Chạy một đoạn vào con hẻm đường Văn Công Khai (Bình Dương), thực khách sẽ gặp một tiệm mì nhỏ. Đó là tiệm mì bà Chín với tuổi đời hơn 30 năm.
Mỗi sáng, đây vừa là nơi để những phụ huynh đưa con đến ăn cho kịp giờ học, vừa là chỗ mà bà con trong xóm đến để ăn mì, nhấm nháp trà và tán chuyện.
Mì bà Chín, nối tiếp hương vị của mẹ
Khi hỏi về quán, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, con gái bà Chín, tâm sự đây là quán của mẹ chị để lại. Từ thuở đầu, quán đã tọa lạc tại một góc nhỏ trong con hẻm và bán đến ngày nay.
Tiệm mì nhỏ đã nuôi lớn gia đình nhiều anh em của chị. Hầu hết các anh chị em bây giờ đều ở xa, còn mẹ chị Ánh tuổi đã lớn, sức yếu không bán nổi nữa. Vì thế chị thay mẹ tiếp tục "cơ ngơi" này.
Từ 12h khuya, chị Ánh và một người chị trong nhà đã phải bắt tay vào chuẩn bị nguyên liệu để kịp bán, từ những công đoạn như băm thịt, thái rau, phi hành… cho đến chuẩn bị nước lèo và những thức ăn kèm khác.
Chị Ánh cho hay công đoạn cực nhất phải kể đến là chiên hoành thánh. Điểm đặc biệt là hoành thánh chiên của quán chỉ làm từ bột, bên trong không có thịt hay nhân. Vì thế, việc nêm nếm phần bột đóng vai trò vô cùng quan trọng để tạo ấn tượng cho người ăn.
Sau khi thêm gia vị và ủ bột, chị Ánh tiếp tục cán bột và chiên.
Một đĩa hoành thánh giòn rụm đặt cạnh tô mì tỏa khói đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại quán mà khách nào đến cũng gọi như vậy, nên việc chiên sẽ rất cực và lâu vì số lượng lớn.
Sự tỉ mỉ trong từng khâu chế biến cũng là điều mà chính người ăn tại quán có thể cảm nhận được.
Anh Tân, một người đã nhiều lần ăn tại quán, cho hay: "Tôi thích phần rau của quán được đặt trong nước đá để bảo quản tươi, khi xin thêm thì người bán cũng niềm nở mà cho".
Kể về việc tiếp nối hương vị mì của mẹ, chị Ánh bảo đã điều chỉnh đôi chút để vị của món ăn đúng theo ý mình. Chị chia sẻ có người vẫn thích cách nêm của mẹ, nhưng không ít người chuộng cả hai vị mì.
Với chị Ánh và bao thực khách khác, tiệm mì giờ đây đã gắn liền với tên của mẹ chị. "Hỏi tiệm mì bà Chín thì ai cũng biết, mà nói tên tôi thì người ta không biết là ai" - chị Ánh cười.
Lạ miệng hoành thánh chiên ăn với mì
Chị Ánh nói sợi mì từ thời mẹ chị bán đến giờ, tiệm chỉ lấy ở một gian hàng gần chợ Thủ Dầu Một.
Cầm mấy sợi mì trên tay, chị Anh giãi bày: "Đây là sợi mì của người Tàu. Không có chất hàn the nên nó có màu nhạt, còn nếu có chất gì vô thì nó sẽ rất vàng".
Sợi mì tuy nhỏ nhưng người ăn có thể cảm nhận sự săn chắc của bột khi vừa cắn vào. Ngoài ra, mì cũng có độ ngọt nhẹ. Độ ngọt ấy tạo nên sự kết nối với hương vị của nước dùng.
Nước dùng ở đây được nêm từ đường, bột ngọt, nhưng chủ yếu vẫn là hầm xương và mực. Khách vừa ăn vừa liên tục húp nước, vì phần nước ở đây có vị ngọt thanh, ăn hoài không ngấy.
Ít ai lựa chọn ăn đồ chiên vào buổi sáng, nhưng món hoành thánh của tiệm có vẻ là ngoại lệ. Có thể thấy bàn nào cũng kèm theo một đĩa hoành thánh kế bên tô mì.
Món hoành thánh chính là "điểm nghỉ" trong dòng chảy hương vị của người dùng.
Khi người ăn vẫn đang bị cuốn theo sự ngòn ngọt và mặn nhẹ của mì thì món hoành thánh kéo vị giác của thực khách khỏi hương vị đó, để trải nghiệm độ nhạt của bánh trước khi tiếp tục nhấm nháp và cảm nhận sâu hơn vị mì.
Khi hỏi về món hoành thánh, nhiều người thích bóp nhỏ những lá hoành thánh để trộn vào mì khô, còn với mì nước thì có thể nhúng trực tiếp vào để ăn.
Quán mì đơn sơ, dân dã trong một góc hẻm nhỏ vậy mà trở thành một quán ăn thường ngày của bao thế hệ người dân Bình Dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận