Thủ đô Delhi (Ấn Độ) đang trầy trật đối mặt với 44.000 ca nhiễm Covid-19 và đang phải gồng mình chuẩn bị cho con số 450.000 ca nhiễm trong vòng 45 ngày tới. Theo dự báo, số ca nhiễm Covid-19 tại Delhi sẽ tăng cao vào cuối tháng 7. Do đó chính quyền thành phố đang lên kế hoạch xây dựng bệnh viện cách ly lớn nhất thế giới, theo thông báo ngày 16-6.
Khu cách ly này sẽ xây dựng gần tiểu bang Haryana vùng bắc Ấn, với 10.000 giường tái chế làm từ các-tông. Theo các bác sĩ Ấn, virus không thể tồn tại trên bề mặt các-tông quá 24 giờ.
Chỉ trong ít ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 tại Delhi đã tăng từ 10.000 lên 44.000 người, đồng thời chỉ ra sự thiếu thốn giường bệnh của thành phố, cũng như sự yếu kém trong khâu chuẩn bị về y tế.
Thứ trưởng Delhi, Manish Sisodia, dự báo thủ đô Ấn Độ sẽ phải đối mặt với hơn 500.000 ca nhiễm vào cuối tháng 7. Trong một cuộc họp, chính quyền Delhi được thông báo rằng, cứ 100 giường bệnh thì thành phố phải cần thêm 400 giường đặt tại bệnh viện, sảnh khánh tiết, hay khu an dưỡng thuộc các công trình tôn giáo dành cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.
Hiện tại, số giường bệnh tại Delhi chỉ có thể chứa gần 6.000 bệnh nhân. Còn cơ sở vật chất bên ngoài đã trang bị oxy và giường và chỉ có thể chứa thêm 344 người.
Trong tháng 5, chính quyền Delhi đã yêu cầu 117 bệnh viện tư dành riêng 20% giường để cách ly riêng bệnh nhân covid-19. Dù vậy, bệnh viện tư ở Ấn cũng bị chỉ trích vì giá cả trên trời dành cho những người ít có khả năng chi trả nhất.
“Cơ sở cách ly lớn nhất thế giới sẽ được xem như bệnh viện cho bệnh nhân có triệu chứng khi mắc Covid-19 và dự kiến sẽ mở cửa vào tuần đầu tháng 7,” phát ngôn viên tại Trung tâm tín ngưỡng Radha Soami, nơi cơ sở cách ly được xây dựng, cho biết.
Cơ sở 10.000 giường sẽ vận hành như 200 bệnh viện mini sức chứa 500 giường/bệnh viện với 400 bác sĩ làm việc theo ca.
Tại Mumbai, thành phố chịu thiệt hại nặng nề nhất của Ấn Độ cũng vừa mở một bệnh viện dã chiến 1.000 giường chỉ dành riêng cho bệnh nhân Covid-19.
Chính quyền Ấn Độ đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn Covid-19, điển hình là chính sách phong tỏa, cách ly thuộc hàng khắt khe nhất thế giới. Bộ đường sắt Ấn Độ cũng cung cấp 20.000 khoang tàu để làm giường cách ly cho bệnh nhân, dù vẫn chưa hoàn toàn hiệu quả như dự kiến. Các trung tâm triển lãm, biểu diễn, sân vận động tại Mumbai cũng biến thành các bệnh viện dã chiến để chống dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận