Anatomy of A Fall của nữ đạo diễn Pháp Justine Triet đã đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2023.
Sandra đáp: "Trải nghiệm chỉ dẫn tôi tới một câu chuyện thú vị và tôi quyết định đưa nó vào trong cuốn sách của mình. Không gì hơn".
Chỉ một lát sau, Maleski, chồng Sandra, một người đàn ông đam mê viết văn nhưng chưa từng được coi trọng rơi từ tầng ba ngôi nhà gỗ của họ nơi dãy núi Alps tuyết phủ.
Nhân chứng duy nhất là cậu con trai 11 tuổi mù lòa. Anh đã tự sát vì nản chí với sự nghiệp thua kém vợ?
Hay vợ anh đã bốc đồng giết anh vì thói ái kỷ của một nhà văn? Cả phim gần như là một phiên tòa, nơi cuộc hôn nhân của hai người viết được giải phẫu để tìm hung thủ.
Anatomy of a Fall - Trailer
Hoán đổi quyền lực giới tính
Năm ngoái điện ảnh có một nữ nhạc trưởng đồng tính Lydia Tár quyền lực bỗng chốc sa cơ vì bị buộc tội đẩy một nữ sinh viên đến chỗ chết; năm nay điện ảnh lại có một nữ nhà văn lưỡng tính Sandra Voyter danh tiếng bỗng chốc lâm vào cảnh bị tình nghi sát hại chồng.
Ở cả hai phim, việc hoán đổi vai trò quyền lực giữa nam và nữ và đặt phụ nữ ở "kèo trên" cho chúng ta những góc độ khác để nhìn bạo lực.
Trong một phân cảnh cãi vã dài hơn 10 phút giữa Sandra và Maleski, với cường độ dữ dội tương đương với phân cảnh tranh cãi nổi tiếng của Marriage Story, Maleski tức giận kể lể anh đã hy sinh đời mình ra sao để Sandra được tự do sáng tạo.
Anh buộc tội cô không quan tâm tới gia đình, chỉ vùi đầu vào viết và nghĩ những ý tưởng để viết. Sự thành công của cô phải trả giá bằng sự thất bại của anh, sự lạnh nhạt trong hôn nhân, sự xa cách với con cái. Anh muốn cô cảm thấy có tội vì đã yêu văn chương hơn cha con anh.
Nỗi ấm ức phun trào của Maleski dường như là nỗi ấm ức của chính xã hội nam trị khi một mặt phải vờ vui vẻ lui về cho phụ nữ tiến lên, mặt khác vẫn khắc cốt ghi tâm từng điều họ làm trái ý.
Điều thú vị là đạo diễn chỉ cho ta xem phân cảnh họ cãi nhau nhưng đến khi họ bắt đầu vung tay, tất cả chỉ còn là những âm thanh từ cuộn băng ghi âm và lời khai không đối chứng của Sandra. Sandra có giết chồng không?
Ngay cả khi phiên tòa đưa ra kết luận, bộ phim cũng không khẳng định cô vô tội hay có tội. Chúng ta chỉ được biết một điều:
Sandra không thấy có tội vì đã yêu sự nghiệp hơn gia đình, cô không thấy mình nợ Maleski. Ở cảnh cuối cùng, cô bình yên ôm con chó đi ngủ - sau rốt cô chẳng cần người đàn ông nào.
Đến đây, bộ phim dường như cho chính người xem trở thành quan án: bạn có thấy khó chịu vì sự ích kỷ của một người phụ nữ hay không?
Nguyên nhân sâu xa cái chết của Maleski vẫn là sự bỏ bê nhà cửa của một người vợ và một người mẹ? Liệu phụ nữ phải gánh trách nhiệm cho tất cả?
Thế giới các nhà văn
Justine Triet và chồng cô, Arthur Harari - đồng biên kịch Anatomy of A Fall đã khéo chọn nghề nghiệp cho Sandra - một người phụ nữ bị coi là ích kỷ: một nhà văn. Làm một nhà văn đồng nghĩa với việc thường xuyên chìm đắm trong thế giới cá nhân. Người ta không thể làm một nhà văn mà không có chút ích kỷ.
Bằng chứng là Maleski có vẻ không ích kỷ. Anh không cho con tới trường mà tự tay dạy đứa bé. Anh chấp nhận làm giáo sư đại học dù chán ngấy việc đó, để lo cho gia đình. Nhưng anh không viết được gì nhiều. Anh sống trong cái bóng của Sandra.
Sandra nói Maleski không đủ can đảm để theo đuổi văn chương như cô. Nói đúng hơn, Maleski không có đủ can đảm để bất cần mọi thứ. Văn chương như một vị bạo chúa. Nó không chấp nhận một người tín đồ thờ hai chủ. Phải hiến đời mình cho nó để được tưởng thưởng.
Sâu bên trong cuộc giải phẫu hôn nhân, giải phẫu giới tính, giải phẫu quyền lực, Anatomy of A Fall là cuộc giải phẫu về bản chất văn chương.
Ngoài mối quan hệ giữa văn chương và thói ích kỷ, bộ phim cũng đặt ra câu hỏi muôn thuở: nguồn gốc của văn chương đến từ đâu - hiện thực hay tưởng tượng?
Chi tiết đắt giá trong phiên tòa là khi công tố viên, để buộc tội Sandra, đã đọc một đoạn văn trong chính tác phẩm của cô, và lấy tâm thức một nhân vật phụ để suy diễn tâm thức của Sandra.
Khổ nỗi văn chương của Sandra thuộc dòng autofiction, kết hợp giữa tự truyện và hư cấu, một dòng văn chương mà người Pháp đã đưa lên đỉnh cao nhờ những tên tuổi như Marcel Proust, Marguerite Duras hay Annie Ernaux.
Mặc dù bộ phim đã dàn cảnh cho Sandra giải thích từ đầu phim rằng hiện thực chỉ là điểm khởi đầu, còn văn chương vẫn là hư cấu, không gì hơn nhưng độc giả luôn thích nhìn thấy văn chương vận vào đời tác giả.
Nếu một ngày Stephen King trở thành hung thủ giết người, có lẽ các tác phẩm giật gân của ông sẽ có thêm một hào quang huyền thoại nữa.
Nhưng để nói về bản chất văn chương có lẽ không gì hơn là nhìn vào đứa con 11 tuổi bị mù, nhân chứng duy nhất của vụ án.
Lời khai ban đầu bất nhất của cậu khiến ta băn khoăn, tất cả những chi tiết cậu kể thêm để bảo vệ mẹ mình sau đó là thật hay là giả, hay nửa thật nửa giả? Nhưng dù thật hay giả thì chúng cũng đủ hay để thuyết phục bồi thẩm đoàn xử trắng án cho mẹ cậu.
Chẳng ai chứng thực lời khai của cậu bé cả, chẳng ai chứng thực văn chương có thật không nhưng người ta chọn tin vào cậu bé, cũng như chọn tin vào những gì văn chương kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận