13/06/2016 11:23 GMT+7

Ẩn số Euro 2016 - Kỳ 8: Kiếm tiền chẳng dễ

VÕ TRUNG DUNG (Từ Paris)
VÕ TRUNG DUNG (Từ Paris)

TTO - Trận khai mạc Euro 2016 đã diễn ra suôn sẻ, đặc biệt thành công trên... truyền hình. Đài TF1 ghi nhận đến 11,4 triệu người xem ở Pháp vào tối 10-6 (giờ Pháp), tức chiếm 55% số người xem truyền hình ở thời điểm này.

Cổ động viên quá khích của Anh đánh nhau trên khán đài khi kết thúc trận Anh - Nga tối 11-6 ở Marseille - Ảnh: Reuters
Cổ động viên quá khích của Anh đánh nhau trên khán đài khi kết thúc trận Anh - Nga tối 11-6 ở Marseille - Ảnh: Reuters

 

Đây là con số kỷ lục nếu so sánh với con số 13,5 triệu khán giả truyền hình trận khai mạc của Pháp hồi World Cup 1998 tổ chức ở nước này. Số khán giả lần này cũng là tỉ lệ người xem tốt nhất trong những kỳ Euro tính từ năm 2004. Trận khai mạc Euro 2012 giữa Ba Lan và Hi Lạp chỉ lôi kéo được 2,8 triệu khán giả trước màn hình. Ở Romania năm nay số người xem truyền hình cũng rất cao trong ngày khai mạc với 4,5 triệu người xem, một tỉ lệ kỷ lục tại nước này.

Chuyện gì xảy ra với mấy gã này thế? Có cảm giác là cứ cổ động viên Anh đi đến đâu là có lộn xộn ở chỗ đó

Cựu tuyển thủ Anh GRY LINEKER

“Con ngáo ộp” an ninh

Vấn đề an ninh và cũng có thể là dư âm đình công của bên giao thông công cộng khiến các khu fan-zone không thu hút được đông như kỳ vọng. Tại fan-zone lớn nhất của Pháp ở Champ-de-Mars, gần tháp Eiffel, một nhà báo có mặt tại chỗ nhìn nhận chỉ 35.000-40.000 cổ động viên tìm đến đây vui chơi và xem bóng đá vào chiều tối 10-6, trong khi sức chứa ở nơi này được thông báo đến 90.000 người.

Đến fan-zone, người hâm mộ không được mang theo thức ăn, nước uống cá nhân. Thông tin đã được cảnh báo từ trước và việc khám xét cũng rất kỹ lưỡng. Dĩ nhiên nhà tổ chức giải thích rằng điều đó nằm trong các biện pháp đảm bảo an ninh.

Nhưng người dân hoàn toàn có thể lý giải theo kiểu khác: ban tổ chức cần kiếm tiền! Những dãy hàng quán bán thức ăn và nước uống trong khu này khiến người hâm mộ phải mắt tròn mắt dẹt dù ban tổ chức khẳng định giá bán là theo quy định của nhà nước cho các sự kiện thể thao lớn. Ở đây giá bánh mì kẹp phải trên 7 euro, giá chai nước suối 3,5 euro, giá bia 5-6,5 euro tùy cỡ ly (nhựa). Người hâm mộ không đông cũng đồng nghĩa với việc doanh thu giảm hẳn.

Giới chủ nhà hàng và quán bia rượu năm nay cũng không dễ làm ăn. Nhiều chính quyền địa phương đã ban hành lệnh cấm bán rượu bia ban đêm. Lý do đưa ra cũng là chuyện an ninh.

Hài hước nhất chắc là chuyện quốc vụ khanh phụ trách thể thao của Pháp là ông Thierry Braillard ban hành lệnh cấm hàng quán đặt màn hình tường thuật trực tiếp các trận đấu, vì “lực lượng chức năng không đủ người để đảm bảo an toàn cho những nhóm tụ tập đông người phát sinh”. Thậm chí ông quốc vụ khanh còn khuyên người hâm mộ nên vào khu fan-zone xem cho an toàn vì nơi đó đã được chuẩn bị tất cả.

Vấn đề là ông ban ra lệnh này vào ngày 9-6 khiến giới làm ăn chưng hửng và sau đó là giận dữ. Họ đã đầu tư tiền bạc để mua màn hình, máy chiếu mới và mua sắm ghế bàn để mong kiếm thêm khách. May là dưới áp lực của giới làm ăn (ắt hẳn của cả các tập đoàn bia lẫn của các nhà quảng cáo), ông Braillard đã phải rút lại lệnh cấm đặt màn hình ngoài vỉa hè chỉ vài giờ sau khi ban bố!

Đó là một quyết định đúng đắn vào giờ chót vì giới làm ăn đang đặt cược và đã đầu tư khá nhiều. Chẳng hạn giới chủ hàng quán ở thành phố Bordeaux, xứ sở của rượu vang, đã đặt hàng không dưới 100.000 lít bia với kỳ vọng kiếm tiền từ 60.000 khán giả dự kiến đến nơi này xem bóng đá.

“Ông kẹ” UEFA

Giới làm ăn ở Pháp mùa Euro này cũng không ít người méo mặt với các yêu cầu mang tính độc quyền của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA). Chẳng hạn chuyện chín nhà hàng ở khu Saint-Denis nằm cạnh sân vận động Stade de France đã nổi giận với UEFA và chính quyền sở tại. Họ tố cáo ban tổ chức đã cho dựng một hàng rào cao ngăn giữa họ với sân khiến khán giả khó bước qua bên đường để ăn uống.

Hàng rào cao 2,4m này được trang trí đầy màu sắc Euro và dĩ nhiên được dựng lên có phép của chính quyền nhưng lại chắn hoàn toàn tầm mắt của khán giả với dãy hàng quán bên kia đường. Các chủ nhà hàng cho rằng cái hàng rào quái quỷ này sẽ làm họ mất doanh thu dự kiến trong tháng này đến 2 triệu euro. Họ đã đệ đơn kiện đòi dỡ rào nhưng bị bác bỏ ngay.

Bên ban tổ chức lý giải rào chắn này có nhiệm vụ lớn hơn hết là đảm bảo an ninh vì giúp chỉnh hướng đi của khán giả, tạo thêm vòng rào an ninh buộc chỉ khán giả có vé mới được vào trong khu vực này. Dĩ nhiên ban tổ chức cũng có lý do để biện hộ. Trong vụ kích bom ở Stade de France hồi tháng 11-2015, hai kẻ khủng bố đã tiếp cận gần khán giả ở khu vực này.

Thế nhưng các chủ nhà hàng Pháp cho rằng “người giật dây” cho vụ này chính là UEFA vì cơ quan này muốn làm lợi cho những nhà tài trợ của mình. Cuộc tranh cãi đã lên đến mặt báo khi ông Francis Dubrac, chủ tịch của Hiệp hội doanh nghiệp Plaine Commune, tố trên tờ Le Parisien rằng UEFA dựng rào để các nhà tài trợ của mình được dựng quầy bán thức ăn nước uống bên trong. Điều đó khiến UEFA phải phân bua lại trên mặt báo rằng “các nhà tài trợ của chúng tôi không được phép bán rượu bên trong khu rào trong khi các hàng quán ở đại lộ Jules-Rimet thì được phép làm chuyện đó”. Thật chẳng ra làm sao!

Giới kinh doanh hàng quán ở Pháp cũng đang rất bực tức chuyện mà họ cho là UEFA cứ mở miệng ra là... đòi tiền. Theo thông tin từ tờ tạp chí Alternatives Économiques, vào thời điểm lên kế hoạch cho việc tổ chức Euro tại Pháp, UEFA đã yêu cầu mỗi nhà hàng nằm cạnh các sân có tổ chức bóng đá phải trả phí 600 euro vào ngày có trận đấu trong sân.

Rồi còn thêm các yêu cầu mang tính “độc quyền” kiểu buộc các hàng quán phải bán những sản phẩm của các nhà tài trợ chính thức của UEFA với giải thích rằng nhằm tránh chuyện các đối thủ của những nhà tài trợ có thể chen quảng cáo sản phẩm vào khu vực mang màu sắc Euro 2016! Họ thậm chí còn dự trù giải pháp cứng rắn buộc các hàng quán không tuân thủ yêu cầu phải đóng cửa trong tháng diễn ra giải vô địch! May mà quyết định này đã bị rút vào giờ cuối.

Cấm bia rượu ban đêm

Năm nay lệnh cấm bia rượu một số giờ trong tháng Euro được ban bố rất nghiêm ở nhiều nơi nhằm tránh tụ tập nhậu nhẹt rồi sau đó gây gổ đánh nhau. Rượu mạnh bị cấm bán mang đi từ 20g đến 8g sáng hôm sau. Một số ngày giờ diễn ra các trận đấu chính ở địa phương, chính quyền một số nơi nghiêm cấm bán bia từ 0g-8g sáng hôm sau.

Giờ đây sau những vụ gây náo động liên tục của CĐV Anh, người ta đang lo sợ cho tâm điểm trận đấu bóng tới giữa Anh và Xứ Wales ngày 16-6. Sở cảnh sát thành phố Lens, nơi diễn ra trận đấu, đã ban hành lệnh cấm bán bia rượu ở các cửa hiệu tạp hóa trên phố vào những ngày có đá bóng; chỉ các quán bia rượu, nhà hàng và khách sạn được phép bán thì phải đảm bảo giữ khách tại chỗ.

Cho đến giờ giải pháp cấm bia rượu trong những trận dự báo nóng bỏng có lẽ là cách tốt nhất của chính quyền. Như hồi trận đấu tổ chức tại Stuttgart trong giải World Cup 2006 ở Đức, cảnh sát tính rằng trong chỉ ngày đó mỗi CĐV đã uống hoặc ném lon, chai ra đường (khi đánh nhau) tổng cộng 17 lít bia!

__________

Kỳ tới: Và người chiến thắng là...

VÕ TRUNG DUNG (Từ Paris)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên