22/10/2013 19:14 GMT+7

Android lên 5 tuổi và những mốc son cần biết

THANH TRỰC
THANH TRỰC

TTO - Ngày 22-10, Android mừng sinh nhật 5 tuổi với ngôi vương trên thị trường hệ điều hành cho thiết bị di động. Hiện có hơn 1 tỷ thiết bị Android được kích hoạt, tính đến ngày 3-9-2013.

h7BIW8xi.jpgPhóng to
Android lên năm, thống lĩnh thị trường thiết bị di động - Ảnh minh họa: TechHive

Tuy Apple cố gắng chống chọi trước sự bành trướng của Android, kể cả việc chọn ngày sinh nhật "Robot xanh" (22-10) làm thời điểm tổ chức sự kiện ra mắt các sản phẩm mới (iPad 5 và iPad mini 2), nhưng ngôi vương của Android đang vững chắc hơn bao giờ hết.

Sau 5 năm, Android đang độ trưởng thành với những số liệu thị trường biểu thị cho sức mạnh của hệ điều hành di động gồm và .

Sau đây là một số cột mốc đáng nhớ của hệ điều hành Android trong 5 năm qua (22-10-2008 - 22-10-2013):

* 22-10-2008: smartphone dùng Android đầu tiêng ra mắt dưới tên gọi T-Mobile G1 (hoặc HTC Dream), mang theo một giấc mơ lớn của Google. Smartphone Android đầu tiên này bán được hơn một triệu chiếc trên toàn cầu.

* 30-4-2009: chưa đầy một năm sau khi ra mắt phiên bản Android đầu tiên, Google giới thiệu Android 1.5 qua hình ảnh chiếc bánh ngọt (tên mã CupCake). Bắt đầu hỗ trợ widget, tải video lên YouTube và một bàn phím ảo.

* 15-9-2009: một năm bận rộn của Android khi Donut, tên mã của phiên bản Android 1.6 ra mắt sau đó, hỗ trợ được nhiều độ phân giải màn hình hơn, giúp Android "đọc" được đoạn ngắn văn bản và cải tiến camera.

* 26-10-2009: dòng smartphone Motorola Droid đầu tiên dùng Android 2.0 (tên mã Eclair) được nhà mạng Verizon (Mỹ) giới thiệu. Eclair cải tiến bản đồ số Google Maps. Droid cũng mở đường cho các thế hệ smartphone Android "đàn em" được phân phối qua nhà mạng về sau.

* 5-1-2010: Google bắt đầu "nhúng tay" vào thị trường smartphone, xây dựng thương hiệu "Nexus" qua dòng smartphone Nexus One, do Google bán trực tiếp và sử dụng bản Android gốc (không bao gồm gói giao diện từ các nhà sản xuất OEM).

* 20-5-2010: Phiên bản Android 2.2 (Froyo) đón chào Adobe Flash, cho phép người dùng xem những video clip trên các website như YouTube, hoặc chơi game trên nền Flash.

* 6-12-2010: Gingerbread, tên mã của Android 2.3 đã tạo bước đột phá so với các phiên bản trước, bổ sung nhiều chức năng, trong đó có công nghệ giao tiếp tầm gần NFC, các cảm biến như con quay hồi chuyển.. Gingerbread nhanh chóng trở thành phiên bản Android được sử dụng nhiều nhất.

* 24-2-2011: Motorola lại được ưu ái khi dòng máy tính bảng XOOM tích hợp phiên bản Android dành cho tablet đầu tiên, phiên bản 3.0, Honeycomb. Android 3.0 mở màn cho trào lưu chip xử lý "đa nhân", và thay thế những nút vật lý truyền thống sang dạng nút ảo.

* 1-3-2011: hàng loạt ứng dụng độc hại thâm nhập chợ ứng dụng Android Market (tên cũ của Google Play hiện nay), các chuyên gia bảo mật lên tiếng cảnh báo về chế độ xét duyệt ứng dụng "dễ dàng" của Android Market. Google "tống khứ" 50 ứng dụng mã độc nhưng người dùng bắt đầu lo ngại về độ an toàn của Android.

Cho đến nay, Android là nền tảng di động mục tiêu lớn nhất của mã độc và các biến thể. Số lượng ứng dụng độc hại tăng nhanh kèm theo mức độ tổn hại.

SYM7L0MO.jpgPhóng toAndroid là nền tảng di động có nhiều mã độc nhất hiện nay - Ảnh minh họa: Internet

* 19-10-2011: Ice Cream Sandwich, thế hệ Android 4.0 ra mắt nhằm xóa bỏ sự phân mảng giữa Android 2.3 (cho smartphone) và Android 3.0 (cho tablet), đưa nhiều tính năng hay trong Honeycomb đến với smartphone. ICS cũng là phiên bản giới thiệu tính năng truyền tải dữ liệu nhanh qua chạm hai thiết bị: Android Beam, và khả năng chụp ảnh toàn cảnh (panaroma) cùng mở khóa màn hình qua nhận diện khuôn mặt.

* Tháng 10 và 11-2011: hai sản phẩm Android ra mắt thị trường làm thay đổi cục diện và mở ra xu hướng mới, gồm: phablet (smartphone lai tablet, kích cỡ lớn) Samsung Galaxy Note và máy tính bảng giá rẻ Amazon Kindle Fire, chạy bản Android tinh gọn kèm các ứng dụng tích hợp từ Amazon.

* 27 và 29-6-2012: Google trình làng hai thiết bị gồm máy tính bảng Nexus 7 và thiết bị giải trí Nexus Q. Chỉ có Nexus 7 đạt được thành công trong khi Nexus Q chìm vào quên lãng. Đồng thời điểm, Android 4.1, tên mã Jelly Bean ra mắt, giới thiệu "vũ khí quan trọng" Google Now, công cụ tìm kiếm thông minh của Google. Tốc độ và độ ổn định của hệ điều hành Android được cải thiện nhiều trong phiên bản này.

NGlk1g4D.jpgPhóng to
Android Jelly Bean - Ảnh minh họa: Internet

* 13-11-2012: Tablet Nexus 10 gia nhập gia đình Google Nexus, sử dụng Android 4.2, có cùng tên mã Jelly Bean, có thêm Photo Sphere, cho phép đăng nhập nhiều tài khoản trên cùng một thiết bị.

* 13-3-2013: trưởng dự án Android Andy Rubin rời Google. Sundar Pichai tiếp quản cả hai dự án: Android và Chrome.

* 24-7-2013: Thế hệ thứ hai của tablet Nexus 7 ra mắt, và giới công nghệ không khỏi ngạc nhiên khi Google tiếp tục giữ tên mã Jelly Bean cho Android 4.3. Phiên bản bổ sung hỗ trợ OpenGL 3.0, Bluetooth 4.0 Low-Energy (LE).

* 3-9-2013: Sundar Pichai công bố thiết bị dùng Android kích hoạt đạt mốc 1 tỷ, tiếp tục hướng đến các thiết bị như TV, đồng hồ, máy tính xách tay...

Phiên bản kế tiếp của Android đã chính thức được đặt tên mã KitKat, thanh sôcôla nổi tiếng của công ty Nestle. Hiện chưa có chi tiết kỹ thuật và tính năng của phiên bản này.

YLleFnZV.jpgPhóng to
Người dùng đang hi vọng phiên bản KitKat sẽ mang lại bước đột phá mới cho Android sau Jelly Bean - Ảnh minh họa: Internet

* Bạn đọc có thể tham khảo đầy đủ các phiên bản, ứng dụng và thiết bị Android qua từ khóa "Android" trên Tuổi Trẻ Online.

THANH TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên