Những ngày giáp Tết, ở làng gốm 500 năm tuổi Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ai nấy đều tất bật để chuẩn bị cho kịp đơn hàng Tết.
Bên trong một xưởng sản xuất nằm sâu trong làng, không khí lại hoàn toàn khác biệt. Những người thợ lành nghề đang chăm chú, tỉ mẩn tạo từng đường nét lên chiếc ấn rồng họa vàng độc đáo.
Ý tưởng từ đợt đấu giá Hoàng đế chi bảo
Chiếc ấn rồng này là sản phẩm sau gần một năm nghiên cứu của anh Lê Văn Việt (làng gốm Bát Tràng, Hà Nội). Qua nhiều phiên bản khác nhau, ấn dần được hoàn thiện và nhận được sự đón nhận của công chúng.
"Từ đợt đấu giá ấn Hoàng đế chi bảo, mình đã có ý tưởng mô phỏng lại nhưng con rồng thời Nguyễn trông khá giống rồng Trung Quốc nên mình đã tạo nên một phiên bản rồng thuần Việt hơn từ việc kết hợp rồng thời Lê và rồng thời Nguyễn.
"Linh hồn" của chiếc ấn sẽ nằm ở phần đầu rồng. Từ khi bắt đầu đến khi cho ra phiên bản ưng ý nhất, các bác nghệ nhân ở Bát Tràng đã góp ý cho mình rất nhiều từ cách nặn mắt, răng rồng và cách rồng ngậm ngọc ra sao để có hồn nhất", anh Việt bộc bạch.
Ngồi phía trong xưởng, chị Đỗ Thị Yến vừa ngắm nghía con rồng, vừa nhanh tay vê đất sét để nặn chiếc râu, viên ngọc, vảy rồng…
Theo chị Yến, đây là khâu khó nhất trong quá trình làm ấn rồng bởi con rồng có toát lên được thần thái hay không đều nhờ công đoạn này.
Nhìn 10 con rồng như 10, nhưng chị Yến chia sẻ nếu nhìn kỹ mỗi con rồng lại có sự khác biệt.
"Vì làm thủ công nên không cái nào giống cái nào hoàn toàn, đôi khi có con rồng trông sẽ hơi mập một chút.
"Tạo đầu rồng là khó nhất vì có rất nhiều chi tiết từ mắt, râu, vảy, nếu không lành nghề sẽ hỏng ngay. Trong hai tiếng đồng hồ, mình đắp được khoảng 3 ấn rồng", chị Yến nói.
Để ra một chiếc ấn rồng hoàn chỉnh thật kỳ công từ đổ khuôn, ghép các bộ phận của ấn, đắp rồng, nung lần một, vẽ vàng, nung lần hai.
Mỗi công đoạn lại có yêu cầu, thời gian thực hiện khác nhau và không phải chiếc ấn nào được làm ra cũng đều đạt tiêu chuẩn. Chỉ những chiếc ấn nào không bị nứt chân, màu men lên đẹp mới được chuyển sang công đoạn "họa vàng".
Dấu ấn rồng thiêng
Là một trong những thợ thủ công vẽ ấn rồng này, anh Mạc Triều Dương, quê Hưng Yên, tâm sự trung bình để vẽ vàng cho một chiếc ấn phải mất 3-4 tiếng vì ước chừng tới 1.000 chi tiết cần vẽ.
"Khó nhất là chiếc ấn có nhiều góc cạnh, chi tiết nhỏ mình phải đưa bút vẽ lách vào từng khe để họa vàng.
So với linh vật như mèo, rồng rất khác vì thân rộng uốn lượn, đầu rồng nhiều chi tiết. Thợ ít kinh nghiệm có thể không vẽ được hồn cốt của rồng", anh Dương cho hay.
Ấn rồng sau khi nung rất mộc mạc, người thợ sẽ thả hồn của rồng bằng các nét vàng để làm đậm mắt, râu, sừng rồng, tạo cảm giác sống động, uy phong cũng như độ bóng nhất định.
Mỗi ấn rồng hoàn thiện sẽ có ba chữ An, Thuận, Phát và mặt còn lại được điêu khắc cảnh cá chép hóa rồng thể hiện sự lột xác, vượt trội, chuyển sang một giai đoạn mới.
Anh Nguyễn Văn Lực, chủ đơn vị chế tác, cho biết nghệ nhân dành nhiều thời gian nghiên cứu để tạo tác sản phẩm mang tên Kỳ Linh Giáp Thìn với thông điệp "Dấu ấn rồng thiêng".
"Rồng xuất hiện trên rất nhiều sản phẩm gốm, sứ của Bát Tràng như các đồ dùng phong thủy, đồ thờ cúng.
Tuy nhiên, mỗi thế hệ có mẫu rồng khác nhau nhưng mẫu thời Lê sơ rất hiền hòa, đường nét không bị dữ nên khi trưng bày không chỉ có vua chúa mà người dân có thể trưng bày, sử dụng", anh Lực bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận