TP.HCM là một trong những giao lộ ẩm thực độc đáo nhất Việt Nam, nơi thực khách gần xa có thể tìm đến để thưởng thức từ món Âu đến món Á, từ các món cà ri Ấn Độ trứ danh đến tô mì ramen của đất nước mặt trời mọc.
Tuy nhiên, để tìm thấy hương vị ramen "chuẩn" Nhật là một hành trình khá gian lao, một phần vì công thức nấu ramen dễ bị "tam sao thất bản", phần vì số đông đầu bếp đã có sự điều chỉnh hương vị nhất định để hợp thị hiếu người Việt.
Mì ramen đến từ thủ đô Nhật Bản
Hôm nay, Tuổi Trẻ Online tìm thấy một địa điểm thưởng thức mì ramen hấp dẫn, nằm sâu trong hẻm Thái Văn Lung, quận 1, nơi được mệnh danh là "Little Tokyo" giữa lòng TP.HCM.
Nơi đây có vô số các hàng quán chuyên bán đồ ăn Nhật, xếp san sát nhau tạo thành một mê cung khiến du khách choáng ngợp, tuy vậy chỉ cần hỏi cái tên Mutahiro là phần lớn dân cư ở đây đều biết.
Tên đầy đủ của quán là Tori Soba Mutahiro (tạm dịch: quán mì gà Mutahiro), có nguồn gốc từ thành phố Tokyo (Nhật Bản), chủ quán là người Nhật, mở cửa quán và đào tạo các đầu bếp người Việt từ năm 2018 nên ta có thể thoải mái trải nghiệm mà không sợ rào cản ngôn ngữ.
Giá một tô ramen dao động từ 120.000 - 160.000 đồng, khẩu phần ăn không quá chênh lệch mà chỉ có thêm số lượng đồ ăn đi kèm.
Đúng như tên gọi của mình, điểm khác biệt của Mutahiro với đa số các tiệm ramen khác tại TP.HCM là nước dùng hầm từ gà thay vì thịt heo.
Ưu điểm của nước hầm gà là không có nhiều mỡ, khiến cho nước mì có màu trong hơn, vị ngọt thanh từ gà cũng tạo "sân chơi" cho các nguyên liệu khác tỏa sáng.
Hương vị ramen tại Mutahiro xoay quanh hai loại nước lèo chính là xì dầu (shoyu ramen) và muối (shio ramen). Trong khi nước lèo nêm muối trong hơn, vị thanh hơn thì nước dùng nêm xì dầu có phần đậm đà, nhiều vị umami (ngọt thịt) hơn.
Hương vị ramen bậc thầy
Khi phần nước dùng vừa chạm đầu lưỡi, vị đậm đà, béo béo ngay lập tức khiến vị giác thức tỉnh, đồng thời để lại dư vị ngọt thanh trong miệng cực kỳ gây lưu luyến.
Được biết, nước tương và muối truyền thống đều nhập khẩu từ Nhật Bản đều đặn hằng tuần, có lúc quán hết một trong hai nguyên liệu trên thì dừng bán hẳn món đó cho đến khi hàng về chứ không sử dụng bất kỳ loại nào khác thay thế.
Những nguyên liệu khác cũng không kém phần tỏa sáng, sợi mì thì dai, thấm vị nước dùng, miếng xá xíu heo tan ngay trong miệng, phần trứng lòng đào mặn mặn làm giàu thêm bức tranh hương vị của bát mì.
Đặc biệt nhất là miếng gà chashu dai dai, béo ngậy, cấu trúc tạo cảm tưởng đang cắn vào một miếng nấm, vị của thịt kết hợp hài hòa với nước dùng cho ta cảm giác đậm đà khó tả.
Ngoài ra, hành ba rô, rong biển khô, măng và mitsuba (cần tây Nhật) cũng xuất hiện đóng vai trò trung hòa vị mặn và béo của ramen, khiến cho thực khách ăn hoài không ngán.
Tuy nhiên, phần nước dùng khá mặn so với khẩu vị người Việt, quán có bỏ sẵn giấm, tiêu và bột ớt để khách có thể điều chỉnh hương vị tùy ý, khách hoàn toàn có thể nhờ các đầu bếp làm nhạt bớt để hợp khẩu vị hơn.
Trước kia, khách hàng của Mutahiro chỉ có người Nhật làm việc hoặc thuê nhà xung quanh "Little Tokyo", dần dà càng có nhiều người Việt biết đến danh tiếng của quán đến trải nghiệm hoặc trở thành khách quen tại đây.
Khi ngồi tại Mutahiro, thi thoảng sẽ có một vị khách người Nhật không giấu nổi niềm vui mà cảm thán: "Umai!" (nghĩa là "ngon quá!" trong tiếng Nhật).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận