Thói quen ăn uống kém khoa học chính là một trong những yếu tố hàng đầu gây bệnh và tăng nguy cơ tử vong sớm. Ngược lại, nghiên cứu cho thấy việc duy trì một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng có thể phòng tránh được béo phì, tiểu đường, tim mạch và thậm chí cả ung thư.
Nhiều người tin rằng “Càng ăn nhiều rau, ít thịt thì càng tốt”, thậm chí quyết tâm từ bỏ thịt, chú trọng việc ăn rau xanh, nhưng cách ăn này có thực sự đem lại nhiều tác dụng?
1. Cơ thể sẽ thế nào nếu ăn quá nhiều rau?
Rau xanh là một trong những loại thực phẩm lành mạnh. Nó không chỉ cung cấp đầy đủ chất xơ và vitamin cho cơ thể mà còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều tổ chức y tế uy tín đều khuyên chúng ta nên ăn nhiều rau mỗi ngày. Tuy nhiên, việc lạm dụng rau xanh, tiêu thụ lượng rau quá lớn trong ngày lại đem đến những hậu quả không tốt cho sức khỏe.
- Gây hại cho hệ tiêu hóa:
Chất xơ trong rau xanh sẽ giúp kích thích hoạt động tiêu hóa, tăng tiết enzym và các dịch tiêu hóa trong dạ dày. Tuy nhiên, nếu chúng ta ăn quá nhiều rau quả với hàm lượng chất xơ cao không chỉ gây ra hiện tượng khó tiêu mà còn làm giảm khả năng hấp thụ canxi và kẽm của cơ thể. Với những bệnh nhân xơ gan, việc ăn quá nhiều rau xanh có thể gây chảy máu dạ dày, làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
- Sỏi thận
Hầu hết các loại rau xanh trong tự nhiên đều có tính kiềm. Chất này khi kết hợp với các thực phẩm giàu canxi sẽ kết tủa và tạo ra sỏi trong cơ thể. Vì thế khi tiêu thụ các loại rau giàu axit oxalic như cải bó xôi, cần tây, cà chua… chúng ta cần chú ý khẩu phần ăn sao cho hợp lý.
- Gây ra tình trạng thiếu chất
Một bữa ăn quá nhiều rau xanh đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ cắt giảm khẩu phần ăn ở các nhóm dinh dưỡng khác như tinh bột, thịt, cá… Về lâu dài, thói quen ăn uống này sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ protein và axit béo của cơ thể, gây suy dinh dưỡng. Chưa kể, tiêu thụ quá nhiều chất xơ cũng gây ức chế quá trình hấp thụ sắt, dẫn đến tình trạng thiếu máu khiến cho cơ thể bị suy nhược, mệt mỏi.
2. Cơ thể sẽ như thế nào nếu ăn quá ít, thậm chí bỏ ăn thịt?
Trong khẩu phần ăn của người Việt, bên cạnh món rau, món canh thì món thịt cũng không thể thiếu. Thịt động vật gồm: lợn, bò, gà... rất giàu hàm lượng protein. Tuy nhiên, việc lạm dụng thịt trong khẩu phần ăn đã được cảnh báo có thể gây béo phì, tăng bệnh gút và tăng nguy cơ ung thư.
Tác hại của việc ăn quá thịt trong một thời gian ngắn là rất lớn. Thế nhưng, nếu bạn không ăn thịt trong một thời gian dài, cơ thể sẽ thiếu nguồn dinh dưỡng và gây ra những hậu quả rất rõ rệt:
- Dinh dưỡng bị thiếu hụt: Protein và khoáng chất trong thịt cần thiết để cơ thể duy trì sự dẻo dai và phục hồi sau khi vận động. Nếu bạn bỏ thịt hoàn toàn, cơ thể sẽ mất đi nguồn protein chủ yếu, điều này dẫn đến việc thiếu dinh dưỡng, thể chất ngày càng yếu ớt, đồng thời còn khiến da lão hóa nhanh.
- Mất cân bằng nội tiết: Ăn quá ít thịt có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm cả việc tiết hormone. Bất kể nam nữ, một khi hormone bị rối loạn, sẽ đem đến rất nhiều vấn đề, ảnh hưởng rõ nhất chính là khả năng sinh sản.
- Kết sỏi: Ăn chay rất dễ khiến axit oxalic và kết hợp với canxi trong cơ thể con người, theo thời gian sẽ kết sỏi.
- Tăng nguy cơ đột quỵ: Một nghiên cứu chuyên đề của Đại học Oxford, được công bố trên Tạp chí Y học Anh - BMJ cho thấy người ăn chay có nguy cơ đột quỵ cao hơn 20% so với những người thường xuyên chọn thịt xông khói và xúc xích cho bữa ăn. Nguyên nhân có thể do những người ăn chay có lượng cholesterol trong máu dưới mức tiêu chuẩn.
3. Ăn thịt và rau như thế nào mới là đúng nhất?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải (Viện Dinh Dưỡng Quốc gia), ăn uống khoa học là có một chế độ hợp lý, cân đối về mặt dinh dưỡng. Không nên ăn nhiều thịt ít, ít rau và ngược lại cũng không nên ăn rau thay thịt. Lượng ăn thịt và rau dành cho người trưởng thành là:
- Thịt, cá, hải sản: 150gr/ngày
Các loại thịt, cá, hải sản giàu chất đạm, nhưng không nên ăn liên tục vì dễ gây bệnh về thận, mỡ máu, huyết áp. Bạn nên ăn xen kẽ các loại thịt vào mỗi bữa, mỗi ngày (ăn khoảng 3 lần/tuần với mỗi loại thịt, cá). Không nên ăn loại thịt trong vài ngày liên tiếp.
Bác sĩ Hải khuyên chỉ nên ăn khoảng 150gr thịt bò, lợn, gà/ngày, ăn tối đa 3 lần/tuần. Những ngày còn lại trong tần bạn nên ăn thêm các thịt gia cầm (đặc biệt là lườn gà), hay cá...
- Rau xanh, trái cây - 400 - 600gr/ngày/người
Bác sĩ Hải cho biết mỗi người trưởng thành cần 10 kg rau xanh/tháng, vậy nghĩa là mỗi ngày bạn cần ăn ít nhất 400 - 600gr rau xanh trong khẩu phần dinh dưỡng. Cùng với rau xanh, số lượng trái cây cần thiết là 200 - 300gr/ngày/người.
Trong thực tế, một mâm cơm đảm bảo dinh dưỡng không có nghĩa là chỉ có thịt và rau mà còn phải đảm bảo đủ 4 loại thực phẩm: Chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Chỉ cần thiếu 1 trong 4 loại này là bạn đã khiến cơ thể vận hành "bớt trơn tru", sức khỏe bị ảnh hưởng. Ngoài rau thịt thì lương thực (cơm, bánh, khoai tây, mì...) hay dầu ăn có nguồn gốc thực vật cũng rât cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận