02/08/2018 10:03 GMT+7

Ẩn họa từ những chuyến xe hợp đồng

NHẬT LINH - LÊ TRUNG
NHẬT LINH - LÊ TRUNG

TTO - Những chiếc xe 16 chỗ hết đát, quá hạn đăng kiểm, không có giấy phép kinh doanh… nhưng vẫn bon bon chở khách trên những tuyến đường dài, đặc biệt là vào mùa cưới, chứa nhiều ẩn họa.

Ẩn họa từ những chuyến xe hợp đồng - Ảnh 1.

Xe khách gặp tai nạn là xe đời cũ, không có giấy phép kinh doanh, không có phù hiệu - Ảnh: Trường Trung

Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng có phần nương nhẹ và lúng túng trong việc xử lý, khiến hành khách nhiều khi phải đánh đổi cả bằng tính mạng.

Ngủ gật là chuyện cơm bữa

Những ngày qua, vụ tai nạn khiến 12 người họ hàng ở thôn Lương Điền (Hải Lăng, Quảng Trị) tử vong trên đường đi đón dâu ở Bình Định vẫn còn ám ảnh. 

Nguyên nhân vụ việc ban đầu được xác định do tài xế tên Cường (trú xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đã ngủ gật, chạy lấn làn tông phải xe container chạy chiều ngược lại. 

Chiếc xe gặp nạn mang biển số tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng được xác định là xe cũ (đời 2004), do tài xế Cường mua lại để chạy hợp đồng trong vùng, vẫn chưa được sang tên đổi chủ.

Theo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế, chiếc xe trên thuộc sở hữu cá nhân của tài xế Cường, vẫn còn hạn đăng kiểm nhưng không có phù hiệu, không có giấy phép kinh doanh. 

Một người bạn cùng hành nghề tài xế với anh Cường cho biết trước đây anh Cường làm nghề lái xe thuê. Sau khi tích góp được một ít tiền, anh Cường mới quyết định mua lại chiếc xe đời cũ để chạy hợp đồng, phục vụ hiếu hỉ bà con trong làng.

"Trước hôm gặp nạn, Cường cũng vừa chở khách đám cưới từ Đà Nẵng trở về nhà lúc 21h. Nghỉ ngơi được hơn một giờ thì tiếp tục chở khách vào Bình Định lúc 23h" - người này thở dài. 

"Cũng vì mưu sinh mà nó mới gắng chạy vậy. Nó không chạy lấy đâu tiền nuôi hai con - một đứa 1 tuổi, còn đứa kia 3 tuổi đây?" - anh Quý, đồng nghiệp của anh Cường, nghẹn ngào nói.

Anh Lê Quốc A., tài xế lái xe 16 chỗ, cho biết việc cánh lái xe đường dài ngủ gật khi đang chạy trên đường là chuyện thường thấy. Bởi đối với nghề lái xe, đặc biệt là lái xe hợp đồng kiểu "ai kêu là chạy" như anh, thì mùa cưới phải "chạy sô" liên tục, gần như ít có thời gian nghỉ ngơi. 

"Cao điểm có khi một ngày tôi nhận chở khách ở 5 đám cưới. Chưa kể có đám cưới ngoại tỉnh phải chạy 400-500km nên ngủ gật là chuyện thường" - anh A. nói.

Theo anh A., nghề tài xế xe hợp đồng cũng như nông dân vậy, cũng có mùa, có vụ hẳn hoi. Tài xế "vào mùa" từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch khi có nhiều đám cưới đặt xe. Hết "mùa", số lượng khách đặt xe giảm còn khoảng 1/4.

Không quản lý nổi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Hoài Nam, phó chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết theo quy định thì mọi tài xế không được lái xe quá 4 giờ liên tục và không được chạy xe quá 10 giờ/ngày. Thế nhưng thực tế nhiều tài xế gần như không tuân thủ quy định này.

Ông Nam cũng thừa nhận tình trạng xe hết đát đang tràn về các vùng nông thôn để kinh doanh "chui" dịch vụ xe hợp đồng. 

"Tuy nhiên, việc xử phạt lỗi này rất khó bởi nhiều trường hợp nói rằng đó là người thân trong chòm xóm với nhau nên chỉ giúp nhau. Chúng tôi chỉ xử lý các lỗi về kiểm định, chở số lượng người... theo quy định" - ông Nam nói.

Còn ông Lê Văn Sinh, giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết mới đây tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý những xe chở khách không có đăng ký kinh doanh, chạy hợp đồng trá hình, đến thời điểm hiện tại đã xử phạt rất nhiều. 

Với loại xe hợp đồng dịch vụ cưới hỏi, theo ông Sinh, thì khó kiểm soát hết được. 

"Bởi chỉ chính quyền xã, phường nơi có những chủ xe đó họ mới nắm, chứ mình làm sao biết được từng ngõ ngách thôn xóm được" - ông Sinh nói.

Sau vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn vừa qua, ông Sinh nói sắp tới tỉnh sẽ có kiến nghị với Bộ GTVT đầu tư mở rộng các làn đường nhỏ hẹp, đặt dải phân cách để giảm thiểu những tai nạn thương tâm.

"Chúng tôi cũng sẽ có văn bản gửi các địa phương đề nghị tổng rà soát, kiểm tra hết lại các loại xe chạy hợp đồng, dịch vụ ở thôn, làng, xã. Qua đó sẽ có các giải pháp tăng cường xử lý, tuyên truyền, hướng dẫn các chủ xe việc kinh doanh đúng pháp luật để giảm thiểu những vụ tai nạn đáng tiếc" - ông Sinh nói.

Lợi dụng "lỗ hổng" ngày vui

Anh P.Q.C. (34 tuổi, quê huyện Đại Lộc, Quảng Nam), tài xế có hơn 15 năm hành nghề, khẳng định chắc nịch riêng với việc chạy dịch vụ cưới hỏi mà trước xe có gắn chữ "song hỉ" thì thường ít bị các lực lượng chức năng kiểm tra, trừ trường hợp tài xế chạy quá tốc độ hay gây tai nạn.

Lý giải điều này, anh C. cho biết có thể do lực lượng chức năng thông cảm vì là ngày vui của gia đình.

Chính điều này đã tạo một "lỗ hổng" cho nhiều tài xế hay nhà xe lợi dụng. Bởi những chiếc xe không đủ điều kiện, hết đát, hết hạn kiểm định hay không có giấy phép kinh doanh vận tải, không phù hiệu họ sẽ dán chữ đó trước xe để qua mặt lực lượng chức năng.

Theo anh C., những loại xe cũ chạy kiểu hợp đồng như vậy thường có nhiều ở các vùng thôn quê.

Loại xe quá đát này không đủ sức cạnh tranh với các nhà xe dịch vụ luôn được trang bị xe mới ở đô thị, nên phải dạt về vùng quê kinh doanh với giá rẻ hơn nhiều lần.

Phần lớn các loại xe quá đát này ở các vùng quê thường thuộc sở hữu cá nhân, không tham gia các hợp tác xã vận tải và cũng không có giấy phép kinh doanh.

"Nếu đăng ký kinh doanh hay vào hợp tác xã thì những tài xế này hằng tháng phải nộp nhiều loại phí và phải thường xuyên tham gia các lớp nghiệp vụ. Riêng với loại xe quá đát cũng bị buộc phải đăng kiểm 3 tháng/lần nếu sử dụng để kinh doanh" - anh C. nói.

"Quên" dây an toàn

Một lỗi mà nhiều tài xế thừa nhận là việc không yêu cầu khách thắt dây an toàn. Ở vụ tai nạn khiến đám cưới thành đại tang ở Quảng Trị vừa qua, sau khi khám hiện nghiệm trường, cơ quan chức năng đã kết luận nguyên nhân khiến các nạn nhân tử vong chủ yếu do nội thương.

Hầu hết hành khách trên xe đã không thắt dây an toàn khi xảy ra va đập.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Duy Thăng - phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, chấn thương nội tạng ở đây là do khi hai xe tông nhau tạo ra một lực đẩy vô cùng lớn làm những người ngồi trong xe va vào các vật cản như hàng ghế ngồi, đồ dùng khiến nội tạng bị tổn thương, giập nát.

"Những nội tạng dễ bị tổn thương có thể là gan, lách, tim, phổi. Trong trường hợp thắt dây an toàn thì cơ thể các nạn nhân có thể được níu lại, hạn chế va đập và đỡ bị tổn thương hơn" - bác sĩ Thăng nói.

Theo tài xế A., thông thường tài xế chỉ yêu cầu khách ở hàng ghế ngồi ngang ghế lái thắt dây an toàn để tránh lực lượng chức năng kiểm tra, còn những người ngồi sau hầu như không ai thèm thắt.

"Khách người ta chỉ quan tâm xe có sạch sẽ, lái xe có an toàn hay không, chứ đâu nghĩ đến chuyện sẽ thắt dây an toàn. Chưa kể ở một số xe cũ, hệ thống dây an toàn ở phía ghế sau hầu như không có" - anh A. nói.

Đại tang ở Lương Điền

TTO - 15h ngày 30-7, trong ngôi nhà của chú rể Nguyễn Khắc Long - nhân vật chính của ngày đại hỉ đã biến thành đại tang ở thôn Lương Điền (xã Hải Sơn, Hải Lăng, Quảng Trị), việc tẩn liệm đã xong. Ba chiếc quan tài đóng nắp.

NHẬT LINH - LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên