15/12/2019 10:27 GMT+7

Án tử hình có cần thiết hay không?

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - Án tử hình dành cho tội phạm giết người có thực sự giúp người nhà nạn nhân hài lòng vì cái chết phải trả bằng cái chết, hay hóa ra lại là sự cứu rỗi cho kẻ sát nhân?

Án tử hình có cần thiết hay không? - Ảnh 1.

Bản án tử hình có ý nghĩa gì khi nó được tuyên cho một tay giết người "không hối hận, không chút thành ý có lỗi với gia đình nạn nhân?".

Trong Thánh giá rỗng (SkyNovel và NXB Văn Học), tiểu thuyết gia trinh thám hàng đầu Nhật Bản Higashino Keigo đã để cho các nhân vật - từ nạn nhân, gia đình nạn nhân đến kẻ thủ ác - nói lên quan điểm của mình về "tội ác và trừng phạt", cũng như liệu có cách nào cho những người lỡ tay phạm tội cứu chuộc bản thân.

Tác giả đặt người đọc vào hoàn cảnh của nhân vật nam chính Nakahara: hai lần là người nhà của nạn nhân bị sát hại - đầu tiên là con gái, sau đó là vợ cũ đã ly hôn. Hai lần trải qua bi kịch đánh dấu cách Nakahara thay đổi suy nghĩ về câu hỏi "án tử hình có cần thiết hay không?".

Khi con gái bị sát hại và hung thủ bị tử hình, vợ chồng Nakahara và Sayoko chia tay, để người vợ bắt đầu con đường mới mà chị chọn - nghiên cứu về án tù, tỉ lệ tái phạm tội và nhất là án tử hình. 

Nakahara cũng buộc phải đi vào con đường đó khi chính Sayoko bị sát hại, nhưng câu trả lời anh ngộ ra hoàn toàn ngược với vợ cũ.

Sayoko ủng hộ tử hình, dù cô hiểu rằng "hung thủ chết đi không có nghĩa là nạn nhân sẽ sống lại". Sayoko tin rằng vẫn cần phải xử tử kẻ thủ ác, vì gia đình nạn nhân "không biết phải bấu víu vào cái gì khác".

Trái lại, Nakahara nhận ra với gia đình nạn nhân, kẻ giết người bị xử tử thậm chí có thể khiến "cảm giác mất mát ngày một lớn dần". 

Là bởi gia đình người bị hại "đã sống với mong muốn khiến hung thủ phải chịu án tử hình, rồi sau khi đạt được mục đích đó họ không biết giờ đây mình nên sống vì cái gì".

Tranh cãi tử hình có phải là một cái kết thích đáng cho tội giết người, cũng là câu chuyện về "tội ác và trừng phạt". 

Phải đến một phần ba cuối cùng của quyển tiểu thuyết, người đọc mới thấy hình tượng "thánh giá rỗng" xuất hiện trong sách và biết nó đại diện cho cái gì, và vì sao lại thế.

Nếu án tử hình là một cái thánh giá treo trên người tử tù thì với nhiều người, chúng chỉ là những thánh giá rỗng, chẳng hề có sức nặng, vì chết là hết. Nhưng có những người không hề phải đối diện với luật pháp lại mang cả cái thánh giá nặng ngàn cân.

Câu chuyện trinh thám xoay quanh điều tra 3 vụ án mạng chỉ là cái nền để Keigo dẫn dắt người đọc vào cuộc tranh luận luôn còn nguyên tính thời sự: tử hình là sự trừng phạt hay giải thoát những nỗi đau?

Một thực tế đáng buồn là dù có đọc quyển sách này vào thời điểm nào, thì vấn đề đó vẫn còn đau đáu. 

Nakahara và Sayoko đại diện cho hai phe của cuộc tranh luận đến nay vẫn chưa có hồi kết về án tử hình. Luật pháp sẽ làm phần việc của mình, nhưng như một luật sư trong Thánh giá rỗng đã nói, "không thể nào có được một phiên tòa hoàn hảo dành cho nhân loại".

Máu lạnh hay 'không phải người'? Máu lạnh hay "không phải người"?

TT - Không phải một cuốn tiểu thuyết trinh thám, cũng không đơn thuần là tiểu thuyết “tâm lý tội phạm”, Máu lạnh là một hỗn hợp rất hấp dẫn và dễ đọc hơn nhiều Tội ác và trừng phạt, phân tâm học Freud và tiểu thuyết tâm lý Mỹ thế kỷ 20.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên