Hưởng ứng livestream, các khách hàng bình luận "ngon quá", "xem mà chảy nước miếng"… Đến khi nào con người mới hết "hoang dã", "ăn tạp" và dã man như vậy?
Dưới hai bài viết Đăng công khai clip ăn chim hoang dã lên mạng, gây bức xúc và Chim hoang dã bị cột chân, treo ngược cả bầy, rất thương (đều đăng tải trên Tuổi Trẻ Online ngày 12-4), nhiều bạn đọc để lại bình luận lên án hành vi đó, mong pháp luật quan tâm, có biện pháp ngăn chặn.
Một số khán giả còn "mách" một số địa chỉ bán chim hoang dã cũng như "mấy kênh YouTube quay cảnh bắn chim rồi nướng ăn, trữ đông trong tủ lạnh… rất nhiều lượt xem".
Bạn đọc tên Vinh nêu nhận xét: "Trên đời trăm vạn món ngon, ăn uống cái kiểu tàn sát tận diệt, cứ thấy ánh mắt hau háu thèm của bợm nhậu mỗi bận mua chim hoang dã mà tôi rùng mình".
Người quá đông, động vật hoang dã không đủ
Giảng viên Nguyễn Hoài Bảo - bộ môn điểu học, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - nói với Tuổi Trẻ Online, trước đây khi nguồn thực phẩm còn thiếu hụt, nguồn protein từ động vật hoang dã có thể được xem là thực phẩm cần thiết.
Những người dân tộc thiểu số thường săn bẫy số lượng ít, vừa đủ cho nhu cầu của các bản làng nên động vật hoang dã có đủ thời gian để tái sinh một cách bền vững. Con người và thiên nhiên vẫn là một mối quan hệ cộng sinh, gắn kết.
Nay đã khác. Sự kết nối giao thông và văn hóa giữa nông thôn và thành thị dẫn đến việc thương mại hóa sản phẩm từ động vật hoang dã.
Một bộ phận người có tiền cho thưởng thức động vật hoang dã mới chứng tỏ được sự quý tộc và sành điệu của họ. Có cung ắt có cầu, bất chấp những quy định về pháp luật.
Và loài người thì quá đông, còn động vật hoang dã… lại có hạn, ngày càng tận diệt, có loài đã tuyệt chủng.
Tuy nhiên theo anh Hoài Bảo, "nhiều người trong số họ không biết thịt động vật hoang dã không "sạch" như họ tưởng. Chúng mang đầy vi rút và vi khuẩn là mầm bệnh có thể lây lan sang người".
Anh kể có một lần anh chứng kiến các thợ săn miền núi đi rừng (có khi đi trong vài tháng) mang formaline (một loại hóa chất dùng để ướp xác và có khả năng gây ung thư rất cao) để bảo quản những con thú săn được vẫn tươi ngon khi chuyển về các nhà hàng.
"Nghiên cứu của nhóm chúng tôi thực hiện năm 2008-2009 ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy 76% rắn thu ở chợ mang mầm bệnh Salmonella, một số cá thể chim hoang dã bán ở chợ chứa vi rút H5N9 là nguồn gốc có thể chuyển qua H5N1".
Phải chăng, con người "tự nhiên chủ nghĩa" quá?
Nghiệp quả của một bữa ăn?
Trên đời trăm vạn món ngon, vì sao cứ phải tàn sát, tận diệt như vậy? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời.
Tác giả Michael Pollan có một cuốn sách "suy xét thấu đáo hệ quả đạo đức của thói quen ăn uống của chúng ta" (theo báo The New Yorker) tên là Omnivore's Dilemma được xuất bản ở Việt Nam vài năm trước dưới tựa Việt là Nào tối nay ăn gì - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp.
Trong đó, ông cho rằng cũng như mọi sinh vật khác trên trái đất, loài người tham gia vào một chuỗi thức ăn và vị trí của chúng ta trong chuỗi, hay mạng lưới thức ăn đó sẽ quyết định đáng kể chúng ta là loài sinh vật nào.
"Một số triết gia đã lập luận, chính khẩu vị không có giới hạn của loài người là nguyên nhân của cả sự tàn bạo lẫn văn minh, bởi một sinh vật có thể hình dung ra việc ăn bất cứ thứ gì thì đặc biệt cần tới các nguyên tắc đạo đức, tập quán và lễ nghi. Không chỉ những gì ta ăn mà ngay cả cách ăn sẽ quyết định chúng ta là ai?", sách viết.
Để khảo sát, ông Michael Pollan từng thực hiện một cuộc phiêu lưu để chuẩn bị một bữa ăn (gần như) hoàn toàn từ những nguyên liệu tự săn bắn, hái lượm và trồng trọt như người xưa.
Kết quả, kể trong Nào tối nay ăn gì - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp, ông buộc phải đương đầu với một trong những câu hỏi căn bản, nan giải nhất mà loài người ăn tạp phải đối diện: những hệ quả đối với đạo đức và tâm lý con người khi giết, chế biến và ăn thịt một con vật hoang dã là gì?
Liệu chúng ta có "khả năng trả đủ nghiệp quả cho một bữa ăn"?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận