Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện thấy mối liên hệ giữa mức độ sắt tăng lên trong cơ thể và sự phát triển bệnh Alzheimer. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù sắt rất cần thiết để các tế bào hoạt động bình thường, nhưng với số lượng lớn, nó có thể phản tác dụng và gây hại cho não đầu khi gây ra tổn thương cho các mô.
Trong khi đó, nguyên nhân chính gây ra bệnh Alzheimer là sự tích tụ của hai protein; protein tau và beta-amyloid. Chúng phá vỡ sự liên kết giữa tế bào thần kinh, hay đơn giản là tiêu diệt các tế bào.
Các nhà khoa học Mỹ cho rằng mức độ sắt tăng cao có thể là nhân tố thứ ba trong sự phát triển của chứng mất trí. Tuy nghiên cứu này của các nhà khoa học Mỹ không chứng minh được rằng sắt là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh Alzheimer, song khẳng định nó có thể làm gia tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
Để đưa ra được kết luận trên, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu các bệnh nhân Alzheimer và so sánh hai vùng não-hồi hải mã (hippocampus) bị tổn thương ở giai đoạn đầu và đồi não (thalamus), bị tổn thương ở giai đoạn cuối. Kết quả cho thấy trong hippocampus có nồng độ ferritin cao - protein tích trữ chất sắt. Trong khi đó, thalamus lại tích tụ chất sắt ở mức độ bình thường.
Số lượng chất sắt lớn nhất được phát hiện trong các tế bào oligodendrocyte, sản xuất ra vỏ myelin của các sợi thần kinh. Myelin hoạt động như một chất cách điện, làm tăng tốc độ truyền tải thông tin đối với tất cả các tín hiệu thần kinh. Việc hủy hoại mô myelin làm tăng sự tích tụ các mảng amyloid, dẫn đến các tế bào thần kinh bị chết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận