TTCT - Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có rất nhiều con số cho thấy bóng ma oan, sai lẩn quất trong tất cả các khâu của tố tụng hình sự. Mỗi người dân bị xử oan, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử làm sai là một lần thua cuộc của cả nền tư pháp, công lý phải bẽ bàng. Chỉ khi mỗi số phận con người đều được tôn trọng, nền tư pháp cẩn trọng trước từng công dân thì lúc đó mới có cơ hội tránh được oan sai, công lý mới được thực thi. Minh họa: Đức Trí Nhìn bề ngoài, 71 trường hợp oan sai được phát hiện chiếm tỉ lệ nhỏ trong các vụ được điều tra, truy tố, xét xử, khiến không ít người bảo không nhiều. Nhưng chỉ cần hai phát biểu tại nghị trường cũng cho thấy bàn chuyện nhiều - ít là vô nghĩa: “Oan sai chỉ cần một vụ cũng đã rúng động xã hội rồi”, “Làm oan một người mà tử hình chẳng hạn thì còn nói gì nữa”. Hệ lụy từ những năm tháng tù oan không thể bù đắp: tự do, danh dự, cuộc sống, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản người bị oan, của người thân quen, những mất mát về tinh thần, tình cảm. Và còn bao nhiêu người bị oan sai chưa có cơ hội, điều kiện để kêu oan, thậm chí không dám kêu oan? Lỗi trong khung pháp luật... Tình hình oan sai dai dẳng trong tố tụng hình sự đã khiến Quốc hội phải xem xét lại một loạt đạo luật thuộc lĩnh vực hình sự như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam...Những vụ oan, sai và rủi ro xảy ra oan, sai phần lớn xuất phát từ những điểm bất ổn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Đã nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội chỉ ra những quy định chung chung, định tính của Bộ luật hình sự, dẫn đến khó khăn hoặc tùy tiện trong áp dụng như: “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”, “dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm”, “động cơ cá nhân khác”, tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm”... Trên thực tế cũng khó định danh những tội “cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, hoặc phân biệt giữa tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế; phạm vi các vụ án mà luật sư được tham gia còn hẹp... Không ít quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cần được sửa đổi: chưa làm rõ nguyên tắc suy đoán vô tội, tranh tụng tại phiên tòa; chưa bảo đảm đầy đủ quyền bào chữa của người bị buộc tội; bất ổn trong các quy định về chứng cứ, đánh giá, sử dụng và loại trừ chứng cứ, chủ thể thu thập chứng cứ. Nhiều thủ tục còn rườm rà, phức tạp, thời hạn tố tụng chưa hợp lý; căn cứ bắt, tạm giữ, tạm giam chưa chặt chẽ... gây khó khăn, vướng mắc trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Những quy định mới như ghi âm, ghi hình, quyền im lặng... chỉ mới được tranh luận. Cả báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội đều liên tiếp đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan, không chỉ nhằm hạn chế oan, sai, mà còn để đổi mới mô hình tố tụng hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013. ...Và lỗi của con người Sự “rách việc” của thủ tục tố tụng Một cái quần lót rách bươm từng được cả ba cơ quan điều tra, công tố và xét xử bảo quản vô cùng cẩn thận cho đến khi có quyết định tịch thu và tiêu hủy. Tình tiết điển hình này được một chuyên gia pháp lý nhắc lại nhiều lần để nhấn mạnh ý nghĩa của việc tuân thủ thủ tục trong tố tụng hình sự vốn có vẻ như rất “rách việc”. Thảo luận tại Quốc hội đã cho thấy “sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” và “đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến một số vụ oan, sai nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận”. Thủ tục tố tụng hình sự càng cụ thể, chặt chẽ, hợp lý thì càng hạn chế sai phạm, lạm dụng của con người. Từ thời La Mã cổ đại, người ta đã đề cao, buộc phải tôn trọng thủ tục tố tụng, coi đó là nơi để kẻ yếu thế bấu víu mỗi khi ra tòa. Một luật gia người Đức đã viết: “Thủ tục - kẻ thù không đội trời chung của sự độc đoán - là chị em sinh đôi với tự do”. Thủ tục có thế mạnh là vô tri, vô giác, không chịu tác động của bất kỳ ai, đối với ai cũng như nhau. Chính vì vậy, những thủ tục đang có và những thủ tục mới đang được bàn luận (đảm bảo quyền im lặng, thủ tục ghi âm, ghi hình, thủ tục tranh tụng tại phiên tòa...), dù là nhỏ nhặt nhất, đều có rất nhiều ý nghĩa trong việc ngăn ngừa, giảm oan, sai. Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chú thích số 14 dẫn ra vụ Trương Thành Phụng (Bình Phước), một người bị oan bắt nguồn từ kết luận giám định lần đầu có lỗi đánh máy thiếu chữ “không”: biến “không cùng huyết thống” thành “cùng huyết thống”. Sự cẩu thả của một cá nhân đánh máy tồn tại suốt hành trình tố tụng đã cho thấy sự cẩu thả, quan liêu và hờ hững của cả một bộ máy, quy trình. Khi một lỗi đánh máy đã đủ đưa một người vô tội vào vòng lao lý thì những điểm yếu kém về năng lực, phẩm chất, đạo đức, trách nhiệm công vụ của nhiều điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán gây hậu quả khôn lường đến mức nào cho người dân, xã hội? Chẳng hạn như điều mà đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa chỉ ra: cán bộ tư pháp “lạm dụng và thích sử dụng nhục hình, cho nhục hình mức độ nào đó là cần thiết”. Nhiều trường hợp việc xử lý cán bộ mắc sai phạm không nghiêm, được bao che; có người vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng chỉ khi báo chí lên tiếng mới đưa ra xử lý. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tình trạng oan, sai diễn ra trong tất cả các khâu. Vì vậy phải giám sát, kiểm tra chéo nhau và kiểm soát từ bên ngoài. Như một đại biểu Quốc hội nhận xét: “hệ thống tố tụng không tự phát hiện oan, sai”, hệ thống kiểm tra chéo giữa ba cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án có tình trạng nể nang “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”. Tình trạng ba cơ quan thống nhất án trước khi truy tố hay xét xử đã khiến cho việc kiểm tra và việc tranh tụng đôi lúc bị vô hiệu. Nói một cách tổng quát, các cơ quan tư pháp đang “thiếu sự chế ước, kiểm soát lẫn nhau”. Hai yêu cầu quan trọng Vai trò và quyền hạn của luật sư được tôn trọng và đảm bảo là một trong những cách quan trọng để giảm oan, sai trong tố tụng hình sự. Nhưng số lượng luật sư tính trên đầu người rất thấp, gần 80% vụ án hình sự hiện nay chưa có luật sư tham gia nên khó bảo đảm tranh tụng để tránh oan, sai. Bản thân việc tham gia tố tụng của luật sư cũng gặp nhiều khó khăn. Rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm: tăng khả năng chứng minh, thu thập chứng cứ chứng minh của bị can, bị cáo và luật sư bào chữa; bảo đảm sự có mặt của luật sư... Tòa án phải là chốt chặn, “soi” ra những sai phạm của các khâu trước đó, là nơi cuối cùng người dân bấu víu, viện cầu công lý khi bị oan. Để làm được như vậy, cần tới rất nhiều cải cách. Sự chính đáng và tốt đẹp của việc đưa mô hình tố tụng tranh tụng vào thực tiễn xét xử ở Việt Nam đã được giới luật sư lên tiếng. Pháp luật Việt Nam cũng đã yêu cầu: khi nghị án, hội đồng xét xử “chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa”. Thế nhưng cho đến giờ, Quốc hội vẫn phải lên tiếng: thẩm phán, kiểm sát viên còn coi trọng “án tại hồ sơ”, chưa coi trọng “án tại phiên tòa”; vẫn chủ yếu thực hiện thẩm vấn và hồ sơ vụ án. Người đứng đầu ngành tòa án đã cam kết trước Quốc hội rằng tới đây, tòa án sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc tranh tụng và suy đoán vô tội, quyền tư pháp của tòa án. Người dân chờ xem cam kết này sẽ được thực hiện trên thực tế như thế nào. Cuối cùng (nhưng thật ra là trước hết), cần sửa cái đầu, vì mọi hành động xuất phát từ tư duy, nhận thức. Một khi tư duy của nhiều người làm trong ngành tư pháp hình sự còn có xu hướng nặng về buộc tội, “tồn tại quan điểm và thói quen suy đoán có tội, dấu ấn của tư duy địch - ta thời chiến”, khi mà người ta tính tỉ lệ oan, sai “không phẩy không không mấy phần vạn”, viện dẫn những vụ oan sai tày đình trong lịch sử, thậm chí cả sự tích chỉ để biện luận rằng oan, sai thời nay là “rất nhỏ” thì oan, sai sẽ còn ám ảnh. Chính sách hình sự ở Việt Nam đã chuyển từ yêu cầu không bỏ lọt tội phạm sang chú trọng tránh gây oan người vô tội. Hiến pháp 2013 cũng khẳng định luật pháp phải bảo vệ quyền con người, của công dân, các cơ quan tư pháp phải bảo vệ công lý. Đây là tư tưởng dẫn đường để tránh làm sai, tránh oan khiên cho người dân. Chỉ có điều tư duy này chưa ngấm trong nhiều nhà chức trách. Yếu tố con người trong cơ quan nhà nước là rất quan trọng. Bởi ngoài việc luật hóa quyền im lặng, buộc ghi âm, ghi hình trong suốt quá trình điều tra... việc thực hiện luật đều do con người cụ thể. Trong ngành tòa án, tôi thấy có một số tòa đang thực hiện việc phân án theo cơ chế ngẫu nhiên, mỗi vụ án được viện kiểm sát cùng cấp chuyển sang đều được bộ phận tiếp nhận đánh mã số, mã số ấy được chuyển lên chánh án, chánh án thực hiện việc phân công án ngẫu nhiên. Tại sao một việc đơn giản như vậy mà tôi lại coi là giải pháp? Bởi việc chánh án biết nội dung vụ án rồi phân cho thẩm phán dễ dẫn đến việc lợi dụng quen biết. Có những vụ, hồ sơ viện chưa chuyển sang mà đương sự đã biết thẩm phán nào xét xử. Cơ chế làm việc như vậy rất dễ dẫn đến bị tác động, bè phái, thân quen làm sai lệch nội dung vụ án khiến việc xét xử không thể công tâm. Nếu cơ quan điều tra, cơ quan công tố có những cơ chế về sự công tâm và công bằng, nếu người cán bộ thực hiện được đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình thì chuyện oan sai sẽ giảm. Việc xâm phạm hoạt động tư pháp cần có những chế tài quyết liệt hơn để cán bộ khi thực hiện quyền quá lớn của mình đối với một con người, một vụ án thì cũng phải chịu trách nhiệm tương đương với nó. Nghề nghiệp của cán bộ công chức liên quan đến quá trình tố tụng hết sức đặc thù, mọi quyết định đưa ra đều ảnh hưởng đến sinh mạng, tự do, nhân thân của con người; một cán bộ tư pháp sai lầm trong công việc sẽ gây hệ lụy đến cả một gia đình, một dòng họ và thậm chí toàn bộ dư luận xã hội. Thẩm phán Phạm công Hùng Hoàng Điệp ghi Tags: Án oan saiNgành tư pháp hình sựTranh tụngThủ tục tố tụngCải cách tư pháp
Chiều cao đàn ông tăng là nhờ… đàn bà THIÊN MINH 27/01/2025 Một nghiên cứu mới cho thấy tầm vóc của con người trong thế kỷ qua có sự gia tăng. Tuy vậy, sự gia tăng này lại không đồng đều giữa nam và nữ.
Đường nối Trần Quốc Hoàn cùng hai công trình lớn ở TP.HCM đã thông xe đón Tết CHÂU TUẤN 27/01/2025 Đường nối Trần Quốc Hoàn, đường Dương Quảng Hàm, cầu Bà Hom đã lần lượt được thông xe, giúp người dân có thêm sự lựa chọn đi lại dịp Tết.
Ô tô tông liên hoàn trước cổng chợ hoa Tết, xe máy bị cuốn vào gầm, 4 người nhập viện HỒNG QUANG 27/01/2025 Chiếc ô tô hiệu Toyota tông liên hoàn vào 2 xe máy rồi lao tiếp vào chiếc ô tô màu đỏ đi cùng chiều phía trước trước cổng chợ hoa Quảng An.
Đôi nam nữ bị đâm chết trong đêm 27 Tết TRÀ PHƯƠNG 27/01/2025 Vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Một đôi nam nữ bị người bạn cũ đâm chết trong đêm 27 Tết.