Một nhãn hàng đã gửi lời xin lỗi bởi quảng cáo "ăn theo" câu chuyện của người khác một cách kém duyên. Đa số các bài viết, bình luận trên mạng đều chỉ trích quảng cáo rất phản cảm của nhãn hàng này và cho rằng "đây là điều không thể chấp nhận được".
Tuy nhiên, khi nhớ lại những câu chuyện "ăn theo" các sự kiện trên mạng xã hội trước đó, tôi thấy đây không phải chuyện cá biệt.
Nếu quan sát mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy dường như đám đông đang chuyển từ soi mói đời tư các ngôi sao sang đời tư của những người vốn rất bình thường: những cô giáo, những người nông dân, những anh phụ hồ... Họ không hề nổi tiếng, cho đến khi vì một lý do nào đó những tin nhắn, hình ảnh cá nhân bị phơi bày trên mạng xã hội, họ thành nạn nhân của những vụ "ném đá tập thể".
Từ những tin nhắn tình cảm ngoài chồng ngoài vợ đến chuyện ai đó đánh ghen, nhiều người đọc xong bắt đầu "ăn theo" bằng những bài viết hoặc lên án, răn dạy hoặc cười cợt, bức xúc...
Điều đáng nói, chúng ta là những người dưng không quen, không biết về người trong cuộc, không hiểu rõ ngọn nguồn câu chuyện của người khác nhưng vẫn sẵn sàng đăng lên trang cá nhân.
Càng dùng mạng xã hội nhiều, chúng ta càng trở nên nhạy cảm với tin tức về đời tư người khác, đặc biệt là các tin xấu. Trên các hội nhóm, fanpage có hàng trăm ngàn lượt bình luận, chia sẻ mỗi khi có ai đó "sai lầm". Có cả thơ và nhạc "đu trend" khi có chuyện gì đó nổi lên.
Những chuyện "buôn dưa lê" kia mang lại cho chúng ta cảm giác mình là người thạo tin. Nói về chuyện không tốt của người khác liệu có thể hiện được mình văn minh hơn, có đạo đức hơn, sống đẹp hơn không? Hay mỗi lần như vậy chính mình đang nuôi dưỡng "khoái cảm" về nỗi đau người khác?
Việc "ăn theo" các sự kiện nổi bật như phim ảnh, phát ngôn, thời tiết, sự việc đang xu hướng... có nhiều mặt tích cực khi giúp chúng ta kết nối trong thế giới mạng xã hội. Đặc biệt, với những cá nhân sáng tạo số, các thương hiệu thì nếu biết "ăn theo" đúng và đủ sẽ giúp tiếp cận người dùng tốt hơn.
Mạng xã hội từng ghi nhận nhiều trào lưu tích cực được lan tỏa như sống xanh hạn chế rác thải nhựa, vũ điệu rửa tay trong thời dịch Covid, "Flex" những thành tích... Điểm chung của các trào lưu này là truyền đi thông điệp sống tích cực, thể hiện được sự sáng tạo và lan tỏa điều tốt đẹp.
Tuy nhiên, phần nhiều hơn đang theo hướng ngược lại khi nhiều người "ăn theo" các sự kiện mang tính tiêu cực như chuyện đời tư người khác, chuyện bạo hành, chuyện tai nạn...
Việc chạy theo xu hướng trên mạng mà không quan tâm đến tính đạo đức và cách nó có thể ảnh hưởng đến người khác thì đó là một hành động đáng lên án. Việc chia sẻ thông tin hay bình luận lên án, cà khịa chuyện ai đó trên mạng có thể khiến nạn nhân "không còn đường lùi".
Theo tôi, trước các tin tức nóng, lên xu hướng trên mạng xã hội, chúng ta cần đón nhận bằng một tâm thế cẩn trọng. Nếu không đủ thông tin, không hiểu hết câu chuyện, không có cảm xúc tích cực thì việc "ăn theo" sẽ chỉ tạo ra một nội dung rác, làm lan rộng thông tin tiêu cực, thậm chí tiếp tay cho tin giả tạo. Nên nhìn lại mình và dừng lại những trò "ăn theo" kém duyên trên mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận