05/08/2024 10:27 GMT+7

Ăn kiêng thế nào để khỏe mạnh?

Dinh dưỡng và bệnh tật có một mối liên quan. Người bệnh phải có chế độ ăn kiêng phù hợp để hạn chế những tác dụng không mong muốn và nâng cao hiệu quả chữa bệnh.

Thức ăn như thuốc chữa bệnh, nên cần lựa chọn phù hợp - Ảnh minh họa

Thức ăn như thuốc chữa bệnh, nên cần lựa chọn phù hợp - Ảnh minh họa

Bệnh theo đường miệng mà vào, nên tùy bệnh mà tránh

Theo Hội Đông y Việt Nam, không chỉ y học cổ truyền mà hiện tại cả y học hiện đại cũng đang chú trọng đến vai trò dinh dưỡng trong việc phòng và chữa bệnh, nhất là các bệnh mãn tính: tim mạch, nội tiết, ung thư, lão hóa...

Ăn kiêng đã và sẽ là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị bệnh tật trong thế kỷ 21.

Cổ nhân cho rằng: "Bệnh tòng khẩu nhập" (bệnh theo đường miệng mà vào), kiêng kỵ trong ăn uống là rất cần thiết nhằm mục đích không ngừng nâng cao sức khỏe và phòng chống tích cực bệnh tật.

Cũng bởi vậy mà y học cổ truyền đã xếp yếu tố "ẩm thực bất điều" (ăn uống không hợp lý) là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tật.

Mục đích ăn uống thường bao gồm hai loại: ăn để bồi bổ (thực bổ) và ăn để phòng và chữa bệnh (thực trị). Đối tượng sử dụng có thể là người bình thường, hoặc những người đang mắc một hay nhiều bệnh lý nào đó.

Ở người bình thường, thể chất mỗi người vốn khác nhau, có người thể chất thiên hàn hay thiên nhiệt, thiên âm hoặc thiên dương.

Ở người bị bệnh thì tình trạng thiên lệch giữa âm và dương, giữa hàn và nhiệt lại càng rõ ràng, tạo nên sự mất cân bằng trầm trọng, cần phải can thiệp bằng các biện pháp dùng thuốc hay không dùng thuốc nhằm mục đích tái lập thế cân bằng vốn có.

Ngày nay, y học hiện đại đã chứng minh: Ăn uống thiếu vệ sinh và bất hợp lý là nhân tố hết sức quan trọng dẫn đến việc hình thành và phát triển các bệnh lý nhiễm trùng, bệnh lý đường tiêu hóa và các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như: bệnh tả, lỵ, thương hàn, vữa xơ động mạch, đái đường, gout, viêm tụy, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn tính...

Đông y hướng dẫn căn cứ cơ quan bị bệnh để ăn uống cho phù hợp. Ví dụ người có bệnh gan mật kiêng thức ăn có chất béo, bệnh viêm đường ruột, dạ dày và tuyến tụy phải kiêng phàm ăn uống để bớt gánh nặng cho đường tiêu hóa, làm giảm nhẹ bệnh.

Các bệnh như tim, thận, huyết áp cao phải kiêng muối hoặc ăn ít muối, đề phòng bị phù nề. Các bệnh xơ cứng động mạch, nhiều mỡ trong máu thì kiêng các thức ăn có nhiều cholesterol như thịt mỡ, cá, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật để tránh tăng huyết áp và làm xơ cứng động mạch.

Bệnh nhân dị ứng cần phải kiêng những thức ăn dễ gây dị ứng. Đối với bệnh nhân tiêu chảy cần phải kiêng dầu mỡ và thức ăn khó tiêu. Bệnh nhân bị bệnh phụ khoa thì trong thời kỳ có kinh nên ít ăn thức ăn sống, lạnh.

Những bệnh nhân chức năng gan thận thoái hóa nặng cần phải kiêng các thức ăn làm tăng thêm trao đổi độc chất trong cơ thể như: Cá, thịt, trứng để đề phòng gây nên chứng nhiễm độc urê hoặc nhiễm độc gan.

Ăn phù hợp và cân bằng để giúp cơ thể khỏe mạnh - Ảnh minh họa

Ăn phù hợp và cân bằng để giúp cơ thể khỏe mạnh - Ảnh minh họa

Thức ăn giống như thuốc trị bệnh

ThS Hoàng Khánh Toàn - nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - phân tích đông y, dinh dưỡng học cổ truyền luôn tuân thủ quan điểm chỉnh thể và biện chứng luận trị.

Phải luôn luôn giữ thế cân bằng động giữa âm và dương, giữa hàn và nhiệt, giữa bên trong và bên ngoài…, bất cứ thuốc hoặc đồ ăn thức uống cũng phải được lựa chọn cẩn thận để không làm mất thế cân bằng sinh tử này.

Nếu cơ thể không may bị bệnh, nghĩa là sự thiên thịnh hay thiên suy đang hiện diện, việc "biện chứng" để "luận trị" bằng thuốc hoặc thức ăn nhằm lập lại thế cân bằng là điều rất cần thiết.

Thức ăn nói chung dù là thuốc hay không dùng làm thuốc, theo y học cổ truyền đều có tính vị hàn lương, ôn nhiệt, cay đắng mặn ngọt... khác nhau. Bởi thế về nguyên tắc, việc dùng các loại thực phẩm, thức ăn cũng tương tự như việc sử dụng các vị thuốc của y học cổ truyền.

Ví dụ người dương hư với biểu hiện toàn thân sợ lạnh, sắc mặt trắng bệch, khó thở, mệt mỏi, đại tiện lỏng loãng, tiểu tiện trong dài, liệt dương, di tinh... phải trọng dụng các vị thuốc và thực phẩm có tác dụng bổ dương, ôn dương, trợ dương.

Kiêng kỵ thức ăn có tính âm hàn như dưa hấu, dưa chuột, thanh long, ngó sen, ba ba, hải sâm, ngao sò, mộc nhĩ...

Người âm hư có biểu hiện chứng trạng hư nhiệt như có cảm giác hâm hấp sốt về chiều, đau đầu, chóng mặt, lòng bàn tay và bàn chân nóng, người gầy, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ... phải trọng dụng các thực phẩm và vị thuốc có tính bổ âm, tư âm, dưỡng âm và kiêng kỵ các vị thuốc và thực phẩm có tính ôn nhiệt như thịt chó, thịt dê, nhãn, vải, mít, gừng, tỏi, hạt tiêu...

Đặc biệt, trong ăn uống hằng ngày cũng nên tuân theo cách ăn như sau:

- Kiêng ăn về số lượng: Không nên ăn quá no, quá nhiều và cũng không nên để quá đói.

- Kiêng ăn thiên lệch: không nên ăn quá nhiều một thứ gì đó.

- Kiêng kỵ khi bị bệnh: Tùy theo đặc điểm và tính chất của từng loại bệnh và thể bệnh mà tiến hành kiêng kỵ cho hợp lý.

- Kiêng kỵ theo thể chất: Người có thể chất thiên nhiệt nên kiêng các thức ăn quá cay nóng, người có thể chất thiên hàn nên kiêng các thức ăn quá lạnh. Người đàm trệ nên kiêng đồ ăn thức uống quá béo bổ...

- Kiêng kỵ theo tuổi: Trẻ em nên kiêng đồ ăn thức uống sống lạnh vì dễ gây thương tổn tỳ vị, người già nên kiêng ăn thức ăn quá béo, quá ngọt hoặc quá mặn...

- Kiêng kỵ theo giới: Phụ nữ có thai nên kiêng các thức ăn có tính chất quá cay nóng, dễ kích thích hoặc quá sống lạnh, phụ nữ sau khi sinh con nên kiêng các thức ăn có tính lạnh...

- Kiêng kỵ theo bệnh: Người bị viêm loét dạ dày tá tràng và viêm đại tràng mạn tính thể tỳ vị hư hàn nên kiêng ăn đồ sống lạnh; Người bị liệt dương thể âm hư nên kiêng các thực phẩm có tính cay nóng như thịt chó, thịt dê, gừng, tỏi, rượu trắng; Người hay bị mụn nhọt cũng nên kiêng ăn các loại thức ăn này.

- Kiêng kỵ theo mùa và thời tiết: mùa hạ dương khí vượng thịnh, thời tiết nóng bức nên kiêng các thức ăn có tính nhiệt như thịt chó, thịt dê, ớt, hạt tiêu, gừng, quế, hồi...; mùa đông lạnh lẽo nên kiêng các thức ăn có tính lạnh như cua, ốc, dưa hấu, dưa chuột, trai, hến...

- Kiêng các thức ăn biến chất, thiếu vệ sinh.

- Kiêng kỵ khi phối hợp thực phẩm với thực phẩm, ví như: cá diếc kỵ gan lợn và kinh giới, thịt gà kỵ mận, thịt dê kỵ giấm và bí đỏ...

- Kiêng kỵ khi phối hợp thuốc và thực phẩm, ví như: khi uống thuốc có thục địa thì kiêng ăn cà rốt, hành và hẹ ; khi uống thuốc có cam thảo thì kiêng ăn rau cải; Khi uống thuốc có thiên môn thì kiêng ăn cá chép...

Chống nản lòng trong ăn kiêngChống nản lòng trong ăn kiêng

Ăn kiêng có tiếng khó chơi cho những ai dễ nản lòng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên