Đó là kết quả điều tra của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an về những sai phạm trong cấp phép lao động cho người nước ngoài xảy ra tại một số tỉnh thành.
Viện KSND tối cao đã truy tố 17 bị can, trong đó có các bị can là cựu cán bộ của sở, ban quản lý tại Bình Dương và Bình Phước.
Nhận hối lộ ngay tại trung tâm hành chính
Các bị can trong vụ án gồm hai nhóm: nhóm 7 bị can là cán bộ bị truy tố các tội "nhận hối lộ", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; nhóm 10 bị can gồm các nhóm cá nhân, doanh nghiệp khác nhau, bị truy tố về các tội "đưa hối lộ", "tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Kết quả làm rõ của cơ quan chức năng cho thấy đường dây móc ngoặc, ăn chia giữa các đối tượng môi giới với cán bộ quản lý để cấp phép lao động cho người nước ngoài.
Trong đó với mỗi bộ hồ sơ, người được cấp phép phải chi trả từ 4 triệu đến hơn 8 triệu đồng/bộ (tùy vụ và tùy nhóm bị can khác nhau). Phần lớn trong số chi phí này (3-6 triệu đồng/bộ) để hối lộ cán bộ cấp phép.
Có hơn 2.800 người nước ngoài đã được cấp phép tại Bình Dương, Bình Phước liên quan tới vụ án này.
Trong đó, nhiều người bị mắc kẹt không thể về nước trong thời gian dịch COVID-19 nên chấp nhận chi tiền cho các bị can để được cấp phép ở lại.
Tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, quy trình ăn chia tiền hối lộ để cấp phép lao động được "liên thông" từ chuyên viên lên đến lãnh đạo.
Nguyễn Kiên Cường - chuyên viên phòng chính sách lao động - là "đầu mối" bị cáo buộc nhận hối lộ để giải quyết số lượng hồ sơ "khủng" lên tới 2.300 giấy phép lao động làm việc tại 315 doanh nghiệp.
Trong thời gian từ năm 2017 đến tháng 3-2022, Cường đã rất nhiều lần nhận tiền của các cá nhân, doanh nghiệp môi giới để thẩm định, trình lãnh đạo thông qua các hồ sơ cấp phép lao động.
Trong đó, rất nhiều lần Cường nhận trực tiếp tại khu vực tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, nhiều lần khác nhận hối lộ thông qua tài khoản ngân hàng do chính mình đứng tên hoặc tài khoản mượn của người khác.
Tổng cộng Cường bị cáo buộc đã nhận hối lộ hơn 8,3 tỉ đồng. Số tiền này Cường khai thông qua ông Ngô Nguyễn Thái Hằng - phó Phòng chính sách lao động - để tác động tới lãnh đạo sở thông qua giấy phép.
Cường khai định kỳ hằng tháng chi 3/4 số tiền nhận hối lộ để thông qua phó phòng chi cho lãnh đạo sở. Ông Hằng khai đã nhận từ Cường 860 triệu đồng. Khi vụ án đang được điều tra thì ông Hằng chết nên cơ quan điều tra chưa làm rõ được ông Hằng đã sử dụng số tiền này vào việc gì.
Ngoài lời khai ăn chia thông qua phó phòng, Nguyễn Kiên Cường còn khai để tạo điều kiện trong công tác nên hằng năm biếu quà và tiền từ 50 - 100 triệu đồng/lần (tổng cộng 150 triệu đồng) cho giám đốc Sở LĐ-TB&XH là ông Lê Minh Quốc Cường.
Tuy nhiên, ông Quốc Cường không thừa nhận đã nhận tiền từ cấp dưới. Trong vụ án này, vị giám đốc sở bị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" vì đã ký 518 giấy phép lao động cho người nước ngoài trái quy định.
Hàng ngàn giấy tờ giả "lọt cửa"
Tại Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, có tới bốn cán bộ bị truy tố. Tương tự như tại Sở LĐ-TB&XH, cán bộ cấp dưới cũng khai chia lại tiền nhận hối lộ cho cấp trên nhưng lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp phủ nhận.
Ông Hoàng Thanh - nguyên trưởng phòng quản lý lao động - bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 1,5 tỉ đồng để xét duyệt hồ sơ, đề xuất lãnh đạo ký 467 giấy phép lao động. Số tiền nhận được Thanh khai kẹp theo hồ sơ với mức 1,5 - 2 triệu đồng/bộ để chi cho lãnh đạo ban ký giấy phép.
Có ba phó ban của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương bị truy tố trong vụ này về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" (không bị truy tố về tội "nhận hối lộ") gồm: Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Thành Nhân, Đặng Quang Việt.
Tại Ban quản lý Khu kinh tế Bình Phước, ông Đinh Thái Tuấn - nguyên phó phòng quản lý đầu tư - bị cáo buộc đã nhận 751 triệu đồng để thẩm định 281 hồ sơ cấp phép lao động trong thời gian từ tháng 10-2019 đến tháng 3-2022.
Với các cá nhân, doanh nghiệp bị truy tố trong vụ án này gồm các nhóm khác nhau nhưng đều có hành vi tương tự là nhận tiền của những người nước ngoài có nhu cầu cấp phép rồi "móc nối" hối lộ cán bộ sở ngành.
Để hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép lao động, các bị can trên đã làm giả các loại giấy tờ như giấy khám sức khỏe, phiếu lý lịch tư pháp, giấy xác nhận người lao động là chuyên gia, quản lý doanh nghiệp...
Thậm chí, có bị can còn lấy thông tin căn cước công dân của người khác từ... tiệm cầm đồ hoặc trên mạng, tra cứu địa chỉ ngẫu nhiên trên Google Maps rồi lập ra các chi nhánh công ty "ma" nhằm xác nhận giả tài liệu cho hồ sơ xin cấp phép lao động.
Theo kết quả giám định, đã có hàng ngàn giấy tờ trong vụ án được xác định là tài liệu giả. Khác với các cán bộ sở "ăn chia" vài triệu đồng/bộ hồ sơ cấp phép, số tiền các cá nhân và doanh nghiệp môi giới hưởng lợi ở tỉ lệ thấp hơn, có khi chỉ vài trăm ngàn đồng/bộ hồ sơ.
Sẽ tiếp tục điều tra vụ án giai đoạn 2
Dự kiến vụ án sẽ được xét xử công khai từ ngày 11 đến 15-9 tại TAND tỉnh Bình Dương. Viện KSND tối cao cho biết ngoài các bị can bị truy tố, nhiều hành vi của các cá nhân và tổ chức khác sẽ được tách ra và tiếp tục điều tra vụ án giai đoạn 2.
Trong đó sẽ điều tra dấu hiệu vi phạm trong cấp phép lao động cho người nước ngoài tại Đồng Nai, Long An và một số tỉnh thành khác...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận