26/02/2012 09:14 GMT+7

Andrew và những ngày ở VN

TRÚC QUỲNH
TRÚC QUỲNH

TT - Giữa tháng 11-2011, đạo diễn - nhà sản xuất người Mỹ Andrew Nock cùng quay phim chính Michael Ojeda và phụ trách âm thanh Joe Egan lần đầu đến VN để ghi hình câu chuyện phẫu thuật của bác sĩ McKinnon cho ba bệnh nhân nghèo.

Read this on Tuoitrenews.vn

n4T2gw0r.jpgPhóng to
Ảnh: Andrew Nock cung cấp

Từ đó đến đầu tháng 1-2012, Andrew liên tục qua lại giữa Mỹ và VN, chưa tính thêm những lần “xẹt ngang” Thái Lan để quay một bệnh nhân mang bướu khác được bác sĩ McKinnon phẫu thuật.

Ăn, ngủ cùng nhân vật

Người duy nhất không khóc

Khoảnh khắc ấn tượng nhất đối với Andrew là khi Duy Hải nằm trên giường bệnh nghe tin mình sẽ không được phẫu thuật và bác sĩ McKinnon phải quay về. “Anh ấy nói thế này: Con cầu nguyện là ở một nước xa xôi nào trên thế giới, có bệnh nhân nào đó như con, và với đôi bàn tay của ông, hãy cầm dao mổ và phẫu thuật cho họ, cứu thoát họ để họ có thể tìm ra một con đường sống và hướng về ánh mặt trời tươi sáng kia”. Andrew nhớ rành rọt từng câu chữ của anh Hải.

“Lúc đó tôi đã không thể tin được rằng anh ấy có thể mạnh mẽ và không hề nghĩ cho mình như thế. Cho tới lúc đó, anh là người duy nhất không bao giờ khóc, và còn gắng gượng để an ủi những người còn lại trong gia đình”, Andrew xúc động bình luận.

Thời gian đó, anh Duy Hải và gia đình ở đâu thì nhóm làm phim Mỹ lại ở đấy. Anh Hải về TP.HCM chuẩn bị mổ, họ đi cùng theo xe cấp cứu; anh Hải nằm ở bệnh viện chờ xét nghiệm, họ cũng túc trực ngày đêm.

Lúc nào trông cả nhóm cũng hối hả, chuyên nghiệp, hết sức tập trung và không để bỏ lỡ bất kỳ diễn biến nào của câu chuyện. Thức khuya dậy sớm, có những ngày vác máy chạy theo nhân vật, gia đình rồi các bác sĩ đến 14-15 tiếng đồng hồ, nhưng ít thấy họ trễ nải hoặc kêu ca điều gì.

Lịch trình căng thẳng như vậy chẳng xa lạ gì với một nhà làm phim tài liệu đầy kinh nghiệm như Andrew, một trong những đạo diễn và nhà sản xuất “con cưng” của Hãng truyền hình Morningstar Entertainment đóng tại Los Angeles, Mỹ.

Sinh ra và lớn lên ở Anh, ôm ấp giấc mơ trở thành một nhà làm phim tài liệu để được thỏa chí rong ruổi và khám phá các vùng đất lạ, để được đắm mình vào các nền văn hóa khác nhau và gặp gỡ những con người thú vị, từ trẻ Andrew đã khăn gói sang Mỹ sinh sống để gầy dựng sự nghiệp.

Hơn mười năm “lăn lộn” trong ngành, Andrew khoe gia tài của anh là hàng chục bộ phim tài liệu về đủ các thể loại từ quân sự, lịch sử, ẩm thực, người săn ma, khoa học, người nổi tiếng và cả người mẫu thời trang cho các kênh truyền hình đình đám như The History Channel, Discovery...

Cơ duyên làm việc với Morningstar Entertainment và sau đó sản xuất loạt phim tài liệu y tế về các bệnh nhân bướu nghèo khắp thế giới “đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi” đến vào tháng 4-2011, khi anh làm chương trình đầu tay Triggers: Weapons that changed the world về các loại vũ khí. Bộ phim nhận phản hồi rất tốt từ phía khán giả, và thế là hãng đề nghị anh làm phim với bác sĩ McKinnon.

Dĩ nhiên, Andrew hăm hở nhận lời để được khám phá lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ này. Thời điểm đó, loạt phim tài liệu phẫu thuật “McKinnon Files”, sau hơn 10 năm ra mắt, đã rất nổi tiếng và nó cũng là thách thức cho Andrew bộc lộ tài năng.

sk8riJHg.jpgPhóng to
Đạo diễn Andrew Nock

Những nhân vật “không ăn ảnh”

Tiếp nhận thách thức mới, Andrew cũng hiểu từ nay anh sẽ gặp những nhân vật “rất khó ăn ảnh” trước ống kính máy quay. Nhân vật đầu tiên của Andrew là Ed Port, người đàn ông bị bướu khổng lồ trên mặt ở bang Ohio (Mỹ). Sau đó là cô gái trẻ tên Aum ở Thái Lan, người có khuôn mặt dị dạng vì khối bướu đa sợi thần kinh ngoại biên như trường hợp Mỹ Dung ở Đà Lạt (VN).

Anh kể gia đình Aum rất nghèo và cô không thể đi học nhiều năm rồi. Đầy ý chí và nghị lực, cô tự học ở nhà và sau đó thi đậu vào một trường dạy nghề cho người khuyết tật để theo học vi tính. Nhưng Aum biết rằng rồi sẽ chẳng ai nhận cô vào làm việc với khuôn mặt như vậy. Tháng 11 năm ngoái, bác sĩ McKinnon đã cùng với các bác sĩ ở Bangkok phẫu thuật thành công cho Aum, cắt bỏ khối u và tái tạo gương mặt cho cô. Điều ít biết là ca phẫu thuật suýt không thể thực hiện được vì đợt lũ lịch sử làm ngập hầu hết thành phố này.

Lần đầu đến VN, Andrew nhớ lại bản thân thật sự nhiều bỡ ngỡ và cả lo lắng. “Thú thật là ở Mỹ vẫn còn có người nói người VN không có thiện cảm với nước Mỹ vì cuộc chiến hàng chục năm trước. Chúng tôi không thể hình dung mình sẽ được đón chào và tiếp nhận thế nào. Vì vậy lúc mới tới VN, tôi cứ phải nói rõ trước với mọi người tôi là người Anh chứ không phải Mỹ đâu” - anh kể lại.

Rồi cả phản ứng của bệnh nhân Duy Hải và sau này là Sa Ly, Mỹ Dung và gia đình họ, khi đột nhiên có một nhóm người lạ “xông vào” tận nhà, chĩa máy quay ghi lại những ngóc ngách trong cuộc sống và tâm tư hằng ngày của họ. Nhưng mọi lo lắng quá mức đó sớm biến mất, khi các bệnh nhân và gia đình VN chân chất này đã mở lòng chấp nhận nhóm, cho phép họ ghi lại những giờ phút riêng tư của mình.

Đi nhiều, gặp gỡ và trải nghiệm nhiều, vậy mà anh nói không ai để lại ấn tượng sâu sắc và khiến anh khâm phục như “người có bướu” Nguyễn Duy Hải ở VN. Dành thời gian lâu nhất với Duy Hải và gia đình, Andrew nói trong 10 năm làm nghề chưa ai làm anh xúc động như chàng trai Đà Lạt này, với thái độ sống lạc quan và dũng cảm, người mà anh bảo “nói chuyện rất thông thái và tâm hồn thì đầy chất thơ”.

Sau nhiều lần qua lại VN, nhóm làm phim đã quay được khoảng 60 giờ hình ảnh câu chuyện của Duy Hải. Nhiệm vụ của Andrew hiện giờ là phải viết, dựng và sản xuất một tập phim dài vỏn vẹn 60 phút cho kênh truyền hình Mỹ The Learning Channel, vốn nổi tiếng với các chương trình có tính giáo dục cao.

Chân thành, cởi mở và đầy nghị lực, những bệnh nhân VN nghèo nhưng không “khổ” như anh Duy Hải đã để lại sự kính phục và giành được cả tình cảm chân thành từ những người làm phim nước ngoài như Andrew. Có thể thấy, vượt qua khỏi những ràng buộc và trách nhiệm của nghề nghiệp là mối quan tâm chân thành xuất phát từ lòng cảm thông giữa người và người, dù bên này nói gì thì bên kia phải chờ phiên dịch mới hiểu được. Có những lúc chẳng còn phân biệt được người làm phim hay nhân vật trong câu chuyện, tất cả họ như những người bạn đã chia sẻ hoạn nạn và vượt qua những giờ phút khó khăn nhất cùng nhau. Nhìn cách cả đoàn làm phim “quăng hết đồ nghề” ôm chầm lấy mẹ và em trai anh Duy Hải ngày chia tay bác sĩ McKinnon tại Bệnh viện FV TP.HCM sau ca mổ thành công cũng đủ thấy xúc động trước tình thân của họ.

Hơn một tháng rưỡi sau đó, ngày nào Andrew cũng liên lạc với gia đình anh Duy Hải và email qua lại với chị của anh. Anh cũng muốn gặp lại Mỹ Dung để xem cô thay đổi thế nào và có thực hiện được ước mơ của mình không. Anh lo lắng không biết Sa Ly sẽ xoay xở với quá trình hồi phục sau ca mổ thế nào.

Với những hình ảnh của Duy Hải, Sa Ly và Mỹ Dung rồi đây sẽ được phát khắp thế giới, Andrew mong anh sẽ kể được một câu chuyện xác thực nhất về những con người dũng cảm và hi vọng cuộc đời của họ sẽ gieo lên niềm hi vọng cho biết bao bệnh nhân nặng nghèo khổ khác.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: KỲ 4: Kỳ 5: Kỳ 6:

__________

Đối với ba bệnh nhân đặc biệt Duy Hải, Sa Ly, Mỹ Dung, cuộc sống mới sau phẫu thuật của họ quả thật là một ân huệ bất ngờ. Bây giờ họ ra sao?

Ky tới: Mỗi phút giây sống đều quý giá

TRÚC QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên