16/12/2005 21:13 GMT+7

Andersen - đứa trẻ vàng của huyền thoại lãng mạn

NGÔ PHI BAY - L.TH. ghi
NGÔ PHI BAY - L.TH. ghi

TTO - Sáng nay, 16-12-2005, Hội thảo khoa học kỷ niệm 200 ngày sinh nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen (1805-2005) do Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM phối hợp với ĐH KHXHNV TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại số 2 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM.

L5fQsVmO.jpgPhóng to
Hàng trăm sinh viên của Khoa Ngữ văn Báo chí ĐH KHXHNV TP.HCM tham gia buổi hội thảo - Ảnh: Phi Bay

Được cả thế giới biết đến với danh hiệu là ông vua của các câu chuyện cổ tích và bạn đọc, đặc biệt là trẻ em Việt Nam không hề xa lạ với Cô bé bán diêm, Chú lính chì dũng cảm, Con vịt xấu xí, Nàng tiên cá, Giấc mơ cuối cùng của cây sồi… , nhưng những tham luận trong cuộc hội thảo vẫn mang đến cho người đọc nhiều góc nhìn mới mẻ và cả những phát hiện khá thú vị.

TTO xin trích đăng một trong những tham luận sâu sắc về Hans Christian Andersen tại hội thảo: Andersen - thế giới của giọt nước và ánh lửacủa dịch giả Nhật Chiêu:

"Tôi tựa hồ như nước, mọi điều chuyển động trong tôi, mọi điều phản chiếu trong tôi - Điều này chắc hẳn một phần do bản chất tôi là thi sĩ, và nó thường làm tôi vui thích mà đón nhận ân huệ ấy nhưng nó cũng thuờng đày đọa tôi"

(Andesrsen tự nhìn mình như thế trong một bức thư viết vào năm 1855)

Eventyr: Huyền truyện (*)

Tác giả của hơn 150 huyền truyện, Andersen tạo dựng cả một thế giới kỳ diệu mà vẻ đẹp của nó chỉ có thơ ca mới sánh nổi.

Andersen thường gọi truyện kể của mình là Eventyr, thường được dịch là "đồng thoại" hay "truyện thần tiên", hoặc tệ hơn nữa là "truyện cổ". Nhưng Eventyr chỉ có nghĩa là một huyền truyện ngắn, dành cho bất cứ ai (a short fantastic story for any age of reader - Theo The Oxford Companion to Children's literature, 1999).

Vì vậy, tôi thích gọi truyện kể của Andersen là huyền truyện.

“Andersen chào đời trong căn phòng áp mái của một gia đình nghèo khổ vào năm 1805. Người cha là thợ đánh giày tên Hans Christian, và cậu bé được đặt tên giống bố. Đọc tiểu sử của Andersen sao thấy nhớ đến nhà văn Nga N.V.Gogol và nhân vật “con người nhỏ bé” trong tác phẩm “Chiếc áo khoác” của ông: cũng nghèo khổ, xấu xí, thường bị trêu chọc, xúc phạm, sống cô đơn trong gia đình…”

Trích tham luận của tác giả Trần Thị Phương Phương - Hans Christian Andersen - đời và thơ -

Thời đại vàng Đan Mạch! Cái xứ sở nhỏ bé mà không gian tràn đầy muôn triệu những bụi nước li ti lại có thể đứng trước thế giới mà tuyên xưng hai cái tên mê hoặc nhất của văn chương và triết lý: Andessen (1805-1875) và Kierkegaard (1813-1855)

Cả hai thiên tài ấy đều viết về con người như thể con người là huyền thoại, cả hai đều lấy cái cô đơn khốc liệt của mình làm chất liệu mà miêu tả cái cô đơn lạc loài của con người hiện tại.

Andersen biến nhân loại thành những đứa trẻ đi lạc trong những khu vườn bí ẩn.

Còn Kierkegaard thì biến con người thành những cái bóng của sợ hãi và lo âu, nhưng tự do lựa chọn cuộc đời mình.

Trẻ thơ - nguồn cội của nhân gian

Trong cái nhìn của Andersen thì nhân loại, cho dù thế nào đi nữa, bao giờ cũng là trẻ thơ. Và ông chính là thế, là "đứa trẻ vàng của huyền thoại lãng mạn" (The golden child of romantic myth, chữ của Wullschlager).

Hình tượng trẻ thơ trong thế giới thần tiên được Andesrsen biến thành hình tượng chủ yếu trong văn hóa thế kỷ 19.

Từ năm 1847, nhà văn Thackeray đã viết thư hỏi một người bạn: "Anh đã đọc Andersen chưa? Tôi mê như điên dù chỉ mới khám phá ra sinh vật mộng tưởng kỳ thú đó."

Dường như Thackeray gọi đúng linh hồn của Andersen hơn ai hết: một sinh vật mộng tưởng kỳ thú (delightful fanciful creature)

Dưới ảnh hưởng của Andersen, trẻ thơ lấp lánh bay lượn trong khí quyển của vô vàn trang sách từ những tác giả như Lewis Carroll những năm 1860 cùng với Charles Kingsley và Oscar Wilde năm 1888...

Có thể nói, Andersen đã sáng tạo ra một đứa trẻ mới, một đứa trẻ thần tiên của thời hiện đại: hồn nhiên nhưng tự tin, mộng tưởng nhưng cũng hiểu biết thực tại... Tóm lại là khá giống người lớn nhưng khả ái và nên thơ hơn, cũng giàu tưởng tượng hơn.

Vào năm 21 tuổi, Andersen tực đặt mình vào tình cảnh một đứa trẻ đau yếu hấp hối mà soạn ra bài thơ sau:

Mẹ ơi xin đừng khócCon chỉ ngủ mà thôiĐôi má người cháy lửaDẫu chìm trong lệ trôi

Gió ơi, đừng tàn khốcTa chỉ mộng mà thôiMột đàn thần tiên béLượn quanh ta sáng ngời

Có thiên thần cánh sángBay trong nhạc tuyệt vờiHoa theo người buông thảm Óng vàng và biếc tươi

Bao giờ con có cánhMà bay cao trong đời?Thiên thần hôn con đấyXin đừng khóc mẹ ơi!

1826

Đấy là bài thơ rất được ưa chuộng của Andersen trong thế kỷ 19 và ngày nay vẫn còn gây xúc động. Bài thơ đã cho thấy chủ đề của Andersen. Đứa trẻ, ấy là nguồn cội của nhân gian và cái chết là thực tại của con người. Ý nghĩa của cuộc sống (hoặc sự vô nghĩa) có thể tìm kiếm giữa đứa trẻ và cái chết, giữa bi quan và lạc quan, như có thể thấy trong bài thơ trên.

Thế giới trong một giọt nước

“Có thể nói, những mong ước trong truyện cổ tích Andersen đều tha thiết và hệ trọng. Nhưng các nhân vật khi đạt được lại hiếm khi trọn vẹn niềm vui. Truyện của ông thường không kết thúc khải hoàn hoặc sự viên mãn, rằng từ đó trở đi, nhưng nhân vật ấy sẽ hạnh phúc mãi mãi. Andersen đã làm ngược lại, cái đạt được không phải phần thưởng tuyệt đối cho đức hạnh hoặc tài năng hay sự khốn khó. Cái đạt được vẫn nằm trong chiếc bóng khổng lồ của định mệnh. Và nỗi buồn tràn ngập, cho dù ước mơ đã thành”

Trích tham luận của Lê Thị Thanh Tâm - Bi kịch hồn nhiên trong truyện cổ Andersen

Với Andersen, có cả một thế giới trong một giọt nước. Trong truyện Giọt nước, ông kể:

"Có một lão già mà mọi người gọi ông là ông Ngoe Ngoẩy Ngọ Nguậy. Một hôm, lão dùng kính lúp soi vào giọt nước vừa lấy từ hố lên. Trời ơi, hàng trăm sinh vật li ti đang nhảy choi choi, giật kéo nhau và ăn thịt nhau.

Và để quan sát rõ hơn, ông lão nhuộm đỏ thế giới trong giọt nước ấy bằng một giọt rượu vang đỏ ma thuật. Một lão phù thủy vô danh cũng đến, ghé mắt nhìn ké. Họ thấy trong đó một phụ nữ bị đám đông trần truồng lôi đi mà ăn thịt.

Ngoe Ngoẩy hỏi: "Theo ông, đó là cái gì?"

- Quá đơn giản, đó hẳn là Copenhagen hoặc bất kỳ thành phố nào khác, vì chúng tương tự nhau cả.

Giọt nước của Andersen như một tấm gương soi: "Tôi tựa hồ như nước, mọi điều chuyển động trong tôi, mọi điều phản chiếu trong tôi..."

Cõi người ta nằm trong một giọt nước ấy, như cõi người ta của Nguyễn Du nằm trong "một vài trống canh".

Biết bao ý nghĩa có thể tìm thấy trong Giọt nước của Andersen theo năm tháng mà một đứa trẻ băng qua để làm người lớn, để làm cho những giọt nước trong đời phản ánh một thế giới tốt đẹp hơn.

zbVzInAU.jpgPhóng to
Hans Christian Andersen
Như Giọt nước, nhiều truyện ngắn của Andersen đạt đến chiều sâu tư tưởng và những dụ ngôn triết lý của Trang Tử cũng như Sadi: Quần áo mới của vua, Cái bóng, Giấc mơ cuối cùng của cây sồi cổ thụ, Cô bé bán diêm...

Giọt nước của Andersen là một giọt nước thần tiên, giọt nước của ngôn từ. Nó có thể phản chiếu ba ngàn thế giới.

Cũng như ánh lửa từ que diêm của cô bé nghèo đánh lên trong đêm giao thừa trong truyện ngắn bất hủ Cô bé bán diêm.

Trong những ánh lửa nhỏ ấy, có lò sưởi, có ngỗng quay,có cây thông Noel, có người bà yêu thương, có thiên đàng, và tất nhiên, có cả cái chết, những vì sao đổi ngôi.

Vì giọt nước và ánh lửa, phản chiếu cuộc đời một cách trung thực nhất, đồng thời cũng huyền ảo nhất. Đó là bí ẩn của thiên tài Andersen.

"Tôi đau khổ cùng với các nhân vật của mình", Andersen nói như thế về Nàng tiên cá nhỏ. như chính nỗi đau của nàng tiên ấy, nỗi đau của Andersen là nỗi đau cao cả của những tâm hồn nghệ sĩ vĩ đại, như Tố Như đau khổ cùng với Kiều.

Từ nỗi đau ấy, nghệ thuật hay hiện thân của giấc mộng, hay niềm vui của con người, ra đời.

(*) Tựa do TTO đặt

NGÔ PHI BAY - L.TH. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên