Một người phụ nữ Palestine chụp cùng hai người con cô có với chồng, có được nhờ thụ tinh ống nghiệm bằng tinh trùng được lấy từ nhà tù Israel đang giam giữ chồng cô. Ảnh thuộc tác phẩm đạt giải nhất hạng mục Dự án dài hạn tại giải Ảnh báo chí thế giới 2021 - Ảnh: Antonio Faccilongo / Getty Reportage
Đây là lần thứ tư liên tiếp triển lãm được tổ chức tại Hà Nội, cũng là lần thứ ba các tác phẩm được trưng bày tại khu vực Hồ Gươm.
Trong số các tác phẩm thắng giải Ảnh báo chí thế giới suốt sáu thập niên qua, hình ảnh Việt Nam gần như chỉ xuất hiện trong các khuôn hình thời chiến và hậu chiến: Từ Em bé Napalm của Nick Út đến vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức qua ống kính của Malcolm W. Browne, hay những nạn nhân chất độc da cam được ghi lại bởi Marie Dorigny.
Đến năm 2012, Maika Elan làm nên lịch sử khi trở thành nữ nhiếp ảnh gia người Việt đầu tiên đoạt giải Ảnh báo chí thế giới. Bộ ảnh The Pink Choice (Yêu là yêu) - đoạt giải nhất trong hạng mục Vấn đề đương đại, kể câu chuyện về những cặp đôi đồng tính tại Việt Nam qua những khung hình thân mật và nhân văn - cũng là dấu mốc giúp câu chuyện Việt trên diễn đàn Ảnh báo chí thế giới thoát khỏi cái bóng u ám của thời chiến.
Thế nhưng trong 9 năm qua, bảng vàng Ảnh báo chí thế giới vẫn chưa gọi tên thêm một nhiếp ảnh gia Việt nào.
Theo bà Elsbeth Akkerman, đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam (đơn vị tổ chức triển lãm), tài năng của giới báo ảnh Việt không hề thiếu. Họ cũng đứng trước cơ hội khi tác nghiệp ở một đất nước trẻ và năng động bậc nhất thế giới với khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục cùng các vấn đề kinh tế - xã hội - môi trường đang đặt ra vô vàn câu hỏi được thế giới quan tâm.
Triển lãm Ảnh báo chí thế giới đang diễn ra tại Hồ Hoàn Kiếm, hà Nội - Ảnh: Xuân Tùng
Vậy thách thức nằm ở đâu? Theo Martha Echevarria - đại diện Tổ chức Ảnh báo chí thế giới (WPPF), các nhiếp ảnh gia Việt Nam vẫn chưa tin rằng trường quốc tế đã sẵn sàng vinh danh các câu chuyện trong khu vực.
Trong số 75.000 bài dự thi từ 4.315 nhiếp ảnh gia ở 130 quốc gia mà WPPF nhận được năm 2021, chỉ có 5% đến từ khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, trong khi toàn châu Phi chỉ có 3%.
Nhằm khắc phục sự mất cân bằng này, cuộc thi Ảnh báo chí thế giới năm 2022 sẽ thay đổi hoàn toàn phương thức tổ chức: Thay vì phải cạnh tranh trên tầm toàn cầu, các nhiếp ảnh gia sẽ được tranh giải ở tầm châu lục trước khi có cơ hội giành giải thưởng lớn.
Ban giám khảo mỗi miền bao gồm gương mặt thông thạo tình hình chính trị - xã hội tại mỗi khu vực, thay cho việc lựa chọn các cá nhân đến từ một nhóm nhỏ các nước mạnh như trước đây. Với format mới mẻ này, Martha cho rằng các nhiếp ảnh gia Việt hoàn toàn có cơ hội khẳng định mình và tranh giải.
Tác phẩm đoạt giải nhất hạng mục ảnh đơn năm nay - The First Embrace (Cái ôm đầu tiên) của nhà báo ảnh Mads Nissen (Đan Mạch) cho thấy một hướng tiếp cận mềm mại về đại dịch.
Len lỏi vào đời sống của người dân Brazil thời COVID-19, Nissen đã tới thăm các nhà dưỡng lão - nơi anh bắt được khoảnh khắc một cụ già 85 tuổi cảm nhận hơi ấm con người lần đầu tiên sau 5 tháng nhờ cái ôm của một nữ y tá qua màng ngăn cách.
“The First Embrace” (Cái ôm đầu tiên), Bức ảnh của năm tại giải Ảnh báo chí thế giới năm 2021 - Ảnh: Mads Nissen, Politiken/Panos Pictures
Tác phẩm chiến thắng ở hạng mục Câu chuyện của năm là Habibi (ảnh) của Antonio Faccilongo (Ý). Với quyết tâm duy trì nòi giống gia đình, những người vợ Palestine có chồng bị giam trong nhà tù Israel tìm mọi cách để tuồn tinh trùng chồng ra ngoài, sau đó dùng để thụ thai trong ống nghiệm.
Nhiều năm theo đuổi đề tài xung đột Israel - Palestine, bằng cách rời ống kính khói vũ khí và xung đột, nhiếp ảnh gia người Ý kể một câu chuyện xúc động về ý chí, sự quả cảm, quyền mang thai và phẩm giá con người trong chiến tranh.
Ignat (phải), một người chuyển giới nam bên cạnh bạn gái tại Saint Petersburg (Nga). Ảnh đạt giải nhất hạng mục Ảnh chân dung đơn tại giải Ảnh báo chí thế giới năm 2021 - Ảnh: Oleg Ponomarev
Xác nạn nhân COVID-19 ở Indonesia hồi đầu năm 2020 bị bọc kín. Ảnh đạt giải nhì hạng mục Tin tức chung đơn tại giải Ảnh báo chí thế giới năm 2021 - Ảnh: Joshua Irwandi
Bree Michael Warner (Mỹ) khoe bộ sưu tập súng trong phòng ngủ của mình - Ảnh nằm trong tác phẩm đạt giải nhất hạng mục Câu chuyện ảnh chân dung tại giải Ảnh báo chí thế giới năm 2021. Ảnh: Gabriele Galimberti / National Geographic
Một phụ nữ da màu và một người đàn ông da trắng tranh cãi về việc dỡ bỏ tượng Abraham Lincoln cùng nô lệ tại Mỹ. Ảnh đạt giải nhất hạng mục Tin tức thời sự đơn tại giải Ảnh báo chí thế giới năm 2021 - Ảnh: Evelyn Hockstein / The Washington Post
Một ngọn núi ở Myanmar bị xẻ nửa do hoạt động khai thác đá quý. Ảnh đạt giải nhì hạng mục Ảnh môi trường đơn tại giải Ảnh báo chí thế giới năm 2021- Ảnh: Hkun Lat
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận