Đúng rằng đây là câu chuyện khoa học.
Đầu tiên là liên quan vấn đề môi trường và sức khỏe.
Bạn bè tôi ở Úc bảo rằng hồi này họ ít ăn thịt bò, mà chủ yếu ăn thịt kangaroo!
Thế Úc có nuôi kangaroo thịt à? Không, kangaroo hoang dã, chẳng qua nó phát triển dữ quá nên phải bắn bớt để ăn thịt.
Chưa kể, dùng thịt kangaroo thay thịt bò cũng là một cách góp phần bảo vệ môi trường, khi nền công nghiệp nuôi bò phát thải khí CO2 quá nhiều.
Thế nhưng tôi nhớ trước đây Úc từng cảnh báo người dân phải hết sức cẩn thận khi ăn thịt kangaroo khi săn bắn được, vì có người đã nhiễm vi rút lạ cực kỳ nguy hiểm?
Bạn tôi bảo đúng vậy, nhưng thịt kangaroo bán trong siêu thị đều được kiểm tra nghiêm ngặt rồi.
Nói chuyện ở Úc để quay lại Việt Nam ta
Từ chim cho đến thú rừng hoang dã khi bị bẫy được đều đi thẳng lên bàn ăn, chứ làm gì có chuyện kiểm nghiệm. Bởi nó là chuyện vi phạm pháp luật, đố ai dám đem con chim sâm cầm, con nai, chồn… săn bắt được đến cơ quan y tế, thú y nhờ kiểm tra xem nó có an toàn không để tui xơi!?
Mà các loại vi khuẩn, vi rút trong chim, thú hoang dã thì không ai biết được nó có những gì. Ngay đại dịch COVID 19, nhớ lại thì nguồn cơn thì nghi can số một là từ một nơi chuyên bán động vật hoang dã ở Vũ Hán, Trung Quốc (được xem là từ dơi).
Tóm lại, chỉ có kẻ thiểu năng trí tuệ mới khơi khơi đi ăn chim thú hoang dã khi mà nó không hề qua một khâu kiểm soát nào.
Và câu chuyện ăn chim thú hoang dã cũng là một vấn đề thuộc về văn hóa.
Hồi còn nhỏ, rơi vào những năm tháng đất nước thiếu ăn trầm trọng của thời bao cấp, cũng như bao người khác, tôi cũng đi bẫy chim, bắt thú, đốn cây rừng làm củi.
Ngày ấy, đi tàu lửa ban đêm mới thấy các dãy núi ở miền Trung lúc nào cũng đỏ rực lửa đốt rừng.
Ngày ấy bắt được con chim, con mển là mừng hết lớn và nghĩ ngay đến… một bữa ngon.
Năm 1979 vào TP.HCM, tôi còn nhớ chợ thú rừng ở đường Phạm Viết Chánh (quận 1) đầy nhóc các loại.
Con tê tê cuộn tròn như trái banh để đầy trong các cái lồng sắt, y như người ta bán banh ở khu dụng cụ thể thao trên đường Huyền Trân Công Chúa bây giờ!
Nhưng hiện nay thì có nằm mơ cũng không còn thấy cảnh đó. Thứ nhất là luật pháp đã nghiêm khắc hơn. Thứ hai, kinh tế khá giả hơn.
Ăn động vật hoang dã có phải vì nghèo?
Tuy nhiên, vài năm trước tôi vẫn tin rằng kinh tế khá hơn thì sẽ chấm dứt nạn săn bắt, ăn thịt chim thú hoang dã.
Bởi, tôi đã gặp những người rất nghèo đi săn bắt, với họ bẫy được con bìm bịp là có 1 triệu đồng; bắt được con hổ mang cũng thế. Khi không còn người nghèo thì chả còn ai săn bắt nữa.
Nhưng không, quan điểm đó sụp đổ khi tôi qua tỉnh Kampot, Campuchia để chụp ảnh sếu đầu đỏ. Dân bên ấy nghèo lắm, nhưng không hề có chuyện săn bắt chim thú hoang dã.
Sau đó, các chuyên gia về chim hoang dã như GS Trần Triết, Nguyễn Hoài Bảo… nói với tôi rằng chuyện này nó nghiêng về văn hóa nhiều hơn.
Chúng ta xui vì trong lịch sử bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc và Pháp nhiều quá. Dân Trung Quốc có cái văn hóa là sính ăn đồ độc lạ, còn mấy ông Tây quý tộc thì ưa thích săn bắn.
Những quốc gia nào ảnh hưởng bởi văn hóa Anh, Ấn Độ thì không có thứ văn hóa xấu xí này.
Nếu thật sự muốn loại bỏ thứ văn hóa xấu xí này, chỉ có một biện pháp hữu hiệu nhất là sự trừng phạt nghiêm khắc của luật pháp.
Tôi không thể hình dung nổi những ông chủ nhà hàng hồn nhiên lên mạng khoe bàn tiệc gồm tiết canh chim, sâm cầm hấp… mà lại chẳng bị gì?
Hay đầy rẫy những tài khoản trên mạng xã hội rao bán chim hoang dã cũng chưa hề có ai bị triệu hồi lên phạt 7,5 triệu!?
Còn chuyện "nghiệp quả", tôi nghĩ rằng nó không phải tâm linh. Chúng ta tàn phá thiên nhiên quá thì giờ bị "nghiệp quật"!
Những hạn mặn, triều cường ngày càng nặng… đều là kết quả của chuyện tàn phá thiên nhiên, săn bắt vô tội vạ dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái. Thế thôi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận