Ăn tối và mối liên hệ với ung thư 

HỒNG VÂN 29/08/2018 04:08 GMT+7

TTCT - Giờ đây, không chỉ ăn cái gì, ăn thế nào mà chúng ta còn cần lưu ý khi nào ăn nữa, bởi nó sẽ là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư.

Ăn gì đêm khuya cũng đều không tốt cho sức khỏe
Ăn gì đêm khuya cũng đều không tốt cho sức khỏe

 

Từ lâu, chúng ta đã biết đến những lời khuyên về việc ăn tối sớm để tránh lên cân, trào ngược axit dạ dày và ngủ ngon. Một nghiên cứu mới vừa cung cấp một bằng chứng nữa về lợi ích của việc không nên ăn tối muộn: giúp giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

Thói quen ăn uống

Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu Barcelona, Tây Ban Nha thực hiện và công bố trên tạp chí quốc tế về ung thư mới đây. Kết quả chứng minh rằng những người ăn bữa cuối trước 8-9h tối hay ít nhất hai tiếng trước khi đi ngủ có thể giảm được 20% nguy cơ bị mắc hai loại ung thư nói trên so với những người ăn tối sau 10h hoặc đi ngủ không lâu sau khi ăn.

Điều thú vị và nghịch lý là ở Tây Ban Nha dân chúng có thói quen dùng bữa tối muộn, nhiều nhà hàng không mở cửa cho thực khách ăn tối trước 20h. Các nhà khoa học đã điều tra dữ liệu của 621 trường hợp ung thư tuyến tiền liệt và 1.205 trường hợp ung thư vú so sánh với 872 nam và 1.321 nữ thuộc nhóm đối chứng được lựa chọn ngẫu nhiên tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe ở Tây Ban Nha trong thời gian từ năm 2008-2013.

Họ ghi nhận các thông tin về lối sống, thời điểm minh mẫn nhất trong ngày, thói quen dậy sớm hay thức khuya, thời điểm ăn các bữa trong ngày, thói quen khi đi ngủ, thói quen ăn uống và việc tuân thủ những lời khuyên nhằm ngăn ngừa ung thư như tăng cường thể dục hoặc hạn chế bia rượu. Khoảng 27% bệnh nhân ung thư vú và tuyến tiền liệt tuân thủ các khuyến cáo so với 31% trong nhóm đối chứng. Bác sĩ Manolis Kogevinas cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi kết luận rằng ăn uống đúng bữa và đúng giờ có liên quan với việc giảm nguy cơ ung thư. Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của các nghiên cứu đánh giá sự liên quan giữa nhịp sinh hoạt và ung thư”.

Và những lý giải khoa học

Ăn khuya liên quan đến việc tăng nồng độ leptin (là một hormone được tạo ra chủ yếu bởi các tế bào mỡ giúp điều chỉnh cân bằng năng lượng bằng cách ức chế đói), glucose cao và bệnh các bệnh viêm. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khoảng cách giữa bữa ăn cuối cùng và giấc ngủ càng dài, chúng ta càng ít có khả năng phát triển những căn bệnh ung thư nói trên.

Bác sĩ Kogevinas cũng cho rằng kết luận nghiên cứu của nhóm dựa trên những bằng chứng mạnh mẽ về sinh học, tuy nhiên dữ liệu về lĩnh vực này còn rất mới, cần có nhiều nghiên cứu với quy mô lớn hơn trong những không gian khác, bên ngoài Tây Ban Nha. Khi đó, việc đưa ra lời khuyên có bao gồm thời gian của bữa ăn vào những tư vấn và khuyến nghị trong việc hạn chế ung thư có thể sẽ là cần thiết.

Việc đưa ra các khuyến nghị mới về phòng ngừa bệnh ung thư hiện nay chưa xét đến thời gian của bữa ăn. Tác động của nó sẽ rất có ý nghĩa, đặc biệt là ở các nước vùng Nam Âu, nơi người ta ăn tối muộn. Giờ đây không chỉ là việc chúng ta ăn gì, ăn như thế nào mà còn là ăn khi nào, tờ CNN viết.

Các nghiên cứu trước đây từng chứng minh ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt có liên hệ với vấn đề làm việc ca đêm và rối loạn nhịp sinh học hay chu kỳ thức - ngủ của mỗi người.

Năm 2007, Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế - một thành viên của Tổ chức Y tế thế giới - đã xếp công việc thay đổi theo ca như một mối nguy hiểm có khả năng gây ung thư cho con người (dựa trên thử nghiệm ở động vật). Tuy nhiên, nhóm đối chứng tham gia vào nghiên cứu trên không làm ca tối. Đối với những người làm việc muộn hoặc qua đêm, thời điểm cơ thể đạt đỉnh cao linh hoạt về thể chất và tinh thần - chronotype - bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự thích ứng này của cơ thể.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận