30/01/2015 08:14 GMT+7

Ấn Độ và chính sách “Hành động ở phương Đông”

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Chuyến viếng thăm Ấn Độ của Tổng thống Barack Obama có thể được xem là dịp để chính sách “tái cân bằng tại châu Á” của Mỹ giao nhau với chính sách “Hành động ở phương Đông” của Ấn Độ.

Cả hai lãnh đạo Mỹ và Ấn đều dành cho nhau những lời tốt đẹp trong chuyến thăm của ông Obama vừa kết thúc hôm 27-1. Trong ảnh: vợ chồng Tổng thống Obama cùng Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee (thứ hai từ trái sang) và Thủ tướng Narendra Modi tại New Delhi - Ảnh: Reuters

Nhà báo Ellen Barryjan của tờ New York Times phản ánh việc giao nhau của hai chính sách trên qua chi tiết: “45 phút đầu tiên cuộc đối thoại “tay đôi” giữa ông Obama với thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi là một cuộc thảo luận sôi nổi về Trung Quốc, kết quả là hai nước cùng công bố tuyên bố chung về tầm nhìn chiến lược cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.

Trong bản “Tầm nhìn” này, hai lãnh đạo cùng nhấn mạnh: “Sự thịnh vượng trong khu vực phụ thuộc vào an ninh. Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không suốt khu vực, đặc biệt ở biển Đông”.

Thông cáo chung Mỹ - Ấn cũng nêu rõ: “Nhận thức được vai trò quan trọng mà cả hai nước đang đóng trong việc thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng, ổn định và an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, và lưu ý “Chính sách Hành động ở phương Đông của Ấn Độ và chính sách tái cân bằng tại châu Á của Mỹ tạo cơ hội cho Ấn Độ, Mỹ và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác cộng tác chặt chẽ nhằm tăng cường các quan hệ trong khu vực”.

Ý sau cùng này cho thấy hiện đang có những nỗ lực phối hợp hành động đa diện trong khu vực mà từ mấy năm qua, địa chính trị học gọi là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (nguồn: The National Interest, ngày 10-10-2013).

Đồng quy với hai chính sách của Ấn Độ và Mỹ còn có chính sách “Kim cương an ninh châu Á” (Asian security diamond) của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Trong thực tế, đây là “tập 2” của kế hoạch “Sự hợp lưu của hai biển cả” mà Thủ tướng Abe từng nêu ra từ tháng 6-2007 trước Quốc hội Ấn Độ.

Trong kế hoạch đó, ông Abe nhấn mạnh an ninh và an toàn ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là không thể tách rời, Nhật Bản với Ấn Độ nên khởi xướng cùng phối hợp với các nước khác đảm bảo an ninh hàng hải cho điều nay đang được gọi là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (nguồn: SAAG.org).

Cũng thế, Ấn Độ có dư lý do để quan ngại tận biển Đông nói riêng và Thái Bình Dương nói chung. Tháng 7-2011, một tàu hải quân Ấn, chiếc INS Airavat, vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam và ra đến hải phận quốc tế thì bị một tàu Trung Quốc đòi “xét giấy” (nguồn: Pakistan Defence, 1-9-2011)!

Đến tháng 6 năm sau, bốn chiến hạm Ấn, dẫn đầu là chiếc INS Shivalik, vừa rời Philippines trực chỉ Hàn Quốc thì được một tàu chiến Trung Quốc “hộ tống” suốt 12 tiếng, cứ như thể cả biển Đông nay đã biến thành biển Nam Hải (nguồn The Hindu, 14-6-2012)!

Không dừng ở biển Đông, Thủ tướng Ấn Modi còn xuôi nam xuống đến Úc vào hạ tuần tháng 11-2014, và kết quả là “Văn kiện khung hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và Úc” gồm 32 điểm khả thi, bắt đầu là cuộc diễn tập hải quân chống cướp biển ngay từ năm 2015 này, như là một sự khởi động cho tất cả (The ASEAN Forum, tháng 11 và 12-2014).

“Đã đến lúc chuyển từ chính sách “Hướng Đông” sang chính sách “Hành động ở phương Đông”. Giờ là làm chứ không chỉ ngó nữa” - nữ Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj chỉ thị tại hội nghị các trưởng nhiệm sở ngoại giao Ấn trong khu vực tổ chức ở Hà Nội hôm 23-8-2014 (nguồn: Press Trust of India 25-8-2014)!

Địa điểm họp hội nghị đại sứ Ấn để phát động chính sách mới tất nhiên hàm ý một sự chọn lọc ý nghĩa. Sau đó, cũng tại Hà Nội đã diễn ra bàn tròn lần thứ ba Mạng lưới nghiên cứu ASEAN - Ấn Độ...

Tất cả đã diễn ra bất chấp cái gọi là lời cảnh cáo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi: “Ấn Độ không nên dính vào do lẽ Ấn Độ không là một bên tranh chấp...”, (nguồn: The Times of India 28-10-2014).

Tờ báo này hôm sau chạy tít: “Ấn Độ phớt lờ cái búa rìu của Trung Quốc, đề xuất tăng cường quốc phòng cho Việt Nam”. Những đề xuất này đang được cụ thể hóa bằng một số tàu tuần tiễu bán cho Việt Nam. Đó cũng là một bước “Hành động ở phương Đông” của người Ấn.

Tờ India Times ngày 27-1 nhận xét nay là lúc Ấn Độ không cảm thấy bị trói tay khi hậu thuẫn việc tái cân bằng châu Á của Mỹ. Có thể thấy chính quyền ông Modi đang nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trong khu vực.

Tờ The Economic Times ngày 29-1 đưa tin vào chủ nhật tới (1-2), Ngoại trưởng Sushma Swaraj sẽ có mặt ở Bắc Kinh để tìm kiếm các đường hướng hợp tác song phương và đa phương, “đúng một tuần sau tuyên bố chung Mỹ - Ấn về an toàn tự do hàng hải và giữ ổn định cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương", tờ báo nhấn mạnh.

 

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên