Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy rằng, một quả trứng vịt lộn có khoảng 182 kcal và chứa đến 13,6g protein, 12,4 lipit, 82 mg canxi, phốt pho, vitamin A, gluxit, chất sắt… Trong Đông y, trứng vịt lộn tính hàn, giúp tụ âm, dưỡng huyết, ích trí, có tác dụng bồi bổ cơ thể, trị bệnh suy nhược, yếu sinh lý, đau đầu chóng mặt…
Theo các chuyên gia, loại thực phẩm này ăn đúng cách thì bổ không kém gì nhân sâm nhưng nếu dùng sai thì có thể để lại nhiều tác dụng phụ. Vậy ăn trứng vịt lộn vào khung giờ nào trong ngày thì mới là đúng cách?
Nên ăn trứng vịt lộn vào thời điểm nào trong ngày?
PGS. TS Trần Đình Toán (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng) cho hay, thời điểm tốt nhất trong ngày để ăn trứng vịt lộn là vào bữa sáng. Ngược lại, không nên ăn buổi tối vì món ăn này chứa nhiều đạm, có thể gây khó tiêu, gây tăng cân mất kiểm soát nếu ăn nhiều.
Cũng theo vị chuyên gia, trứng vịt lộn sẽ ngon bổ nhất khi được nấu chín, lúc này trứng sẽ có hương vị thơm ngon và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Ngoài ra, PGS Toán cũng khuyên không nên luộc trứng quá nhừ vì có thể phá hủy các hormone (enzym) trong phôi thai, làm biến đổi hương vị cũng như chất lượng của trứng.
Khi ăn trứng vịt lộn thì nên ăn kèm cả với rau răm. Trong Đông y, rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng làm ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng. Mặt khác, trứng vịt lộn có tính hàn, ăn nhiều sẽ gây đầy hơi khó tiêu nên cực kỳ phù hợp để ăn cùng loại rau này. Bên cạnh đó, rau răm khi kết hợp cùng với trứng sẽ tạo thành thế âm – dương kết hợp nên đem lại cân bằng cho cơ thể.
Ngoài rau răm, trứng vịt lộn có thể ăn kèm với gừng, hạt tiêu, vừa giúp món ăn thêm ngon miệng mà còn thể giúp bạn chống lạnh bụng, đầy hơi và tránh các bệnh về đường tiêu hóa.
Lưu ý khi ăn trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn dù là thực phẩm bổ dưỡng nhưng không nên ăn quá nhiều vì có thể gây tình trạng thừa chất và là nguyên nhân tạo thành một số bệnh nguy hiểm. Theo các chuyên gia, tùy từng lứa tuổi và tùy đối tượng lại có hàm lượng dùng khác nhau.
- Trẻ dưới 5 tuổi: Không nên ăn trứng vịt lộn vì đối tượng này có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện. Bé ăn trứng vịt lộn sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Trẻ từ 5 tuổi trở lên: Mỗi lần ăn chỉ nên ăn nửa quả. Ăn 1 - 2 lần/tuần.
- Bà bầu: Mỗi tuần nên ăn 2 quả. Tránh ăn trứng vịt lộn cùng rau răm vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Ngoài ra mẹ bầu cũng không nên dùng chung trứng lộn với gừng vì gừng có tính nóng, nếu ăn quá nhiều gừng thì có thể làm sảy thai.
- Người lớn, người khỏe mạnh: Không nên ăn quá 2 quả/tuần.
Một số đối tượng không nên ăn trứng vịt lộn hoặc khi ăn thì nên hạn chế là người béo phì, người già, bệnh nhân cao huyết áp, đái tháo đường, có vấn đề về tim mạch, mắc bệnh gút… Nếu bạn thuộc những đối tượng trên thì có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi ăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận