Hành động của Angela Phương Trinh đang nhận phải làn sóng chỉ trích từ dư luận - Ảnh: Fanpage Angela Phương Trinh
Trong bài đầu tiên đăng hôm nay với tiêu đề "Ca mắc COVID âm tính sau 5 ngày uống địa long", Angela Phương Trinh chia sẻ câu chuyện của một người phụ nữ tên T.N.N (1990) chữa khỏi COVID-19, chuyển từ dương tính thành âm tính sau 5 ngày nhờ nuốt giun sống và sử dụng thêm địa long sấy khô.
Để tăng thêm uy tín, phía Angela Phương Trinh còn ghi rõ thông tin về số điện thoại cũng như địa chỉ của bệnh nhân này.
Tuy nhiên khi Tuổi Trẻ Online gọi vào số này nhiều lần thì không có ai nghe máy.
Hai bài đăng trên fanpage của Angela Phương Trinh tối 16-8 - Ảnh chụp màn hình
Bài thứ 2 là dòng trạng thái: “Hướng dẫn toa thuốc điều trị COVID tại nhà của Sở Y tế TP.HCM. Y học cổ truyền được khuyến khích sử dụng. Địa long là một loại thuốc y học cổ truyền”.
Bài đăng này đính kèm hình ảnh văn bản cập nhật hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe cho người F0 cách ly tại nhà, được Sở Y tế TP.HCM công bố ngày 15-8.
Trong đó, có dòng lưu ý “Ông/Bà có thể dùng phối hợp với các thuốc y học cổ truyền theo hướng dẫn giúp tăng cường sức khỏe. Đối với người bệnh đang điều trị bệnh lý nền cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng toa thuốc này”.
Ở dưới phần bình luận, tiếp tục có rất nhiều ý kiến cảm ơn tấm lòng của Angela Phương Trinh và không quên đồng thuận ca ngợi chức năng diệu kỳ của việc nuốt sống giun đất cũng như một số sản phẩm bào chế từ loại động vật này.
Sau khi Tuổi Trẻ Online thông tin vụ việc fanpage có hơn 2 triệu người theo dõi của Angela Phương Trinh liên tục đăng tải các bài viết giới thiệu một đơn vị chuyên bán các sản phẩm bào chế từ “địa long” (giun đất) trị COVID-19, một số độc giả yêu cầu các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ thông tin này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 16-8, ông Đỗ Văn Dũng - trưởng phòng nghiệp vụ y dược Sở Y tế TP.HCM - khẳng định chưa có bằng chứng khoa học nào về tác dụng của địa long (giun đất) trong điều trị COVID-19. Việc cá nhân đăng tải sử dụng giun đất điều trị COVID-19 trên mạng là không đúng sự thật.
Theo ông, việc sử dụng các loại thuốc cổ truyền phải hết sức cẩn thận, muốn hỗ trợ điều trị COVID-19 đòi hỏi phải có hội đồng khoa học chuyên môn từ Viện Y dược học dân tộc, Hội Đông y, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM và các nhà điều trị từ các bệnh viện xem xét, đánh giá.
"Hỗ trợ được hay không hoặc hỗ trợ đến mức nào phải có đánh giá khoa học. Tôi khẳng định địa long (giun đất) chưa có bằng chứng khoa học nào có tác dụng trong điều trị COVID-19 và không thể lan truyền vô căn cứ như vậy" - ông Dũng nói.
Quảng cáo gian dối có thể bị xử lý hình sự
Về hành vi “quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh” sẽ bị xử phạt 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo điểm b khoản 4 điều 52 Nghị định 38/2021.
Hiện nay, lợi dụng dịch bệnh COVID-19, nhiều tổ chức, cá nhân đã rất tinh vi khi cố tình nghĩ ra nhiều cách thức lách luật để đưa ra những hình thức quảng cáo sản phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng rằng đó là thuốc trị COVID-19.
Một số hình thức phổ biến như: quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh (1); quảng cáo thuốc không đúng với công dụng được cấp phép (2); quảng cáo các sản phẩm khác không phải là thuốc chữa bệnh, như thuốc chữa bệnh (3)… Từ đó, họ lợi dụng danh tính của các bác sĩ, nghệ sĩ thông qua hình thức đã trải nghiệm sử dụng hay lời tư vấn, khuyên dùng để đánh lừa người tiêu dùng.
Trong mọi trường hợp nói trên thì việc lợi dụng dịch bệnh, cả người sản xuất, kinh doanh và người tiếp tay quảng cáo cho họ đều thiếu chuẩn mực đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật.
Hiện có nhiều quy định để xử phạt các hành vi này, cụ thể: với hành vi quảng cáo sai sự thật, sẽ bị xử phạt theo khoản 5 điều 34, nghị định 38/2021 với mức phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
Với hành vi “quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh”sẽ bị xử phạt 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo điểm b khoản 4 điều 52 Nghị định 38/2021.
Với hành vi quảng cáo thuốc không đúng với công dụng được cấp phép thì xử phạt theo điểm đ, khoản 4, điều 50 nghị định 38/2021 với mức phạt 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Lưu ý, với tổ chức thì mức phạt gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự về hành vi quảng cáo gian dối, tuy nhiên để xử lý hình sự được thì tội danh này yêu cầu người vi phạm đã phải ít nhất một lần bị xử phạt hành chính về hành vi này.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận