Phóng to |
Phóng to |
Phối cảnh dự án công viên đá kết hợp khu giải trí Coffee Terrace - Ảnh: CTV |
Hòn Chồng từ lâu là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới Nha Trang. Đây là khu di tích danh lam thắng cảnh đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích thắng cảnh quốc gia từ năm 1998. Trước kia, Quách Tấn viết trong Xứ Trầm Hương rằng: “Ở Nha Trang, muốn đến Hòn Chồng thì có hai đường. Hoặc đến xóm Bóng mướn con thuyền nho nhỏ bơi ra hướng bắc để khai vị thú trời biển bao la. Hoặc theo quốc lộ số 1 đi ra khỏi Tháp Bà chừng một cây số rưỡi, rồi quẹo xuống ngõ tẽ qua xóm dừa nước ngọt bóng xanh. Chỉ trong giây lát là đến Hòn Chồng”.
Còn bây giờ Hòn Chồng nằm ngay bên đại lộ Phạm Văn Đồng phía bắc thành phố là một quần thể các khối đá lớn nhỏ, đa hình đa dạng xếp chồng lên nhau như có bàn tay tạo hóa sắp đặt giữa khung cảnh trời biển hữu tình nên được khá nhiều nhà đầu tư dòm ngó.
Mặc cho các nhà nghiên cứu văn hóa phản đối, nhân dân chê trách, dự án quán cà phê “ăn” vào di tích thắng cảnh Hòn Chồng vẫn cứ được xúc tiến, nhờ lãnh đạo chính quyền đã “đồng ý về mặt chủ trương”.
UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 1-3-2011 đã có văn bản 873/UBND thống nhất về mặt chủ trương cho phép Công ty TNHH Xây dựng và đầu tư xây dựng khu công viên đá, kết hợp khu giải trí Coffee Terrace tại vị trí khu danh thắng Hòn Chồng. Công ty này đã thiết kế khu giải trí gồm một khối nhà chính có tầng hầm chiếm hơn một nửa diện tích công viên để làm khu vực bán cà phê, hàng lưu niệm và... thiết bị máy móc (!).
Cái may ở Nha Trang là cơ quan quản lý di tích là Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh Khánh Hòa khi được hỏi ý kiến về dự án khu giải trí Coffee Terrace đã phản đối bằng công văn số 42/QLDT ngày 22-4-2011, cho rằng “dự án của Công ty TNHH Xây dựng và đầu tư thực chất là đầu tư cơ sở kinh doanh trên đất của danh thắng quốc gia dưới hình thức mượn danh nghĩa xã hội hóa”.
Sở VH-TT&DL Khánh Hòa cũng có công văn số 441/SVHTTDL-KHTC ngày 21-4-2011 chỉ rõ: “Thiết kế kỹ thuật dự án công viên đá kết hợp khu giải trí Coffee Terrace thực chất là công trình dịch vụ kinh doanh (diện tích xây dựng các hạng mục gần như chiếm toàn bộ không gian mặt bằng nổi và thêm tầng hầm diện tích trên 1.000m2). Các tác phẩm đá bố trí như hình thức hàng rào khu dịch vụ. Tỉ lệ đất dành cho cây xanh, cỏ... không đáng kể và hoàn toàn không thể tổ chức được các hoạt động như: lễ hội, trại điêu khắc”.
Hiện tại, Sở KH-ĐT Khánh Hòa đang “nghiên cứu” các ý kiến để tham mưu cho UBND tỉnh về hồ sơ xin thỏa thuận địa điểm đầu tư dự án công viên đá kết hợp khu giải trí Coffee Terrace tại Hòn Chồng. Ngày 24-5, ông Trương Đăng Tuyến, giám đốc Sở VH-TT&DL Khánh Hòa, nói về vấn đề này với phóng viên Tuổi Trẻ: nếu làm khu dịch vụ giải trí ở Hòn Chồng thì Công ty TNHH Xây dựng và đầu tư phải thay đổi thiết kế của dự án.
Như vậy, việc thực hiện cái chủ trương kia dù được mặc chiếc áo “xã hội hóa”, hay được gọi là “dịch vụ hài hòa với di tích” vẫn không được mấy người chấp nhận, một khi nguy cơ không gian di tích bị phá vỡ, giá trị di tích bị tổn thương là khó tránh khỏi.
Một nhà nghiên cứu văn hóa ở Khánh Hòa nói rằng: Ở miệt biển có con dông sống trên cát, suốt mùa đông dài nó ẩn nấp trong hang không có gì ăn phải ăn cái đuôi mình để sống. Con người ta “ăn” vào di tích là ăn thịt của chính mình. Đuôi con dông đến mùa xuân thì tái sinh, còn di tích đã “ăn” thì có bao giờ tái sinh được nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận