UBND tỉnh An Giang đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho người dân ra khỏi tỉnh. Trường hợp cần giấy xác nhận thì địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất
Theo văn bản mới nhất, đối với nhu cầu đi lại của công dân ra vào tỉnh, thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đang làm việc tại đơn vị hoặc cư trú, tạm trú trên địa bàn được di chuyển giữa các địa phương khi có nhu cầu cần thiết, phải đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
"Trong trường hợp công dân cần giấy xác nhận của cơ quan chính quyền để thuận tiện qua lại các địa phương khác, yêu cầu thủ trưởng đơn vị và chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất có thể", văn bản nêu.
UBND tỉnh An Giang cũng lưu ý những người về từ các địa phương, khu vực có dịch vừa hết giãn cách, nhất là các tỉnh, thành phố có số ca mắc COVID-19 cao (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…) phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ, thực hiện xét nghiệm, tổ chức cách ly phù hợp (cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà), theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện thống kê số lượng người về từ các địa phương, khu vực có dịch COVID-19 kể từ ngày 7-10 đến nay.
Công văn này thay thế công văn số 1154 của UBND tỉnh quy định tạm thời về quản lý người dân đi, đến các tỉnh, thành đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Mẫu giấy xác nhận của một người dân xin ra khỏi tỉnh được chính quyền TP Long Xuyên cấp cho người dân
Trước đó, Tuổi Trẻ Online đã phản ánh văn bản 1154 yêu cầu người dân ra khỏi tỉnh An Giang phải đảm bảo cam kết và có đơn đăng ký di chuyển (có thể đánh máy hoặc viết tay) gửi cơ quan có thẩm quyền.
Trong đơn nêu rõ là người điều trị khỏi bệnh COVID-19 dưới 180 ngày (có giấy chứng nhận xuất viện sau điều trị) hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã tiêm 1 mũi ít nhất 14 ngày (có giấy xác nhận tiêm chủng) hoặc chưa tiêm, có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng thể có giá trị trong 24 giờ hoặc xét nghiệm RT-PCR có giá trị trong vòng 72 giờ (kể từ thời điểm lấy mẫu).
Văn bản này được cho là "đẻ giấy phép con" và trái với nghị định 128 của Chính phủ, đã gây bức xúc dư luận vài ngày qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận