Nhiều người theo quan điểm của Đông y cho rằng, ăn mặn sẽ làm giảm ham muốn, ảnh hưởng đến tinh binh. Tại sao như vậy? Điều này có được khoa học chứng minh?
Mặn vào thận gây hư
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, cho biết theo quan điểm của Đông y, ẩm thực ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng. Theo đó, ngũ vị vào dạ dày, mỗi cái quy về nơi thích hợp, chua trước tiên vào gan, đắng vào tâm, ngọt vào tỳ, cay vào phế, mặn vào thận...
Vì vậy mặn vừa phải thì không có hại, nhưng ăn quá mặn thì hại thận, tổn thương tân dịch, làm suy yếu thần sắc, bất lợi trợ dương. Do đó, muốn tình dục khỏe mạnh thì kiên trì ăn thanh đạm.
Lý giải tại sao mặn vào thận lại ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - nguyên chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết, trong y học cổ truyền, thận là một trong những tạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được đánh giá chỉ sau tâm (tim).
Trạng thái con người như thế nào phần lớn đều do thận quyết định. Thận có ý nghĩa nhiều về sự phát dục, trưởng thành, thọ yểu của con người. Bởi thận ngoài chức năng điều hòa nước trong cơ thể như của Tây y còn có một chức năng tàng chứa tinh.
Tinh bao gồm hai loại: tinh sinh dục để duy trì nòi giống hay còn gọi là tinh tiên thiên và tinh được tạo nên từ đồ ăn thức uống hay còn gọi là tinh hậu thiên. Hai thứ tinh này có quan hệ mật thiết với nhau và gọi chung là thận tinh. Tác dụng của thận tinh được gọi là thận khí.
Y học cổ truyền đánh giá rất cao vai trò của thận khí, coi đây là nhân tố quyết định sự sinh trưởng phát dục cho đến sự sinh nòi đẻ giống sau này của cơ thể. Thận khí thịnh và đầy đủ thì răng bền, tóc tốt, gân xương cứng vững chắc, kinh nguyệt đầy đủ, tinh khí dồi dào...
Thận khí suy kiệt thì răng rụng, tóc khô, thân thể hao mòn, kinh nguyệt không còn, tinh khí cạn kiệt...
Do vậy khi tạng thận hư suy, ngoài các chứng trạng của bệnh lý toàn thân còn có những biểu hiện như suy giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương (bất lực, liệt dương), rối loạn xuất tinh (xuất tinh sớm, không xuất tinh, di mộng tinh), vô sinh, rối loạn kinh nguyệt...
Để phòng chống các bệnh lý do thận hư gây nên, ngoài việc dùng thuốc theo y học cổ truyền phải kết hợp không dùng thuốc, trong đó có việc ăn nhạt, chỉ sử dụng 1-2g muối/ngày; ăn nhiều các loại rau quả có chứa nhiều vitamin C, beta caroten, vitamin A, selenium; hạn chế ăn thức ăn lạnh, nhiều đạm, các món dầu mỡ...
Ăn mặn và tình dục dưới góc nhìn khoa học
Bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện 103, cho biết dưới góc nhìn khoa học, người ta chưa tìm ra được một bằng chứng rõ ràng nào là ăn mặn thì làm giảm số lượng tinh trùng, giảm testosteron và giảm ham muốn tình dục nam giới.
Vì rằng muối không tác động trực tiếp lên cơ quan sinh sản. Đó chỉ là một điện giải bình thường có vai trò duy trì cân bằng bên trong cơ thể. Chưa có một công trình nào chứng minh được, ăn mặn bao nhiêu, bao lâu thì làm giảm tinh trùng, giảm bao nhiêu phần trăm.
Các thông tin cho rằng có sự dính dáng giữa ăn mặn và số lượng tinh trùng đều nằm ở thông tin huyết áp cao và thận. Có bằng chứng rõ ràng về mặt cơ chế và dẫn chứng rằng ăn mặn thì làm tăng huyết áp, cũng có sự liên quan nhất định tăng huyết áp thì làm giảm ham muốn tình dục.
Nhưng điều đó không có nghĩa là ăn mặn thì làm giảm tình dục. Bởi ăn thừa mỡ cũng gây ra tăng huyết áp, các thuốc cường giao cảm cũng gây ra tăng huyết áp, nhưng những thứ này không thể là thứ gây ra giảm ham muốn tình dục.
Và cũng có những người bị tăng huyết áp mà không ăn mặn. Họ vẫn có nguy cơ bị suy giảm tình dục. Vậy mấu chốt ở đây là tăng huyết áp, chứ không phải là muối gây ra suy giảm tình dục.
Lại có người cho rằng ăn mặn làm suy giảm chức năng thận và do đó làm suy giảm chức năng tình dục. Các bác sĩ cho rằng ở đây có sự hiểu lầm giữa Đông y và Tây y.
"Thận là phần chức năng liên quan đến tình dục theo quan niệm của Đông y. Nhưng chữ thận này không phải là quả thận nằm trong Tây y. Mà ăn mặn có nguy cơ gây sỏi thận, làm suy giảm chức năng thận, lại là quả thận chính thức của Tây y. Do đó, khó có thể ghép hai điều này làm một" - bác sĩ Phúc nói
Tuy nhiên, dù có hay không có ảnh hưởng, ăn mặn là một thói quen không có lợi. Ăn mặn không có lợi cho chức năng lọc của thận và cho hệ tim mạch. Mà tăng huyết áp là một bệnh trung gian của nhiều yếu tố hệ lụy đi sau. Vì vậy, không nên ăn mặn.
Tổ chức Y tế thế giới - WHO khuyến cáo, mỗi người chỉ nên dùng 5g muối/người/ngày, tương đương với khoảng một muỗng cà phê muối.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ còn đưa ra khuyến nghị thận trọng hơn là chỉ nên nạp tối đa 1,5g mỗi ngày, đặc biệt là những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Hạn chế muối ăn đặc biệt cần thiết với người bị tăng huyết áp, người bị suy tim hoặc người già.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận