qua đời năm 1994. Trước đây gia đình tôi ở trên mảnh vườn do ông nội để lại. Đất vườn này có từ thời chế độ phong kiến, được tổ tiên chúng tôi khai phá mà có.
Năm 1984 tôi nhập ngũ. Năm 1985 anh trai tôi chuyển nhà ở nơi khác. Cha mẹ tôi có 3 người con (2 trai, 1 gái).
Năm 2006, anh tôi lợi dụng chức vụ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chủ sở hữu đất của cha mẹ để lại (không có di chúc) mà không có ý kiến của anh chị em cùng hàng thừa kế. Nay tôi muốn anh tôi để lại một phần đất của cha mẹ để làm nhà từ đường thờ ông bà tổ tiên.
Đã hai phiên hòa giải không thành ở xã, nay tôi muốn làm đơn kiện lên TAND cấp huyện được không?
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật trả lời:
Theo bạn trình bày đã hai phiên hòa giải không thành ở xã, nếu bạn xác định đây là tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất thì có thể làm đơn khởi kiện lên tòa án cấp huyện để yêu cầu giải quyết.
Trong trường hợp này, ba mẹ bạn chết mà không để lại di chúc thì quy định thừa kế theo pháp luật được áp dụng.
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Ba mẹ bạn có 3 người con (2 trai, 1 gái) nên di sản để lại là đất sẽ có thể được chia đều làm 3 phần: mỗi người được 1 phần.
Với các nội dung bạn trình bày, bạn có thể yêu cầu tòa án xem xét giải quyết về việc chia thừa kế phần đất của cha mẹ bạn để lại (không có di chúc) theo quy định của pháp luật và yêu cầu tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà anh bạn đứng tên (nếu bạn có căn cứ cho rằng anh bạn lợi dụng chức vụ để làm) mà không có ý kiến của anh chị em cùng hàng thừa kế.
Nếu bạn được tòa án tuyên xử phân chia phần đất cha mẹ để lại thì bạn sẽ được quyền quyết định việc sử dụng phần đất đó theo nhu cầu của mình.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận