08/06/2011 07:24 GMT+7

An toàn chứ không là chi phí (rẻ)

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Hai hội nghị quốc tế về năng lượng hạt nhân gần như cùng lúc diễn ra tại hai thủ đô khác nhau trong bối cảnh thế giới vẫn chưa hết rúng động sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản.

cUjj6wVR.jpgPhóng to
Sự cố ở Nhà máy Fukushima Daiichi là một lời cảnh báo nghiêm khắc về sự an toàn trong sử dụng năng lượng hạt nhân - Ảnh: REUTERS

Hội nghị quốc tế về năng lượng hạt nhân với chủ đề “Ngừng hay tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân?” đã khai mạc ở thủ đô Matxcơva (Nga) từ ngày 6-6 và kéo dài đến 8-6, với sự tham gia của 1.200 đại biểu từ 47 nước.

“Yếu tố sống còn cho phát triển kinh tế”

Phát biểu khai mạc, ông Sergei Kiriyenko, người đứng đầu Cơ quan hạt nhân Liên bang Nga Rosatom, khẳng định “sử dụng năng lượng hạt nhân là yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển trong tương lai của nền kinh tế thế giới” trong 10 năm tới.

Sau sự cố hạt nhân ở Nhật Bản, Đức trở thành quốc gia phát triển đầu tiên trên thế giới tuyên bố sẽ từ bỏ điện hạt nhân nhanh hơn và sớm hơn dự tính. Trong khi đó châu Á, đặc biệt là châu Á - Thái Bình Dương, là nơi chứng kiến sự mở rộng về năng lượng hạt nhân mạnh nhất hiện nay trên thế giới.

Thế giới hiện có 440 lò phản ứng hạt nhân, và 40 dự án xây dựng nhà máy hạt nhân đang trong giai đoạn thực hiện ở châu Á. Trung Quốc, nước đang đói điện, có 24 dự án đang tiến hành và ở vị trí số 1 với khoảng 100 dự án đang trong danh sách mong muốn thực hiện.

Theo tiến sĩ Hooman Peimani thuộc Viện Nghiên cứu năng lượng của ĐH Quốc gia Singapore, các nước và vùng lãnh thổ khác có dự án năng lượng đang tiếp tục thực hiện gồm Hàn Quốc (6), Ấn Độ (4), Đài Loan (2), Pakistan, Nhật Bản, Iran và Việt Nam (1 ở mỗi nước).

Theo Hãng tin Bernama, đại diện của Việt Nam tại hội nghị cũng thông báo Việt Nam sẽ phát triển nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên của Đông Nam Á vào năm 2020 sau sáu năm xây dựng. Đại diện này cho biết Việt Nam đang hợp tác với các viện hạt nhân của Nga để đào tạo nhân sự cho nhà máy này. Yury Seleznev, hiệu trưởng Viện đào tạo CICE& T của Nga, cho biết cần khoảng 1.000 nhân sự cao cấp để vận hành một nhà máy điện hạt nhân có hai tổ máy, và việc đào tạo này phải bắt đầu năm năm trước khi nhà máy đi vào vận hành.

Itar-Tass dẫn lời ông Sergei Kiriyenko cho rằng một số quốc gia, trong đó có Nga, đang gần tới hạn phải dừng hoạt động hầu hết các lò phản ứng thuộc thế hệ thứ nhất, và thảm họa Fukushima sẽ đẩy nhanh tiến độ này. Tiến sĩ Peimani cũng cho biết nhu cầu năng lượng hạt nhân của thế giới vẫn có xu hướng tăng.

Ông dẫn chứng trong sáu thập niên qua, hàng trăm lò phản ứng đã hoạt động và chỉ có ba tai nạn lớn khiến phóng xạ bay ra ngoài không khí từ năm 1950. Đó là ở đảo Three Mile (Mỹ) vào tháng 2-1979, Chernobyl ở Ukraine vào tháng 4-1986 và Fukushima ở Nhật vào tháng 3-2011. Dù khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima chưa chấm dứt, nhưng các nước châu Á vẫn tiếp tục những chương trình hạt nhân của mình, chỉ có Thái Lan và Philippines tuyên bố tạm dừng chương trình hạt nhân.

Kiểm tra và công khai hóa

Cùng lúc đó, các bộ trưởng năng lượng thuộc các nền kinh tế phát triển (G20) cũng họp tại thủ đô Paris, Pháp vào ngày 7-6 để thảo luận về an toàn hạt nhân. Pháp đang là nước sử dụng năng lượng hạt nhân nhiều nhất với 80% nguồn cung cấp điện từ 58 lò phản ứng, xuất khẩu kỹ thuật trong lĩnh vực này cũng chiếm phần quan trọng trong kinh tế Pháp.

Trong cuộc họp thượng đỉnh G8 trước đó ở Deauville, Pháp, Tổng thống Sarkozy - nước chủ tịch G20, đã gặp Thủ tướng Nhật Naoto Kan để bắt đầu thảo luận về tiêu chuẩn an toàn hạt nhân toàn cầu mới. Ông Sarkozy cho rằng từ nay trở đi, sự an toàn chứ không phải chi phí (rẻ) mới là yếu tố chính để đặt nền tảng việc thảo luận tiêu chuẩn mới cho các dự án và công nghệ hạt nhân tương lai. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã lên tiếng kêu gọi xem xét lại hiệp ước về tiêu chuẩn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới, ngoài 440 lò phản ứng đang hoạt động, 60 lò khác đang được xây dựng và 493 lò khác đang có kế hoạch hay đề nghị xây dựng. Như vậy, một thị trường năng lượng hạt nhân trị giá hàng ngàn tỉ USD đang xuất hiện trong những thập niên tới. Năng lượng hạt nhân đang chiếm 14% năng lượng thế giới, nhưng thị phần trong tương lai của nó hiện chưa thể lường nổi.

Đề cập những biện pháp an toàn hạt nhân, Olli Heinonen, cựu phó giám đốc của IAEA, ủng hộ biện pháp theo dõi, đánh giá lẫn nhau giữa những cơ quan quản lý, điều hành lò phản ứng và các kết luận này cần phải được công khai. Tuy nhiên ông Seth Grae, giám đốc điều hành của Công ty năng lượng hạt nhân Mỹ Lightbridge, cảnh báo ở nhiều quốc gia sẽ không dễ mở cửa các nhà máy điện hạt nhân để thanh tra bởi “điện là lĩnh vực do nhà nước điều hành, và chính phủ không muốn những người ngoài đi lại ngó nghiêng bình phẩm cách làm của nước mình”.

Nhiều nhà quản lý điều hành trong lĩnh vực điện hạt nhân thừa nhận các biện pháp kiểm tra lẫn nhau, nhất là việc công khai hóa không dễ dàng chút nào nhưng phải làm, bởi “chúng ta không thể để xảy ra một tai nạn hạt nhân nữa, đặc biệt là tai nạn do sai sót của con người”.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên