Đoàn du khách trekking trải nghiệm cung đường xanh thẳm tại núi Cấm - Ảnh: PHẠM VŨ
Lợi thế du lịch sẵn có
An Giang nằm ở vùng Tứ giác Long Xuyên là trung tâm liên kết vùng Đồng Tháp Mười, Kiên Giang và đường biên giới hơn 100km tiếp giáp với Campuchia, thuận lợi kết nối giao thương, du lịch.
Tại TP Long Xuyên - trung tâm văn hóa - chính trị của tỉnh, du khách có thể trải nghiệm Chợ nổi Long Xuyên, viếng Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng), ăn cơm tấm mẳn Long Xuyên, bánh tằm se, bánh cuốn, bánh canh tép.
Cánh đồng Tà Pạ mùa lúa chín đẹp nao lòng các tín đồ thích “xê dịch” - Ảnh: NGUYỄN XUÂN
Cách trung tâm TP Long Xuyên không xa có Thánh đường Cù lao Giêng cổ tọa lạc trên vùng đất cù lao phù sa thuộc 3 xã của huyện Chợ Mới, tuổi đời hơn 300 năm tuổi; khu du lịch Hồ Ông Thoại và Thiền viện Trúc Lâm An Giang (thị trấn Núi Sập).
Đặc biệt là quần thể khu di tích Óc Eo - Ba Thê đậm dấu ấn của nền văn hóa Óc Eo, một di tích khảo cổ cấp quốc gia, được hình thành và tồn tại khoảng 2.000 năm.
Giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch An Giang đón 42 triệu lượt khách
Ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết để địa phương trở thành một sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, chúng tôi đã có kế hoạch giữ lại tất cả bản sắc địa phương gồm sinh cảnh, văn hóa chùa Khmer trên đỉnh núi Tà Pạ, hồ Soài Chek, cánh đồng trâm đan xen cánh đồng lúa, tăng thu nhập cho người dân.
Dự kiến giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch tỉnh đón 42 triệu lượt khách với doanh thu 27.800 tỉ đồng.
Đến TP Châu Đốc viếng Miếu Bà Chúa xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An là một trong những chuyến đi thường niên của du khách và người hành hương trong vùng.
Trong đó, lễ hội Vía bà Chúa xứ tạo nên nét văn hóa đặc sắc, đậm chất tâm linh, là lễ hội cấp quốc gia, quy mô nhất nhì của vùng đồng bằng.
Châu Đốc còn là xứ sở của các loại mắm, món đặc sản được du khách săn đón nhiều nhất khi về nơi này.
Có những cơ sở làm mắm gia truyền qua ba bốn thế hệ, với cách làm giữ hương vị truyền thống, nay áp dụng công nghệ máy móc gia công đảm bảo vệ sinh, đạt chuẩn OCOP...
Ngoài ra, vùng Bảy Núi còn các sản phẩm làm từ thốt nốt như: đường thốt nốt, rượu thốt nốt, thốt nốt tươi, nước thốt nốt, trái thốt nốt, bánh bò thốt nốt…
Các khu du lịch núi Sam, núi Cấm, khu du lịch rừng tràm Trà Sư và đồi Tức Dụp được du khách gần xa thương mến gọi là "tứ đại danh thắng vùng Bảy Núi" nằm trên một cung đường và chỉ cách nhau khoảng 30 phút ô tô nên có thể tham quan trong một ngày.
Xu hướng du lịch xanh, thông minh
Hiện tại, An Giang tận dụng lợi thế sẵn có, tập trung phát triển du lịch thông minh, du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Các tour du lịch ngắn ngày được thiết kế lịch trình kỹ càng đưa lên sàn thương mại điện tử.
Du khách book tour xong chỉ cần cầm chiếc điện thoại thông minh và an tâm trải nghiệm hành trình mình đăng ký.
Biểu diễn dù lượn tại Khu Thể thao và du lịch Soài Chek - Tà Pạ - Ảnh: NGUYỄN XUÂN
Đáng chú ý có khu thể thao và du lịch Tà Pạ - Soài Chek (huyện Tri Tôn) vừa hình thành, để trải nghiệm về hoạt động văn hóa thể thao của địa phương.
Ngoài tổ chức lễ hội đua bò (hai năm một lần), lễ hội khinh khí cầu biểu diễn dù lượn vào các dịp lễ Tết… ; nơi đây còn được ví như một Tây Bắc thu nhỏ giữa đồng bằng với thảm ruộng lúa quanh co dưới chân núi thơ mộng, thu hút giới trẻ check in.
Du khách thích thú mặc trang phục dân tộc chụp hình tại homestay Thiên Cẩm Sơn, núi Cấm - Ảnh: PHẠM VŨ
Còn tại khu du lịch Núi Cấm - nóc nhà miền Tây, có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, người dân địa phương đã tận dụng lợi thế này để phát triển xu hướng du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng hình thành các khu homestay độc đáo nằm trên triền núi.
Mô hình du lịch trekking (đi bộ dã ngoại dài ngày) và chạy trail (chạy bộ địa hình) giúp du khách tham gia chinh phục quãng đường tuỳ chọn, từ 7km đến 42km.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận