01/09/2016 14:26 GMT+7

An ninh Trung Quốc trước Thượng đỉnh G20: Làm cho lấy có?

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - Hàng loạt biện pháp thắt chặt an ninh được Trung Quốc triển khai trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tuần này khiến người nước ngoài, đối tượng được đặc biệt lưu ý, ngán ngẩm.

Dòng người chờ kiểm tra an ninh tại Hồ Tây, Hàng Châu - Ảnh: AFP

Theo Thời báo Toàn cầu của Trung Quốc, kiểm tra an ninh đang là chủ đề nóng trên mạng xã hội ở Trung Quốc, khi chỉ còn ba ngày nữa là Thượng đỉnh G20 diễn ra (từ ngày 4 đến 5-9 tại TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang).

An toàn nhưng bất tiện

Tại Hàng Châu, an ninh đang được thắt chặt hết cỡ. Khách đi xe lửa và tàu điện ngầm giờ đây cũng phải được kiểm tra an ninh bằng máy soi chiếu và máy rà kim loại như ở sân bay. “Kết quả là dòng người xếp hàng để được lên tàu ngày càng dài ra và điều này thật phiền toái vì rất mất thời gian” - tờ Global Times dẫn lời anh Collins Mashinge, chuyên viên phân tích kinh doanh 24 tuổi, sống ở Hàng Châu.

Anh Mashinge sống gần Hồ Tây, một trong những điểm được kiểm soát an ninh chặt chẽ nhất ở Hàng Châu. Bởi thế, anh này thường bị cảnh sát chặn ngoài đường để “hỏi hộ chiếu và vài câu hỏi kiểm tra về nơi ở và việc làm một hai lần mỗi ngày”.

Cảnh sát Hàng Châu thậm chí còn kiểm tra người nước ngoài khi họ còn chưa ra khỏi nhà. “Ngoài các câu hỏi nói trên, họ còn hỏi chúng tôi định làm gì trong cả ngày hôm đó” – Mashinge kể tiếp.

An ninh phục vụ cho hội nghị G20 đã làm thay đổi Hàng Châu đến mức Mashinge tưởng như anh đang sống ở chỗ nào khác chứ không phải nơi anh đã ở gần 3 năm nay. “Thành phố bỗng dưng im ắng, thời tiết tuyệt vời, xe cộ ít hơn và các tình nguyện viên luôn tươi cười sẵn sàng giúp đỡ” - Mashinge mô tả hóm hỉnh.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa anh chàng nước ngoài này muốn mọi thứ cứ như thế mãi. “Dẫu đây là một trải nghiệm mới lạ, tôi không mong nó kéo dài lâu bởi vì các cuộc kiểm tra gắt gao quá, ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của mọi người trong thành phố” - anh nói, và chốt lại, “Nhiều người ở đây đang mong mọi thứ chấm dứt mau cho rồi”.

Nghi ngờ tính hiệu quả

Ông Josh Bernstein - nhà tư vấn giáo dục người Mỹ đã sống ở Triều Dương, quận nội thành ở thủ đô Bắc Kinh, cùng gia đình hơn 12 năm qua - cũng cảm nhận được rõ rệt sự thay đổi của các biện pháp kiểm soát an ninh ở Trung Quốc.

Ông từng đi tàu điện ngầm với một balô đầy những chai nước ép trái cây dành riêng cho người ăn kiêng đủ dùng trong 10 ngày, và bị nhân viên an ninh chặn lại. Người đàn ông Mỹ 31 tuổi bị buộc phải uống từ mỗi chai một ngụm trước mặt các nhân viên để chứng minh thứ nước giải khát này là vô hại. “Do phải mở hết các chai để kiểm tra, tôi buộc phải uống hết chúng, vậy đâu còn tác dụng ăn kiêng nữa?”, ông kể.

Tuy nhiên, ông Bernstein vẫn thông cảm rằng nhà chức trách đang làm đúng, nếu so với tình trạng khủng bố tràn lan hiện nay, nhất là ở các nước châu Âu, nơi “thậm chí an ninh còn không chặt chẽ như ở Trung Quốc”.

Tuy vậy, như nhiều người khác, ông Bernstein cảm thấy thắt chặt an ninh ở các ga tàu sẽ gây phiền toái rất lớn, nhất là trong giờ cao điểm. Ngoài ra, ông cũng ngán ngẩm việc cứ bị cảnh sát kiểm tra hộ chiếu.

Tôi bị chọn kiểm tra chỉ vì là người nước ngoài, khiến tôi cảm thấy bị phân biệt đối xử
Ông Josh Bernstein - nhà tư vấn giáo dục người Mỹ đã sống ở Bắc Kinh hơn 12 năm qua

Tuy nhiên Bernstein cũng cho rằng kiểm tra hộ chiếu chỉ bằng cách liếc qua là vô ích. “Họ không có loại máy móc nào để kiểm tra tính xác thực của các hộ chiếu cả”.

Anh Micah Sockwell, giáo viên tiếng Anh người Mỹ, cũng nghi ngờ tính hiệu quả của các biện pháp kiểm tra an ninh do mỗi chỗ có cách làm và thái độ nghiêm túc khác nhau. “Với tất cả những gì họ đang làm mà gọi đó là “an ninh” thì hơi quá lời rồi” - anh chàng Mỹ hóm hỉnh nhận xét.

Zhu Wei, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Kỹ thuật Đô thị Bắc Kinh, cho rằng Hàng Châu chỉ làm theo thông lệ quốc tế khi thắt chặt an ninh đến vậy trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Ông Wei cũng phản biện rằng kiểm tra hành khách tại ga xe lửa và tàu điện ngầm không thừa. Nửa đầu năm nay, chính quyền đã thu dược 50.000 vật dụng bị cấm thông qua kiểm tra an ninh tại các ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh.

Mỗi người điều nghĩ rằng kiểm tra an ninh là vô nghĩa vì họ không nhận thức được các hiểm nguy cho bản thân. Khi các cuộc kiểm tra thành công, không ai để ý; người ta chỉ bắt đầu lo lắng trong các trường hợp kiểm tra thất bại.
Zhu Wei

Wei thừa nhận vẫn còn sai sót cả về mặt con người lẫn máy móc trong các cuộc kiểm tra an ninh, song khuyến khích mọi người “nên đặt lợi ích chung của toàn xã hội lên trên cá nhân mình” trong vấn đề bảo đảm an ninh.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên