Chị N.C.M., 39 tuổi, ngụ ở Q.3, TP.HCM, kể mới đây chị đi sinh nhật một người bạn trong cơ quan, người bạn này mời các đồng nghiệp trong phòng đi ăn lẩu cá kèo ở gần đó.
Ai cũng "vô tư" thò đũa vào nồi
Khi ngồi ăn lẩu, một số người "vô tư" lấy đũa của mình gắp cá, gắp rau trong nồi lẩu cá kèo. Chị M. và một vài đồng nghiệp khác gắp riêng, nhưng còn một vài người cứ gắp chung như vậy chị thấy mất vệ sinh nhưng không dám nói.
Tương tự, anh P.T.C., 40 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức, kể mới đây anh cũng đi một bữa tiệc tân gia của một người bạn ở dưới Q.8. Bạn anh đặt đội nấu ăn đến tận nhà phục vụ.
Anh C. được xếp ngồi chung với một vài người bạn và những người hàng xóm của bạn anh. Trên bàn chỉ có một vài chén nước tương, nước mắm, muối mặn để chấm nên nhiều người cùng chấm chung một chén.
Đặc biệt khi đến món lẩu bò, nhiều người cùng lấy đũa của mình gắp đồ ăn trong nồi lẩu. Hôm đó, dù bụng vẫn ăn được nữa nhưng anh C. lấy lý do bụng đã rất no để từ chối ăn món lẩu này.
Anh C. nói rất lo ngại cứ ăn chung như thế này, nếu ai đó mắc bệnh sẽ có nguy cơ lây bệnh cho người khác. Nhiều lần khi dùng bữa ăn chung, anh nói không dám ăn canh vì nhiều người dùng đũa của mình gắp đồ ăn trong bát canh, cả chục người chung chén nước chấm (đặc biệt ở khu vực phía Bắc)...
Nguy cơ mắc nhiều bệnh
TS Trần Quốc Cường, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết người dân Việt Nam hay có thói quen ăn chung các món ăn, chấm chung chén mắm, cho đũa vào để cùng vớt đồ ăn từ một nồi lẩu...
Trong số những người ăn chung các món ăn mà có một người mắc bệnh như viêm họng, viêm đường hô hấp cấp, nhiễm H.P, nhiễm viêm gan siêu vi A... thì sẽ có nguy cơ lây bệnh cho những người còn lại.
Hiện nay tỉ lệ người dân Việt Nam mắc bệnh H.P khá cao, chiếm khoảng 70%. Những người mắc H.P nếu không có triệu chứng sẽ không phải điều trị. Tuy nhiên, có một tỉ lệ nhỏ những người mắc bệnh H.P sẽ bị viêm dạ dày, ung thư dạ dày...
Còn bác sĩ Đinh Trần Ngọc Mai, khoa dinh dưỡng tiết chế - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, lo lắng khi nhiều người ăn chung, chấm chung như vậy mà có một người bị nhiễm H.P đã bị đa kháng thuốc sẽ nguy hiểm hơn cho những người còn lại.
Khi những người còn lại bị nhiễm H.P đa kháng thuốc này thì sẽ không có loại thuốc nào có thể điều trị H.P nữa...
Những người bị nhiễm viêm gan siêu vi A sẽ có những triệu chứng như sốt, nhức mỏi, tiêu chảy nhẹ và còn một số ít các trường hợp bị suy gan cấp. Khi đó những trường hợp này sẽ không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, khi bị suy gan cấp nặng có thể gây tử vong.
Bác sĩ Mai bổ sung ăn, gắp chung như vậy còn có thể lây bệnh cúm, COVID-19...
Lý giải về con đường lây bệnh khi ăn uống chung, bác sĩ Mai cho biết khi một người mắc bệnh dùng đũa để ăn chung, chấm chung, nước bọt chứa vi rút, vi khuẩn sẽ theo đũa vào thức ăn, khi người khác gắp thức ăn, vi rút, vi khuẩn này sẽ theo đồ ăn vào cơ thể người đó.
Bác sĩ Mai khuyên để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường ăn uống, cần dùng nước chấm riêng. Khi ăn lẩu cùng nhau nên có một cái vá/muôi để gắp đồ ăn từ lẩu vào chén của mỗi người, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bạn nghĩ sao về thói quen tưởng như vô tư này?
Thăm dò ý kiến
Bác sĩ khuyên khi ăn cùng nhau, mọi người nên dùng nước chấm riêng; ăn lẩu thì dùng vá/muôi múc ra chén mỗi người chứ đừng đũa ai nấy gắp. Bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận