Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang - Ảnh: Bửu Đấu |
Theo ông Khường, kết quả khảo sát và thăm dò địa chất đáy sông Vàm Nao của Viện khoa học Thủy lợi Miền Nam mấy ngày qua cho thấy tại khu vực sạt lở ở tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông có hai hố xoáy.
Hố xoáy thứ nhất nằm sát đường liên xã, nơi xảy ra sạt lở làm 14 căn nhà và 2 nền nhà bị nhấn chìm xuống sông, có độ sâu -22 - 30m, chiều dài trên 100m, rộng trên 90m. Hố xoáy thứ hai nằm cách bờ khoảng 180m, chiều dài 380m, rộng 180m, độ sâu đo được -44m.
Hiện Sở NN&PTNT đã có 2 phương án xử lý hố xoáy. Thứ nhất xử lý khẩn cấp lấp hố xoáy gần bờ gây sạt lở bằng cách thả bao tải cát xuống hố, sau đó trải thảm đá gia cố chống xoáy. Kinh phí dự kiến cho việc lấp hố xoáy khoảng 50 tỉ đồng.
“Về lâu dài, chúng tôi đã tính toán xây bờ kè dài trên 1,5km cho đoạn này với kinh phí khoảng 150 tỉ đồng. Tuy nhiên việc này chưa được thông qua. Còn việc xử lý khẩn cấp hố xoáy gần bờ đã được UBND tỉnh làm tờ trình xin Chính phủ hỗ trợ kinh phí và sẽ chỉ định thầu để xử lý khẩn cấp, không để xảy ra sạt lở tiếp tục” - ông Khường nói.
Đất cặp kênh mới Cỏ Lau bị sụp khiến nhà dân phải di dời khẩn cấp vào ngày 9-5 - Ảnh: Bửu Đấu |
Nói về tình trạng sạt lở xảy ra liên tục ở An Giang, ông Khường cho rằng đây là hệ lụy tất yếu của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân chính do hạn hán kéo dài khiến lượng nước đổ về các dòng sông thấp hơn nhiều năm, từ đó dẫn đến chênh lệch giữa bờ và mực nước sông.
Thêm vào đó, hiện các địa phương làm đê bao khép kín nên nước thay vì tràn vào các cánh đồng như trước nay dồn lại các nhánh sông làm lưu tốc dòng chảy tại các sông tăng mạnh, khiến tình trạng xói lở ngày càng gia tăng nghiêm trọng.
“Từ các yếu tố tự nhiên đó, cộng với yếu tố tác động của con người như ồ ạt xây dựng công trình nhà cao tầng ven sông, làm đường giao thông nông thôn… tác động rất lớn làm xảy ra tình trạng sạt lở đất. Theo tôi, tình trạng này còn tiếp tục diễn ra nếu chưa có giải pháp quản lý kịp thời về đất, nước như hiện nay” - ông Khường khẳng định.
Còn 23 điểm sạt lở cực kỳ nguy hiểm Theo ông Tô Hoài Phong - trưởng Phòng Quản lý xây dựng công trình, Sở NN&PTNT An Giang - sáng 11-5, lãnh đạo sở sẽ họp với Viện khoa học thủy lợi Miền Nam để bàn bạc và chọn giải pháp xử lý hố xoáy gần bờ trong thời gian khoảng 2 tháng. “Do là trường hợp khắc phục xử lý thiên tai nên UBND tỉnh không đấu thầu mà sẽ chỉ định thầu để khắc phục sớm nhất, hạn chế sạt lở xảy ra trong thời gian tới” - ông Phong nói. Ông Phong cho biết trong 51 điểm sạt lở nguy hiểm trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 23 điểm cực kỳ nguy hiểm cần phải di dời dân khẩn cấp. Nếu không di dời, những hộ này có nguy cơ mất nhà, mất đất trong nay mai. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận