Tuy nhiên, nghỉ tết dài và chưa hợp lý là điều rất cần điều chỉnh. Thật ra, về quy định chính thức, số ngày nghỉ của Việt Nam không nhiều hơn các nước.
Nhưng số ngày nghỉ trên thực tế lại thuộc loại cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Tết Nguyên đán, theo quy định, nghỉ bốn ngày gồm ngày cuối năm và ba ngày đầu năm âm lịch, nhưng thường là nghỉ kéo dài trên một tuần hoặc mười ngày vì người Việt đã nghỉ tết trong “tâm thế lao động” trước đó một tuần.
Chưa kể quan niệm “tháng giêng là tháng ăn chơi” nên sau những ngày nghỉ tết chính thức, người ta vẫn còn nghỉ tết phi chính thức thông qua việc tham gia hàng loạt lễ hội truyền thống.
Xét về góc độ kinh tế, nghỉ tết dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động của quốc gia. Các số liệu thống kê về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước ta đều cho thấy một quy luật đáng quan tâm đó là tăng trưởng GDP trong quý 1 luôn thuộc vào hàng thấp nhất trong bốn quý.
Ở Trung Quốc cũng có tình trạng tương tự. Điều này còn thể hiện rõ hơn khi so sánh với các nước khác cùng khu vực không kéo dài kỳ nghỉ tết như Thái Lan, Indonesia, GDP quý 1 tại những quốc gia này vẫn tăng nhẹ.
Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được vì khi nghỉ quá dài ngày sẽ làm hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị trì trệ. Trước và sau khi nghỉ công việc cũng có phần chậm trễ, thiếu tập trung vì người ta còn mải vui, chúc tụng nhau nhân dịp tất niên, tân niên.
Năng suất lao động của Việt Nam đang bị xếp vào nhóm thấp nhất châu Á. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6,5 so sánh với Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc.
Trong khu vực ASEAN, hiện tại năng suất lao động Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và xấp xỉ với Lào. Năng suất lao động trong thời gian bình thường đã thấp và lại càng thấp hơn trong thời gian nghỉ tết.
Do đó, có lẽ chúng ta cần phải nghĩ đến việc xác định số ngày nghỉ tết sao cho hợp lý. Bởi sự cạnh tranh về kinh tế giữa các quốc gia đang ngày càng khốc liệt và đặc biệt là trong bối cảnh mà chúng ta đã gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Với những thiết chế này, việc lưu chuyển lao động giữa các quốc gia thông thoáng hơn, và với năng suất lao động thấp, số ngày nghỉ nhiều như hiện nay thì lao động Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh.
Nếu tỉ lệ người lao động bị gạt khỏi thị trường lao động tăng cao thì đất nước phải đối diện với nhiều vấn đề xã hội nan giải, bởi khi thất nghiệp tăng thì tội phạm cũng gia tăng.
Rất khó để chúng ta nghỉ tết theo thông lệ của đa số các nước trên thế giới, nhưng điều có thể làm là bố trí thời gian nghỉ tết hợp lý và cần phải thay đổi thái độ làm việc: chỉ được phép có tâm thế ngưng làm việc trong những ngày nghỉ chính thức chứ không được phép mang tâm thế này trước và sau ngày nghỉ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận