Phóng to |
Quản lý thị trường TP.HCM bắt giữ một vụ gas giả tại quận 2, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Mới đây khi hết gas, bà Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) gọi điện theo số điện thoại in trên bình gas. Khi nhân viên mang gas tới, bà nhận thấy bình gas mình kêu là loại bình vàng 12kg của Gia Đình gas nhưng nhân viên mang bình gas thương hiệu khác đến. Bà Thanh tỏ ý không hài lòng nhưng nhân viên này cho biết: “Gas nào mà chẳng giống gas nào cô ơi!”.
Sau khi tính tiền, cậu nhân viên không quên bóc thông tin số điện thoại trước đó dán đè lên vỏ bình. Dùng chưa đầy một tuần, bình gas hết nhẵn nhưng bà không biết tìm ai vì không còn số điện thoại của nơi mua gas.
“Một bình gas gia đình tôi dùng hơn một tháng mới hết, như vậy chúng tôi đã bị móc túi gần 300.000 đồng mà không biết kêu ai!” - bà Thanh bức xúc.
Với những trường hợp người tiêu dùng cẩn thận cân lại bình gas, nhiều đại lý vẫn tìm cách qua mặt người tiêu dùng. Chẳng hạn, bình gas loại 12kg bao gồm trọng lượng vỏ bình gas là 13kg cộng với khí gas 12kg, khi đó tổng trọng lượng bình gas là 25kg. Mặc dù công bố là vậy, song một số đại lý đã qua mặt người tiêu dùng bằng ghi khống trọng lượng vỏ bình gas. Bởi thực chất nhiều loại vỏ bình gas trọng lượng lên đến 14kg, khi đó đương nhiên người tiêu dùng bị móc túi 1kg gas mỗi bình.
Theo các chuyên gia, hầu hết bình gas sản xuất trọng lượng đúng với thông số, nhưng một số đại lý hàn thêm lượng sắt dưới đáy bình để móc túi người tiêu dùng.
Với giá gas như hiện nay, việc mỗi bình gas thiếu 1-2kg người tiêu dùng đã bị móc túi 40.000-80.000 đồng mà không hề hay biết. Thực tế hiện rất ít cửa hàng hoặc đại lý bán gas mang theo cân khi giao gas cho người tiêu dùng.
Theo một chủ cửa hàng gas tại Thủ Đức, khi lấy gas từ các tổng đại lý họ không cân lại ngay vì bản thân cửa hàng cũng tin tưởng vào tổng đại lý, tổng đại lý tin tưởng vào công ty. “Trong khi người tiêu dùng không yêu cầu cân lại bình gas thì chúng tôi cũng không cần cân làm gì!” - ông này cho hay.
Ông Lê Phúc Đại, giám đốc Công ty Vinagas, cho biết để kiểm soát trọng lượng và chất lượng gas của đơn vị mình, các công ty đều có vỏ bình riêng cùng các loại niêm màng co đặc trưng, tem chống hàng giả. Tuy nhiên hiện nay các đơn vị sang chiết lậu đều trang bị đầy đủ các loại niêm màng co, tem chống hàng giả để đánh lừa người tiêu dùng.
Các chuyên gia trong ngành gas cũng như bản thân các hãng gas cũng thừa nhận một thực tế thị trường gas đang rất hỗn loạn. Việc mua bán gas hiện nay được các hãng gas thực hiện mua đứt bán đoạn, nghĩa là “bàn tay” kiểm soát các hãng gas chỉ “với tới” tổng đại lý, còn các đại lý, cửa hàng bán lẻ thì... quá xa. Việc không quản lý đến các đại lý cũng là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt hệ lụy: giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng khó kiểm soát, sang chiết gas lậu... Nguy hiểm hơn, việc này khiến các doanh nghiệp không thể kiểm soát được bình gas của đơn vị mình.
Buông lỏng quản lý Theo quy định hiện hành, để mở một đại lý kinh doanh gas, cơ sở phải đáp ứng hàng loạt điều kiện về giấy phép kinh doanh, kho chứa, điều kiện an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, nhân viên được huấn luyện nghiệp vụ về gas... Tuy nhiên, mới đây khi quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra 12 đại lý gas thì có đến 10 đại lý vi phạm các lỗi về giấy phép hoạt động, buôn bán không có hóa đơn, thiếu nghiệp vụ... Khảo sát tại một số đại lý kinh doanh gas ở P.Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức treo biển là đại lý kinh doanh gas của Hãng gas Saigon Petro, nhưng khi rà soát lại danh sách đại lý của Saigon Petro cũng như tại Sở Công thương hoàn toàn không có tên các đại lý này. Hiện nay hầu như không có hãng gas công bố danh sách đầy đủ và cập nhật các đại lý phân phối gas cho hãng để người tiêu dùng tiện theo dõi. Việc này một mặt đánh đố người tiêu dùng, mặt khác tạo điều kiện cho tình trạng gas lừa tiếp diễn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận