Anh em ruột Chérif Kouachi và Said Kouachi đang bị săn lùng - Ảnh: AFP |
Cho đến nay tiền án tiền sự liên quan khủng bố của hai anh em ruột Chérif Kouachi 32 tuổi và Said Kouachi 34 tuổi là quá rõ. Cậu em Chérif thậm chí có tên trong hồ sơ theo dõi của lực lượng chống khủng bố của Pháp. Vậy vì sao họ không bị đặt vào tầm ngắm và đến mức có thể ra tay tàn bạo?
Ông Eric Dénécé, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo Pháp (CF2R) giải thích: “Không phải vì hắn có tên trong danh sách, có địa chỉ rõ ràng là hắn sẽ bị theo dõi thường xuyên. Nếu hắn khôn ngoan giữ mình đàng hoàng trong một thời gian thì đến một lúc nào đó việc theo dõi sẽ dừng lại. Đó là những lỗ hổng khó tránh khỏi trong lưới theo dõi nghi can khủng bố”.
Trong khi đó bộ trưởng nội vụ Pháp, ông Bernard Cazeneuve khẳng định rằng hai đối tượng trên “từng bị theo dõi”, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng “không có yếu tố cho thấy chúng liên quan khả năng gây ra khủng bố”.
Nói một cách khác, hai anh em Kouachi không bị theo dõi theo chế độ đối tượng có nguy cơ gây ra hành động cụ thể, dù rằng người em Chérif từng ngồi tù vì liên quan chuyện “thánh chiến”.
Ông René-Georges Querry, cựu lãnh đạo UCLAT (Đơn vị liên kết chống khủng bố), giải thích trên đài BFMTV: “Chérif bị kết án ba năm tù vào năm 2008 không có nghĩa hắn sẽ là kẻ giết người trong tương lai. Trên thực tế, khó khăn lớn nhất của lực lượng chống khủng bố hiện nay là theo dõi trong đám đông vài trăm người từng có tiền sử cực đoan hoặc có tiền án tiền sự. Bởi vì không thể xem họ như những sát thủ tiềm năng được”.
Pháp từng biết đến nạn khủng bố của Hồi giáo cực đoan từ những năm 1980 nhưng trong vài tháng qua, tình hình có vẻ rối ren hơn cho vài trăm thành viên “học đòi thánh chiến” từ Iraq và Syria quay về Pháp. Cũng do lực lượng này mà an ninh chống khủng bố phải tiến hành nhiều cuộc điều tra hơn, mất công sức hơn.
“Trong những tháng qua lực lượng an ninh đã phải tiến hành khám xét hơn 130 người do liên quan yếu tố khủng bố” - ông René-Georges Querry tiết lộ. “Hàng chục tên trong số đó đã bị tạm giữ do tội cũng không quá nghiêm trọng: đã đi Syria, đã trở về Pháp và tụ tập. Vấn đề ở đây chính là việc chuyển sang hành động bất ngờ. Chuyện này rất khó dự đoán”.
Ngoài ra, lực lượng chống khủng bố của Pháp cũng thiếu phương tiện kỹ thuật để theo dõi thường xuyên các đối tượng mang yếu tố “nguy cơ tiềm ẩn”. Thực tế cho thấy việc theo dõi 24/24 một đối tượng tình nghi phải cần đến 30 nhân viên an ninh và sử dụng nhiều điện thoại nghe lén khác nhau.
Một trong các lãnh đạo chống khủng bố của Pháp (giấu tên) thừa nhận với hãng tin AFP: “Chúng tôi chỉ làm được việc lên danh sách tên họ, phân loại nhóm nguy hiểm nhất, nhóm có khả năng chuyển sang hành động để tiến hành theo dõi thường xuyên; các nhóm còn lại thì tùy khả năng phương tiện”.
Săn lùng hung thủ suốt đêm
Hai nghi can của vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo ở thủ đô Paris vẫn đang lẩn trốn. Việc săn lùng diễn ra suốt đêm dù lực lượng không nhiều như trước đó. Chiều 8-1, khi thông tin ban đầu xác nhận dấu vết của hai nghi can tại một khu vực phía bắc nước Pháp được ghi nhận, người ta những tưởng nhanh chóng tóm cổ được chúng. Thế nhưng chúng đã nhanh chóng tẩu thoát sau khi cướp ở một trạm xăng. Cảnh sát kịp tập trung lực lượng nhưng khu vực tìm kiếm hiện rộng đến vài trăm km vuông với tâm điểm ở Crépy-en-Valois (vùng Oise). Đến trước nửa đêm (giờ Pháp), theo AFP, lực lượng tìm kiếm có giảm so với trước đó, tuy nhiên một nguồn tin từ cảnh sát khẳng định “sẽ tiếp tục tìm kiếm suốt đêm với 5 trực thăng hỗ trợ”. Việc tìm kiếm được cho là khó khăn và phức tạp do khu vực này cây cối nhiều. Tuy nhiên phía cảnh sát khẳng định sẽ tỉm kiếm kỹ lưỡng từng chút. Theo AFP, nhiều xe cảnh sát hụ còi inh ỏi đã tập trung về khu vực tìm kiếm hung thủ. Một người dân trong khu vực khẳng định ngôi làng của bà giờ đây không còn yên tĩnh nữa. Theo lời nhân chứng Séverine kể với AFP, bà đã trông thấy các cảnh sát đặc nhiệm Pháp (RAID) và Lực lượng phản ứng nhanh (GIPN) trang bị vũ khí tận răng có mặt tại những điểm phục kích quanh vườn nhà dân, cạnh các ga-ra. Một nguồn tin của cảnh sát cũng khẳng định với AFP rằng hai hung thủ tấn công tòa báo chưa hề lên kế hoạch tháo lui và từng nghĩ có thể phải chết tại tòa nhà của Charlie Hebdo. “Chắc chắn chúng đã lên kế hoạch rất kỹ lưỡng cho cuộc tấn công và có thể đã nghĩ đến chuyện phải ở lại trong tòa nhà đối đầu với lực lượng đặc nhiệm. Thế rồi chúng đã có cơ hội rút lui và chúng đã làm ngay. Điều đó rõ ràng là chúng chỉ rút lui theo kiểu chớp cơ hội”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận