01/12/2006 21:26 GMT+7

Ấn tượng với The Coast guard của Kim Ki Duk

NGUYÊN HUY
NGUYÊN HUY

TTO - Bộ phim nói về Hàn Quốc sau thời kỳ nội chiến, khu vực bờ biển được rào lại bằng kẽm gai để tránh bị tấn công. Bất kỳ ai bén mảng tới khu vực đó đều có thể bị bắn chết.

UVmYAJA1.jpgPhóng to
Kang Han Chul (Jang Dong Gun, phải) trong phim

Trong đội quân bảo vệ bờ biển, ai giết được một kẻ bị tình nghi là gián điệp (tức là xâm phạm vào vùng cấm) sẽ được nghỉ phép 1 tuần. Binh nhất Kang Han Chul (Jang Dong Gun thủ vai) lúc nào cũng bị ám ảnh bởi việc sẽ phải đối đầu với gián điệp, nên tập luyện không ngừng (một cách bệnh hoạn) ngay cả trong những giờ giải lao. Đồng đội coi anh như một kẻ hơi ngớ ngẩn.

Dân chài quanh vùng không ưa quân đội. Với họ, việc canh gác là vô nghĩa, và họ đang phải làm lụng vất vả để đóng thuế lấy tiền nuôi một lũ vô tích sự. Sự việc trở nên nghiêm trọng khi chàng Kang trong một đêm gác đã giết nhầm một thanh niên trong vùng khi anh này cùng bạn gái đang làm tình trên bãi đá. Cô gái phát điên. Dân chài phẫn nộ. Nhưng theo luật quân sự, chàng Kang vẫn được khen thưởng vì thực hiện tốt nhiệm vụ và được nghỉ phép 1 tuần.

Chàng về Seoul với tình trạng mất cân bằng, gây gổ với người yêu và bị người yêu bỏ khi biết chàng đã giết một thường dân. Sau kỳ nghỉ phép, Kang tiếp tục nghĩa vụ nhưng có những biểu hiệu quá khích, dễ bị kích động, nên được xuất ngũ vì thần kinh không ổn định. Kang trở lại Seoul mà không còn gì trong tay: không người thân, không bạn bè, không mục đích sống… Chàng điên cuồng quay lại bờ biển, tìm mọi cách để được vào hàng ngũ lại. Đồng đội người thương kẻ ghét, vì suốt ngày bị quấy rầy bởi anh chàng này. Chàng Kang sau đó bị bắt vào nhà thương điên nhưng trốn thoát.

BgezK8Kf.jpgPhóng to
Kỷ luật khe khắt, tập huấn khổ ải, sự thiếu cân bằng về giới tính… đã tạo nên sự bức bối trong tâm hồn người lính
Cô gái từ khi phát điên suốt ngày đi lang thang quanh khu vực quân sự. Đám lính trẻ khó có thể bỏ qua cơ hội này. Cả trung đội gần như ai cũng có dan díu với cô. Đến một ngày phát hiện cô gái có thai, anh trai cô đòi những người có quan hệ với cô phải chịu trách nhiệm. Trung đội trưởng ra lệnh cho lính nửa đêm bắt cô gái về trại và giao cho một anh lính (dường như là bác sĩ không chuyên) phá thai (không có thuốc gây mê lẫn thuốc khử trùng)… Sáng hôm sau anh trai cô phát hiện, nổi điên lên cầm dao chạy đến trại lính, và đâm trúng một tên lính trẻ. Ngay lập tức anh bị giải đi xét xử, và không thấy trở về nữa.

Trong khoảng thời gian đó thì trung đội phải đối mặt với việc lục đục nội bộ, và phải đối phó với Kang. Bằng khẩu súng đánh cắp được, Kang trở thành mối nguy hiểm cho cả trung đội. Trong một đêm gác, một tên lính bất ngờ bị bắn chết. Lẽ tất nhiên Kang là người “được” nghĩ đến đầu tiên với tư cách thủ phạm. Đồng thời những người trong trung đội cũng nghi ngờ lẫn nhau. Anh lính này khi bị nghi ngờ thì chạy ra giương súng bắn vào anh kia, có điều hắn chưa kịp bắn thì cái bóng điên khùng của Kang xuất hiện, bắn chết anh kia trước khi anh này bóp cò, sau đó chĩa súng sang cả anh này (là bạn thân của Kang hồi còn nghĩa vụ). Hai bên rượt đuổi nhau, tiếng súng nổ vang trời. Những lính canh khác cũng tham gia bắn điên cuồng. Đến gần sáng, họ tìm được một cái xác bên bờ đá. Cái xác không đầu.

RrCkxcvz.jpgPhóng to
Kang Han Chul chới với, không mục đích sống, và cũng không đủ sức chịu đựng sự thật - sự thật mà không ai trong trung đội muốn thừa nhận: việc họ đang làm là hoàn toàn vô nghĩa
Binh nhất Kang trốn thoát, trở về Seoul, và suốt ngày ôm súng mặc đồng phục đứng giữa đường hát lảm nhảm một bài hát mà chàng và đồng đội thường hát khi tại ngũ - bài hát nói về cuộc sống tươi đẹp và kỷ niệm đã qua không bao giờ còn trở lại. Nhiều người hiếu kỳ đến chế giễu Kang. Trong khi diễn tập những động tác, anh chàng đâm trúng một người dân, cảnh sát chạy tới và bao vây. Kang nâng súng lên, ngắm thẳng phía trước. Và bắn. Phát súng bắn thẳng vào quá khứ.

Những hàng rào dựng nên quanh bờ biển chẳng khác nào đang giam những chàng trai trẻ tuổi đầy sức sống vào một cái lồng. Trong đó có kỷ luật khe khắt, tập huấn khổ ải, sự thiếu cân bằng về giới tính… Tất cả những điều đó tạo nên sự bức bối trong tâm hồn họ. Phát súng giết người của Kang chỉ như một ý thức muốn bùng phá, thoát khỏi cái lồng sắt ấy. Nhưng cũng như một con chim non còn trong vỏ, khi chưa có một sự chuẩn bị đầy đủ, đập vỡ vỏ trứng để chui ra ngoài cũng là tự sát.

Bộ phim cho thấy một Kang Han Chul chới với, không mục đích sống, và cũng không đủ sức chịu đựng sự thật - sự thật mà không ai trong trung đội muốn thừa nhận: việc họ đang làm là hoàn toàn vô nghĩa. Kèm theo đó là hàng loạt những sự việc dẫn đến hệ quả là những nhân vật ngày càng bị đẩy ra khỏi cuộc sống, bị đẩy ra khỏi những mối quan hệ, thậm chí đánh mất chính mình…

Cũng như những bộ phim khác của Kim Ki Duk, xem The Coast Guard có cảm giác như cầm trên tay một ống kính vạn hoa, chỉ cần xoay nhẹ điểm nhìn là tất cả biến hóa thành một vấn đề hoàn toàn khác hẳn, đôi khi đối nghịch nhau. Kinh nghiệm của đạo diễn từ thời gian ông gia nhập quân ngũ đã giúp cho bộ phim lột tả được đời sống sinh hoạt của binh lính một cách hết sức sinh động và tự nhiên, cộng thêm khả năng diễn xuất thần của tuyến nhân vật chính, khiến bộ phim gây ấn tượng mạnh cho người xem.

NGUYÊN HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên