Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan Daniël Stork phát biểu khai mạc - Ảnh: T.T.D
Khai mạc triển lãm lần thứ 6 Ảnh báo chí thế giới tại Việt Nam có sự tham gia của Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Daniël Stork, ông Phạm Dứt Điểm - phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê và nhiếp ảnh gia Linh Phạm - thành viên ban giám khảo cuộc thi Ảnh báo chí thế giới 2022.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Stork cho biết rất vui mừng khi Hà Lan mang tới Việt Nam triển lãm Ảnh báo chí thế giới.
"Ảnh báo chí thế giới sắp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 và đây là một cơ quan quan trọng hỗ trợ các phóng viên ảnh trên toàn thế giới - những nhiếp ảnh gia can đảm đã vượt nhiều hiểm nguy mang đến cho công chúng những câu chuyện chân thực nhất về những sự kiện đang xảy ra", ông nói.
Bà Echevarria - đại diện Tổ chức Ảnh báo chí thế giới - chia sẻ: "Tôi hy vọng những câu chuyện qua ảnh chúng ta xem hôm nay có thể khiến bạn tò mò và bị cuốn hút, hoặc thôi thúc bạn kiểm chứng từ những nguồn tin tức đáng tin cậy và trên hết, mang lại cho bạn cảm giác kết nối với thế giới và những người xung quanh".
Ảnh báo chí thế giới là cuộc thi hàng đầu thế giới dành cho các nhiếp ảnh gia báo chí chuyên nghiệp. Kể từ năm 1955, cuộc thi Ảnh báo chí thế giới hằng năm đã trao giải cho nhiều bức ảnh báo chí có ý nghĩa nhất thế giới.
Hoa hậu H'Hen Niê, Á hậu Hoàng My tại triển lãm ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Cuộc thi Ảnh báo chí thế giới năm 2021 nhận được trên 74.000 bức ảnh dự thi từ 4.315 nhiếp ảnh gia của 130 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới. Ban giám khảo độc lập gồm 28 chuyên gia nhiếp ảnh đã chọn ra những người chiến thắng ở 8 hạng mục.
Ban giám khảo của cuộc thi năm 2021 chọn bức ảnh Cái ôm đầu tiên (The First Embrace) của nhiếp ảnh gia Mads Nissen là Ảnh báo chí thế giới của năm, và bức ảnh Habibi của nhiếp ảnh gia Antonio Faccilongo là Câu chuyện ảnh báo chí thế giới của năm.
Năm 2022 này, thành viên ban giám khảo cuộc thi là các nhiếp ảnh gia đến từ 6 châu lục, trong đó lần đầu tiên Việt Nam có nhiếp ảnh gia Linh Phạm là giám khảo cuộc thi.
Bức ảnh Cái ôm đầu tiên thể hiện cái ôm đầu tiên sau 5 tháng của bà Rosa với một y tá tại nhà dưỡng lão sau khi dịch COVID-19 khiến nơi này bị cách ly để đảm bảo an toàn - Ảnh: MADS NISSEN
Bộ đồ của Nael al-Barghouthi vẫn được treo trong phòng ngủ của anh ở Kobar, Palestine. Vợ của Al-Barghouthi là Iman Nafi giữ nguyên tất cả quần áo và đồ đạc của chồng. Al-Barghouthi bị bắt vào năm 1978 sau một chiến dịch chống lực lượng biệt kích Israel. Anh được trả tự do vào năm 2011, nhưng bị bắt lại vào năm 2014 và bị kết án tù chung thân. Anh đã phải ngồi tù hơn 40 năm và là tù nhân người Palestine thụ án lâu nhất trong các nhà tù của Israel - Ảnh: ANTONIO FACCILONGO
Nhiếp ảnh gia Linh Phạm (thành viên ban giám khảo tại cuộc thi Ảnh báo chí thế giới 2021) giới thiệu với các đại biểu về những bức ảnh đoạt giải - Ảnh: T.T.D
Triển lãm Ảnh báo chí thế giới 2021 đã được trưng bày tại gần 90 quốc gia. Tại TP.HCM, triển lãm được tổ chức ở công viên Lê Văn Tám (từ ngày 23-3 đến 10-4) để nhiều người đều có thể xem và suy ngẫm.
Tại các quốc gia khác trên thế giới, triển lãm cũng được tổ chức ở các không gian công cộng như trung tâm mua sắm, trên tàu điện…
Năm 1968, nhiếp ảnh gia Eddie Adams của Hãng thông tấn AP đoạt giải nhất với bức ảnh về vụ sát hại Nguyễn Văn Lem ở Sài Gòn; và năm 1973, nhiếp ảnh gia Nick Ut của AP đã giành giải Ảnh báo chí thế giới của năm với bức ảnh Em bé Napalm Phan Thị Kim Phúc.
Những bức ảnh này đã phản ánh trung thực về cuộc chiến tranh tại Việt Nam tới cộng đồng quốc tế và thúc đẩy phong trào phản chiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận