An ninh hay sự riêng tư?

HẢI MINH 22/09/2016 02:09 GMT+7

TTCT- Ở Anh, cứ 11 người thì lại có một máy quay an ninh. Số máy quay do cảnh sát quản lý đã tăng gần gấp đôi chỉ trong ba năm qua, riêng trên các tuyến đường, bộ dữ liệu từ máy quay an ninh của cảnh sát Anh là 26 triệu bức ảnh được chụp mỗi ngày!

Liệu có ổn nếu nhất cử nhất động của người dân một thành phố ở các không gian công cộng đều được ghi hình và lưu trữ lại? -independent.co.uk
Liệu có ổn nếu nhất cử nhất động của người dân một thành phố ở các không gian công cộng đều được ghi hình và lưu trữ lại? -independent.co.uk

Ban đầu, những chiếc máy quay an ninh được cho là có vai trò quan trọng giúp giảm bớt tình trạng phóng nhanh vượt ẩu trên đường, trộm cắp và các hành vi đáng lên án khác như xả rác, đậu xe chắn lối đi..., nhưng dần dần với sự phổ biến quá nhanh của những cặp mắt theo dõi từ xa này, người dân Anh bắt đầu sợ rằng đất nước họ sẽ trở thành một “quốc gia bị giám sát”.

Hiệp hội ngành an ninh Anh (BSIA) ước tính hiện có gần 6 triệu máy quay an ninh trên khắp đất nước, bao gồm 750.000 máy đặt ở “những điểm nhạy cảm” như trường học, bệnh viện và nhà dưỡng lão. Nick Pickles, giám đốc tổ chức vận động cho quyền riêng tư Big Brother Watch, nói trên Telegraph: “Báo cáo này là một lời nhắc nhở rõ ràng nữa về việc nền văn hóa giám sát của chúng ta đã trở nên không thể kiểm soát ra sao”.

Với hệ thống lắp đặt trên các tuyến đường, cả ở đô thị lẫn đường cao tốc chẳng hạn, nước Anh hiện có 8.000 máy quay an ninh và nhà chức trách dự kiến mở rộng hơn nữa vì tin rằng đó là một phương tiện then chốt để giảm bớt tội phạm, cũng như phản ứng kịp thời trước tai nạn giao thông nhằm cứu mạng người quý giá.

Một hệ thống dữ liệu quốc gia sẽ lưu trữ các bức ảnh được chụp trên đường, với một phần mềm nhận diện số xe tự động hiện có 17 tỉ bức hình trong hồ sơ, vào loại lớn nhất trên thế giới. Con số đó sẽ còn tăng trong năm năm tới với các tiến bộ trong công nghệ dữ liệu quy mô lớn (big data) và việc ra mắt các máy quay hiện đại hơn, có thể di động được.

Cảnh sát cũng muốn kết nối dữ liệu của Anh hiện giờ với các hệ thống khác khắp châu Âu, nhưng thừa nhận việc lắp đặt máy quay đại trà là một mối lo với các tổ chức nhân quyền và cần thêm sự minh bạch với một hệ thống có thể dễ dàng bị biến thành phương tiện giám sát xã hội.

“Chúng ta luôn đứng trước thách thức đó, cân bằng quyền của các cá nhân với việc ngăn ngừa và phát hiện tội phạm - Julian Blazely, người đứng đầu chương trình máy quay an ninh của Văn phòng cảnh sát trưởng Anh, nói với báo Guardian - Tuy nhiên, chúng tôi muốn minh bạch ở mức tối đa và có lẽ trong quá khứ chúng tôi chưa đủ minh bạch”.

Pickles nói chương trình giám sát đường sá bằng máy quay an ninh “là ví dụ kinh điển về công nghệ giám sát công dân ra mắt mà chưa hề có tranh luận công khai”. Ở Anh có cả một nhóm vận động mang tên “No CCTV”, tức Nói không với máy quay an ninh, cho rằng cảnh sát đang ngày càng trở thành một cơ quan tình báo giám sát đời sống người dân.

Năm 2010, một báo cáo của họ chỉ trích dữ dội cảnh sát Anh ở vùng West Midlands vì chi ra 3 triệu bảng tiền ngân sách để thiết lập 200 máy quay an ninh ở một khu Hồi giáo tại Birmingham. Cảnh sát sau đó phải xin lỗi.

Phản ứng từ dư luận cũng khiến chính phủ phải thành lập riêng một cơ quan độc lập kiểm soát các máy quay an ninh và những vấn đề liên quan. Người đứng đầu cơ quan này là Tony Porter, cựu quan chức trong lĩnh vực chống khủng bố.

Porter nói ông không chống lại các máy quay an ninh, nhưng khẳng định phải thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng trước khi đưa vào sử dụng đại trà và việc lắp đặt ở các khu dân cư, nơi công cộng tốt nhất nên trên cơ sở tình nguyện của cộng đồng. “Sự thiếu ý thức của dư luận về bản chất của máy quay an ninh là điều tôi quan tâm nhất” - ông nói.

Porter chỉ chịu trách nhiệm cho khoảng 100.000 máy quay an ninh công cộng do chính quyền vận hành trong số 6 triệu máy quay trên cả nước (số còn lại là của tư nhân). “Khi mọi người nói “ai cũng thích máy quay an ninh”, liệu họ có thật sự hiểu cách vận hành và năng lực của các máy quay đó chưa? Họ có hiểu những tiến bộ công nghệ, thuật toán và dữ liệu quy mô lớn, cũng như cả việc dự đoán hành vi của chúng nữa?” - ông nói.

Không chỉ lắp đặt cố định, một số cơ sở ở Anh cũng đã bắt đầu thử nghiệm máy quay di động lắp trên người nhân viên an ninh, bao gồm một số trường đại học tại Newcastle, Essex, Bath và Bangor hay các siêu thị Asda, nhằm ngăn chặn tội phạm và ẩu đả.

Nhưng đi kèm với lợi ích về an ninh luôn là nỗi lo về quyền riêng tư. “Chúng ta phải nghĩ tới không chỉ những lợi ích nhất thời, mà cả các tác động tâm lý lên toàn xã hội của máy quay an ninh” - ông Porter nói.

Anh đã có Luật bảo vệ thông tin cá nhân từ năm 1998, nhưng rõ ràng luật đó ngày nay cần cập nhật trong hoàn cảnh Internet và mạng xã hội đã lan ra khắp nơi và các máy quay an ninh đều được kết nối với một hệ thống xử lý trung tâm, hệ thống này khả năng rất cao là được kết nối với Internet.

“Đúng là mọi người thường xuyên tham gia các hoạt động ở những không gian công cộng mà họ không nghĩ là nơi riêng tư, nhưng cách đây chưa lâu việc chính quyền thu thập dữ liệu không phải là vấn đề, vì năng lực công nghệ chưa cho phép làm điều đó ở quy mô lớn.

Giờ họ đã có thể làm rồi - Scott Roehm, phó chủ tịch chương trình và chính sách ở dự án Hiến pháp, một tổ chức nghiên cứu ở Washington D.C., Mỹ, nói - Công nghệ, bao gồm hệ thống máy quay an ninh công cộng, đang nhanh chóng làm mất đi tính nặc danh của không gian công cộng và pháp luật không theo kịp”.

Không như Anh và Liên minh châu Âu (EU), Mỹ không có chính sách chung cho hệ thống máy quay an ninh và quyền tiếp cận dữ liệu. Quyền được trao về cho từng thành phố và tiểu bang. Một số đô thị có những hệ thống máy quay an ninh và giám sát bố trí khắp nơi như New York, Washington D.C. và Chicago cũng có luật lệ và tiêu chuẩn kèm theo, nhưng nhiều đô thị khác thì không.

Vì thế, lời khuyên cho những đô thị hay quốc gia đi sau là cần một hệ thống luật lệ chặt chẽ và rõ ràng trước khi triển khai đại trà một chương trình tương tự.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận