Phở VIệt ăn ở nhà người Việt tại Paris - Ảnh: VÂN THANH
Tháng 10 năm 2018 tôi đến thủ đô Paris (Pháp) để tu nghiệp trong 1 năm. Ngoài thời gian làm việc tôi cũng tranh thủ tìm hiểu văn hóa ẩm thực của nước Pháp cùng vài quốc gia lân cận. Nhưng cái tôi mong tìm nhất không phải là thứ hương xa lạ lẫm nào mà chính là Phở - quốc hồn quốc túy của người Việt!
Thế là tôi cùng anh bạn "đồng chí hướng" đang theo học ngành kiến trúc hoạch định hành trình đi tìm phở Việt nơi trời Âu!
Tất nhiên trước hết là Paris. Phở Paris rất ngon! Chỉ tính quận 13, phải có trên dưới 100 nhà hàng Việt, nào cũng có bán Phở. Quán nấu phở vị Nam, có quán phục vụ phở Bắc, nấu đúng trường phái, không pha trộn ; thực khách thoải mái chọn lựa theo sở thích.
Có lẽ do mặt bằng Paris đắt đỏ nên đa số quán phở đều chật hẹp, bàn ghế kê sát rạt ra cả vỉa hè. Mùa đông thì tuyệt vời ăn tô phở ấm cả lòng, còn mùa hè thì... lòng thòng mồ hôi! Nhưng chuyện nóng lạnh không phải là vấn đề, ngại là ở cái giá 10 euro/tô đủ khiến bọn du học sinh chúng tôi... nhịn thèm!
Được dịp ghé thành phố biển Marseille, chúng tôi tìm đến một quán Việt nằm ngay khu Vieux – port (cảng cũ) sầm uất. Vào quán mới biết là chủ người Tàu rặt, không ai trong quán nói tiếng Việt, tô phở đem ra có cả hành phi, ăn kèm rau xà lách !? Ăn phở mà cứ ngỡ… mì tàu Chợ Lớn!
Sang Barcelona, chúng tôi quyết định thử một quán Việt được đánh giá 5 sao trên TripAdvisor ngay trung tâm thành phố. Quán ăn được trang trí rất đẹp đậm chất Việt Nam: trên tường huy hiệu Hội sinh viên Việt Nam xen kẽ những ngôi sao vàng, bàn ăn phủ bằng bao "cám Con Cò". Phần nhìn đầy ấn tượng nhưng đến phần nếm thì hụt hẫng vô cùng.
Phở ở Barcelona, Tây Ban Nha
Thịt bò chỉ có vài miếng nạm xắt dầy và dai (khác hẳn với tô phở nhiều sự lựa chọn tái, nạm, gầu, gân, viên và cả xương bò, lòng bò ở Paris), vị phở thì lạt lẽo, rau mùi không có quế, ngò gai mà chỉ có bạc hà và ngò rí!? Phục vụ quán là dân bản địa, bếp được thiết kế kín nên chúng tôi không quan sát được đầu bếp và chủ quán có phải là người Việt không.
Rồi hành trình tìm phở Việt cũng được vớt vát bằng tô Phở Praha. Đến chợ Sapa vào ngày thời tiết âm 3 độ C. Sau khi « khai vị » ở quán Bún Ngan - Bún Chả nổi tiếng nhất khu chợ, chúng tôi liền vào ngay quán phở Nam Định để bổ sung vào "bộ sưu tập" phở Việt trời Âu.
Húp một muỗng nước dùng trong veo, ngọt thanh ngọt bùi mùi xương hầm như hâm nóng từng thớ thịt chống cái lạnh âm độ xứ Đông Âu. Đúng là: phở Việt chỉ ngon ở nơi có cộng đồng người Việt.
Ăn phở ở Chợ Sapa - Praha - Cộng hòa Séc
Đánh giá một món ăn ngon hay dở là một nhận định rất chủ quan. Thật ra phở Việt nơi trời Âu khác nhau ở đối tượng thực khách. Nhiều quán phở hướng đến khách da trắng thì rõ ràng không hợp với khách Việt. Chúng tôi hay mách nhau rằng, quán nào là Tây ăn đông thì đừng vào, xem đánh giá trên TripAdvisor nên tìm hiểu cả "chủng tộc" của người viết bình luận.
Những tô phở tiếp theo mà chúng tôi thưởng thức cũng ở trời Tây nhưng thuần Việt vì từ công đoạn đi chợ đến nấu, ăn đều ở tại nhà người Việt.
Tất nhiên chỉ « amateur », cái chính là đúng mùi vị. Tôi ngỡ ra một điều là nếu so với người Việt trong nước thì có lẽ cộng đồng người Việt ở hải ngoại biết nấu phở nhiều hơn. "Tài năng" đó có lẽ từ "thiếu thốn" mà ra.
Như anh bạn đồng hành với tôi vốn mang "đạo phở", ngày từ Việt Nam sang chưa biết nấu nồi cơm giờ cũng ngấp nghé… Hoa hồi vàng ! Tôi may mắn được thưởng thức nhiều hương vị phở của bà con Việt kiều trên đất Pháp, trong đó, có cả những đầu bếp trẻ gốc Việt thế hệ 8x, 9x.
Thật lòng mà nói đôi khi thưởng thức tô phở ấm áp đậm tình gia đình, dân tộc nơi xứ người mà quên cả hương vị, chỉ biết phở đã làm tròn vai trò kết nối tình thân !
Tóm lại tôi thấy phở ở Paris ngon do nguyên liệu chính là xương, thịt bò ngon, rẻ, phong phú. Cái thiếu chính là các loại rau mùi như quế, ngò gai, rau om. Vì vậy mà lần nào cậu tôi về Việt Nam trở qua cũng mang các loại rau mùi đó, rồi nấu phở đãi mọi người. Ai ăn cũng tấm tắc khen "ngon hơn mọi khi" nhưng ít ai biết "bí quyết" ở chỗ… rau mùi.
Nhân đây tôi cũng góp ý với các quán phở trong nước nên sử dụng các loại rau sạch, vun trồng truyền thống mùi vị sẽ đậm đà, ngon hơn. Cá nhân tôi nghĩ tô phở ngon trước hết phải là sự cộng hưởng của nước dùng với các loại rau mùi. Nên dù ai khen phở ở Mỹ, Pháp ngon nhưng với tôi vẫn chưa đủ. Có chăng chỉ ngon ở phần "xác" chứ phần "hồn" thì có lẽ chỉ có ở cái nơi sản sinh ra nó mà thôi!
Có gì hấp dẫn trong Ngày của Phở 12-12-2020?
Ngày của Phở 2020 sẽ tiếp tục với cuộc bình chọn "Top 10 thương hiệu phở được yêu thích". Cuộc bình chọn các thương hiệu đã được đề cử sẽ kéo dài đến ngày 30-11). Top 10 năm 2020 sẽ được vinh danh tại Gala Ngày của Phở 12-12 (Hà Nội).
Năm nay, hành trình "Đi tìm người nấu phở ngon" sẽ mở thêm bảng B dành cho người yêu phở không phải là đầu bếp chuyên nghiệp, giúp tạo thêm sân chơi cho những bà nội trợ, những người đam mê món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc.
Vòng sơ khảo khu vực phía Bắc sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 10-11, còn khu vực phía nam sẽ diễn ra vào ngày 26-11.
Mời bạn đọc truy cập tại: ngaycuapho.tuoitre.vn hoặc email về: [email protected] để đăng ký tham dự.
Cuộc thi ảnh và viết với chủ đề "Phở trong tôi" vừa được ban tổ chức công bố hiện đã nhận được nhiều bức ảnh, bài viết đầy cảm xúc, hứa hẹn sẽ lọt vào tầm ngắm của các chuyên gia, của những vị giám khảo khó tính nhưng luôn hết mình vì phở Việt.
Độc giả tham dự xin gửi ảnh và bài về email [email protected] từ nay đến hết ngày 25-11).
Ngày của Phở 12-12 năm nay được tổ chức với sự phối hợp của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, đơn vị đồng hành chính Acecook Việt Nam, cùng các đơn vị đồng hành: VinPearl, Minh Long, sâm Ngọc Linh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận