06/06/2020 08:27 GMT+7

Ấn, Úc bắt tay đối trọng Trung Quốc

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Thái độ tích cực của Ấn Độ đối với vấn đề an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể là tín hiệu cho sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Biển Đông.

Ấn, Úc bắt tay đối trọng Trung Quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng Úc Scott Morrison (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một lần gặp - Ảnh: AAP

Trong tuần này, Ấn Độ đã có nước đi mang tính bước ngoặt trong quan hệ song phương với Úc, mở ra những thay đổi cụ thể nhất giới quan sát có thể ghi nhận trong chiến lược "Hành động hướng đông" (Act East) của Thủ tướng Narendra Modi.

"Delhi và Canberra hiểu rằng không ai trong hai bên có thể dựa vào công thức cũ để đảm bảo lợi ích quốc gia, vì sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc và quỹ đạo chính trị không chắc chắn của Mỹ.

C. Raja Mohan (giám đốc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, ĐH Quốc gia Singapore)

Dùng căn cứ quân sự của nhau

Hôm 4-6, Thủ tướng Modi đã có cuộc gặp trực tuyến với người đồng cấp Úc Scott Morrison. Kết quả cuộc gặp mang tới những chuyển biến rất cụ thể: quan hệ Ấn - Úc được nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện; hai bên đồng thời ký kết 7 thỏa thuận, trong đó tập trung vào các lĩnh vực quan trọng từ quốc phòng cho tới đất hiếm.

Theo tuyên bố từ cả hai nước, các kết quả trên phản ánh việc hai bên chia sẻ những mục tiêu chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, thịnh vượng và bao trùm hơn, cũng như mục tiêu cho một thế giới của những tổ chức mạnh mẽ hơn, nhằm ủng hộ lợi ích, sự phát triển kinh tế và con người của tất cả các quốc gia.

Trong số các lĩnh vực hợp tác mới, truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý tới hai thỏa thuận quân sự Ấn - Úc, gồm thỏa thuận nhằm hỗ trợ hậu cần lẫn nhau và nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quốc phòng.

Điều quan trọng nhất và đơn giản nhất được truyền thông quốc tế nhấn mạnh là các thỏa thuận này giúp Ấn Độ và Úc tạo ra cơ chế cho phép quân đội hai bên sử dụng căn cứ quân sự của nhau.

Theo góc nhìn của giới quan sát, quan hệ Ấn - Úc được tăng cường trong thời điểm cả hai đều xem Trung Quốc là đối trọng về địa chính trị lẫn căng thẳng chính trị, thương mại và biên giới. Và trên thực tế, động thái của Ấn Độ phản ánh tham vọng đa phương hóa của nước này.

Ấn Độ trước đây đã tìm cách ký kết các thỏa thuận hỗ trợ quốc phòng với Mỹ, Pháp, Hàn Quốc và Singapore. India Times cho biết sau Úc, Ấn Độ sẽ xúc tiến thỏa thuận tương tự với Nhật Bản, Nga và Vương quốc Anh.

Ấn can dự sâu hơn vào Biển Đông?

Trong bài viết ngày 4-6, India Times nói thẳng các thỏa thuận trên rất quan trọng với Ấn Độ, xét thực tế Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ Dương, mà cụ thể là đưa căn cứ quân sự ở Djibouti vào hoạt động từ năm 2017. 

Ở khu vực rộng lớn hơn, Ấn Độ cũng nhìn nhận Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện quân sự toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương qua các căn cứ ở Vanuatu và các nước khác.

Theo Indian Express, những biến động địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã mở ra một không gian rộng lớn cho hợp tác an ninh của Ấn Độ và Úc. Trong khi đó việc cùng góp mặt trong các nhóm như G-20, Thượng đỉnh Đông Á, cũng như "Bộ tứ kim cương" (QUAD) đã tăng cường khả năng hợp tác ngoại giao về các vấn đề của khu vực và toàn cầu giữa hai bên.

Trong nhiều năm qua, Ấn Độ thực tế luôn là nhân tố quan trọng trong các sáng kiến cân bằng sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên New Delhi cũng thường là ẩn số do phải cân bằng lợi ích kinh tế với Bắc Kinh. Nhưng động thái thúc đẩy quan hệ với Úc đang diễn tả một thái độ quyết đoán hơn của chính quyền Thủ tướng Modi.

Việc nhìn nhận lợi ích trong mối quan hệ song phương với Úc cũng như những cơ hội phát triển kinh tế cho thấy Ấn Độ đang thể hiện rõ tham vọng tham gia vào các vấn đề chung để góp sức, đổi lại phục vụ lợi ích đa phương. Trong số này, Biển Đông là khu vực rất được quan tâm.

Hợp tác quốc phòng với Úc có thể sẽ dẫn tới việc Ấn Độ tăng cường sự hiện diện quân sự. Năm ngoái, tàu chiến Ấn Độ đã cùng tàu Mỹ, Nhật và Philippines quá cảnh ở Biển Đông. Ấn Độ cũng đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Mỹ, thể hiện qua các cuộc tập trận hải quân Malabar có sự tham gia của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Úc hiện nay được cho rất quan tâm tới Malabar.

Thỏa thuận quốc phòng của Ấn và Úc mới đây cũng được cho là tín hiệu về một tương lai Ấn Độ tham gia sâu hơn vào câu chuyện Biển Đông, nhất là khi tuyên bố sau cuộc họp Modi - Morrison vừa qua đã nhắc tới Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Tham vọng đa phương

Theo truyền thông Ấn Độ, để tham gia vào tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, Ấn Độ cần tận dụng mối quan hệ có sẵn trong QUAD, và nhiều khả năng là các đối tác khác trong QUAD Plus gồm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand. Muốn liên kết chuỗi cung ứng hay tham gia vào các "tổ chức mạnh mẽ hơn" trong Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như đã nêu trong tuyên bố, Ấn Độ đang xem các ưu tiên của QUAD là cầu nối cho tham vọng đa phương của mình.

Bộ Tư pháp Mỹ kiện một công ty Trung Quốc bán khẩu trang N95 Bộ Tư pháp Mỹ kiện một công ty Trung Quốc bán khẩu trang N95 'dỏm'

TTO - Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi kiện một công ty Trung Quốc vì bán gần nửa triệu khẩu trang giả và kém chất lượng cho người tiêu dùng Mỹ trong tháng 4, thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành dữ dội ở Mỹ.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên