16/04/2012 08:38 GMT+7

Ăn gà lậu thời cúm gia cầm

DÃ QUỲ
DÃ QUỲ

TTC - Người dân cả nước đang lo lắng bởi cúm gia cầm h5r1 hay còn gọi là hát năm rờ một vì “nó không chừa mình ra”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay đã có 4 người mắc cúm gia cầm, trong đó 2 người đã “đi bán muối”! Dịch cúm gia cầm đang lan rộng trong cả nước khiến cho ngành y tế phải lao đao. Thế nhưng, đối với bợm nhậu và dân buôn bán gà, vịt... thì bán cứ bán, ăn cứ ăn.

“Gà em là gà thả vườn”

Dạo xe một vòng qua các điểm bán gà, vịt như cầu Tham Lương (quận Tân Phú), cầu Thạnh Lộc (quận 12) và khu chợ chồm hổm trên đường Phạm Văn Bạch (quận Gò Vấp), chúng tôi được người bán tiếp thị: “Gà em là gà thả vườn “chăm phần chăm”, đã qua kiểm dịch rồi mới mang ra bán”, hoặc “Gà em thuộc loại siêu sạch, nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế. Đã được tiêm ngừa cúm và có giấy phép của thú y hẳn hoi, mua về ăn mà bị bệnh, ra đây em đền cho con khác”. Thế nhưng khi hỏi: “giấy kiểm dịch đâu?” thì ai cũng ú ớ đáp bừa: “Bỏ ở nhà...”.

Làm bộ nhà sắp đãi tiệc, tôi hỏi mua gà số lượng lớn; một gã bán gà đứng ở lưng chừng cầu Tham Lương tự tin nói chắc nịch: “Anh cần bao nhiêu em cũng có, từ vài chục con cho đến vài tạ. Anh đặt cọc tiền và cho em địa chỉ nhà là chiều em chở đến cho anh ngay”.

“Gà thải bên Tàu qua hay sao mà có lắm thế?” - tôi hỏi dò. Nghe vậy, gã phản ứng ngay: “Gà Tàu có cho em em cũng không lấy chứ đừng nói là mang đi bán. Nhà em có hai thằng cu, em phải để đức cho con em chứ đâu làm ăn thất đức như thế. Bảo đảm với anh, gà em là gà thả vườn chính hiệu, nếu cần, em giao gà cho anh có giấy xác nhận của thú y thì mới lấy tiền, còn không có giấy xác nhận, em biếu không cho anh”.

Nói xong thấy tôi không nói gì, gã “quăng bom” tiếp: “Nhà em nuôi gà theo tiêu chuẩn quốc tế, được người tiêu dùng bình chọn là gà “siêu sạch”. Mỗi ngày em bán ra vài tạ gà cho các quán ăn, quán nhậu, nhà hàng, còn bán lẻ thế này là em làm cho vui thôi, chứ đứng đường thế này toàn bán cho người mua lẻ, lời chẳng là bao”.

Tôi lấy lý do để đi hỏi giá thêm vài chỗ nữa trước khi quyết định mua, gã sợ mất mối liền nói thêm: “Em giảm giá cho anh 5.000đ một con, bao làm thịt luôn”.

Vòng xe về điểm bán gà kiêm luôn “lò giết mổ” tại chỗ trên đường Phạm Văn Bạch, tôi thấy hai thanh niên ở trần đang nhúng những con gà vừa bị cắt tiết vào nồi nước sôi đen thui như nước kênh Nhiêu Lộc để làm gà cho khách. thấy tôi, một gã hỏi: “Mua mấy con vậy anh? Chọn đi, em làm thịt luôn cho, gà này bảo đảm mang về nhậu là an toàn”.

“Dịch đang lan rộng, nhậu gà để mà toi à?” - tôi đáp. Nghe thế, gã liền sửng cồ: “Toi là toi thế nào, không mua thì thôi đừng có nói vớ vẩn! Một ngày tôi bán vài trăm con gà mà có thấy ai chết đâu?”. Mà nghĩ cũng đúng thật, người ghé vào mua tấp nập, đâu thấy ai chết hay có biểu hiện nhiễm cúm, bởi nhìn ai cũng cười nói hơ hớ.

Hãi hùng gà lậu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn số lượng gà, vịt được bày bán trên lề đường, thành cầu hay nhốt trong bội chất trên xe là gà lậu, hay còn gọi là gà thải có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập lậu về Lạng Sơn rồi các đầu nậu mới “chẻ hàng” ra phân phối vào thị trường miền Nam. Có đầu nậu ranh ma hơn thì cho trung chuyển về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mang thả vào vườn nuôi vài bữa, sau đó mới kêu mối vào bán. Như vậy là bỗng nhiên gà lậu thành gà thả vườn chính cống.

Trong vai một con buôn gà lậu, tôi được diện kiến Trần L. một đầu nậu buôn gà xuyên Việt - cho biết: “Gà thả vườn đâu ra mà lắm thế, cứ mười con là hết chục con gà thải rồi, chẳng qua người bán muốn bán được hàng thì phải nói láo là gà thả vườn cho người mua yên tâm thôi”.

Nói xong, hắn bảo tôi theo hắn ra điểm tập kết gà. Nhìn vào đàn gà có hơn ngàn con đang nằm vật vạ, hắn tiếp: “Đợt gà này tôi mới nhập về đêm qua nên còn yếu, để dưỡng vài hôm cho khỏe rồi ông tới lấy. Chỗ anh em buôn bán với nhau, tôi thích nói thẳng nói thật, được thì anh em làm ăn với nhau, không thì thôi chẳng việc gì phải giấu giếm”.

Phàm đã là dân làm ăn bất chính, người ta tận dụng bất cứ mánh gì biết được, miễn sao có lời. từ chuyện độn sỏi vào thức ăn của gà, cho đến việc tiêm nước hóa chất cho gà mập lên.

Chứng kiến “công nghệ” tăng trọng gà tại “lò” của B. tôi thật sự rùng mình, bởi nhìn những con gà bị các “chuyên gia” tăng trọng banh miệng ra nhét ống nhựa bằng ngón tay cái có một đầu phía trên là chiếc quặn hay cái chai cắt làm đôi, rồi kẻ giữ gà, người xúc thức ăn có trộn sỏi đổ vào khiến con gà giãy giụa như bị cắt tiết thật là kinh khủng! “Phải làm như vậy để bù hao hụt trên đường vận chuyển, hoặc phải để qua vài hôm không bán được xuống ký...” - B. giải thích như thế. “Nhìn dã man quá!” - tôi nói. “Dã man gì. trước sau nó cũng bị làm thịt thôi, đằng nào mà chẳng chết, thà dã man còn hơn không có lời!” - B. đáp giọng tỉnh bơ như thể đó là việc không làm không được.

Theo lời B. thì làm như vậy vẫn còn nhân đạo, bởi có nơi người ta còn cho gà sắp chết uống thuốc kích thích để trông có vẻ mạnh khỏe rồi mang ra bán. Còn con nào đã uống thuốc vẫn không “qua khỏi” thì làm thịt đưa ra bỏ mối cho các quán cơm gà xối mỡ hoặc quán gà nướng lu.

“Khách hàng thu mua loại gà chết của tôi nhiều lắm, cứ mỗi đợt nhập gà về là tôi bán ra vài tạ gà chết. Vì mua gà chết họ đỡ mất công làm thịt, mà giá thành lại rẻ hơn gà sống.” - B. cho biết thêm.

Nghe B. nói tôi rợn cả người! thế mới biết ăn gà lậu thời cúm gia cầm, ngoài chuyện có thể mắc dịch cúm ra, người ta còn bị ăn cả gà chết, gà bị tiêm hóa chất.

GtJA1CCc.jpgPhóng to
Tuổi Trẻ Cười số 449 ra ngày 01/04/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

DÃ QUỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên