TTCT - Ấn Độ, cùng với Indonesia, đã từng giương cao ngọn cờ của "phong trào phi liên kết" (NAM). Thế nhưng, chục năm gần đây, New Delhi đang chuyển mình qua đa liên kết. Nếu đã từng chứng kiến một giai đoạn phi liên kết rất đặc biệt của Ấn Độ, tạm lấy năm 1955 làm mốc khởi đầu, với chuyến thăm Liên Xô của Thủ tướng Jawaharlal Nehru vào tháng 6 và chuyến thăm đáp lễ của Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev vào tháng 11 cùng năm.Ảnh: NewsweekĐến năm 1962, khi giữa Ấn Độ và Trung Quốc nổ ra cuộc chiến tranh biên giới 1 tháng 1 ngày vào tháng 10 và tháng 11, với ưu thế thuộc về phía Trung Quốc, thì sẽ thấy việc Nga ngay tháng 3-1963 đã cung cấp cho Ấn Độ lô máy bay chiến đấu Mig-21 đầu tiên, rồi sau đó cho Công ty HAL của Ấn Độ nhượng quyền sản xuất (tổng cộng đến 657 chiếc) là thể hiện một mối quan hệ gần như đồng minh.Trong cái nhìn truyền thống đó, câu chuyện về việc đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tuần này vịn cớ "bận việc" không qua Ấn Độ dự Thượng đỉnh G20 New Dehli là biểu hiện của một thời đại khác, và một chính sách đối ngoại khác từ cường quốc Nam Á.Không chỉ ông Putin bậnChiều thứ hai 4-9, tờ First Post của Ấn Độ đặt câu hỏi: "Thượng đỉnh G20: Sự vắng mặt của các ông Tập (Cận Bình) và Putin có ý nghĩa gì với Ấn Độ?". Một câu hỏi tóm tắt các quan hệ hết sức đa cực của quốc gia 1,4 tỉ dân, xếp thứ nhì thế giới, GDP xếp thứ năm, với các ông lớn trên trường quốc tế hiện nay. Phải nói là thế giới hiện đang chuyển động rất nhanh, rất khác trước, tình thế hầu như "không nhúc nhích" một thời gian dài do những chọn lựa gắn bó và trói buộc nay đang tan rã.Những "tích sản" về vị thế, sức nặng kinh tế hay an ninh quốc gia, thậm chí y tế công cộng..., có thể bỗng chốc tăng hay giảm, dẫn đến những thay đổi tương ứng. Có thể nói không quá lời rằng vào lúc này không hẳn 20 nước khách mời của Thượng đỉnh G20 New Dehli đều đồng điệu với khẩu hiệu "Một Trái đất, một gia đình, một tương lai" mà nước chủ nhà Ấn Độ đã đề ra.Bằng cớ là chuyện ông Tập Cận Bình không tới dự, tờ The Economic Times (Ấn Độ) 4-9 giải thích: "Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về tính bền vững trước nguy cơ nợ công và củng cố các ngân hàng phát triển đa phương sẽ cần sự hợp tác của Trung Quốc, điều này có thể gặp thách thức do thái độ xa cách của Bắc Kinh đối với G20". Đó là bề sâu, còn bề nổi lúc này là Trung Quốc và Ấn Độ đang hục hặc vì tấm "bản đồ tiêu chuẩn" mới của Bắc Kinh: "Mấy ngày sau khi công bố bản đồ gây tranh cãi thể hiện Arunachal Pradesh và Aksai Chin của Ấn Độ là một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình, Trung Quốc đã biện minh cho hành động này bằng cách nói rằng Ấn Độ nên kiềm chế "diễn giải quá mức" nội vụ" (Wionews 31-8).Còn chuyện ông Putin không tới thì phức tạp hơn. Vào đầu tháng 3, Điện Kremlin tuyên bố "không loại trừ việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20". Mới hôm 10-8, NBC News còn dẫn một nguồn tin từ Điện Kremlin nói ông Putin đang cân nhắc đi New Dehli. Song đến 28-8 thì dứt khoát có tin ông sẽ không đến dự (Reuters). Điều tương tự từng xảy ra năm ngoái nhân Thượng đỉnh G20 Bali (Indonesia). Lần đó nước chủ nhà Indonesia "đã kháng cự áp lực từ phương Tây yêu cầu rút lại lời mời ông Putin và trục xuất Nga khỏi nhóm này vì cuộc chiến ở Ukraine, Indonesia nói họ không có thẩm quyền làm như vậy nếu không có sự đồng thuận giữa các thành viên". Cuối cùng, phía Nga loan tin ông Putin sẽ không đích thân dự. (Reuters 10-10-2022).Năm nay, trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 28-8, ông Putin viện lý do "lịch trình bận rộn" và "trọng tâm chính của ông hiện giờ vẫn là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, nên không thể tham dự" (Wionews). Trước đó, ông Modi đã tỏ rõ không muốn Thượng đỉnh G20 trở thành diễn đàn tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine. Ông coi tổ chức này là một nền tảng "địa kinh tế" và những xung đột như Ukraine nên được giải quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Wionews giải thích khá thẳng thắn: "Việc ông Putin có mặt tại G20 New Delhi sẽ khiến ông, và mở rộng ra là cuộc chiến ở Ukraine, trở thành tâm điểm".Từ các quan hệ "truyền thống"...Thái độ với ông Putin như vậy cho thấy quan hệ Nga - Ấn đã có những thay đổi ra sao. Sukhjit Singh Chohan, trong tiểu luận lấy đề tài báo chí Ấn Độ viết về chuyến thăm năm 1955 của ông Khrushchev năm 1955, đã giải thích ý nghĩa của "hình tượng" Liên Xô ở Ấn Độ trong bối cảnh Chiến tranh lạnh. Giữa thế giới thứ nhất (Hoa Kỳ và các đồng minh) và thế giới thứ nhì (Liên Xô và các đồng minh), nhiều quốc gia không công khai chọn phe, bị xếp vào thế giới thứ ba, gồm những nước Á, Phi vừa giải thực và đang phát triển.Khrushchev tự giới thiệu mình (và mở rộng ra là Liên Xô) là nhà lãnh đạo sẽ bảo vệ chủ quyền của các quốc gia thuộc thế giới thứ ba đó trước mối đe dọa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản phương Tây. Ông kịch liệt lên án chủ nghĩa thực dân châu Âu, coi đó là nguyên nhân gây ra tình trạng nghèo đói lan rộng ở các nước đang phát triển, và cảnh báo dù các quốc gia này đã giành được độc lập trên danh nghĩa, nhưng chủ quyền bị đe dọa bởi sự bóc lột kinh tế khiến họ phải phục tùng phương Tây.Khrushchev đề nghị tình hữu nghị với Liên Xô dưới hình thức viện trợ phát triển cho các quốc gia thuộc thế giới thứ ba như một biện pháp bảo vệ chống lại mối nguy đó. Đó là cơ sở cho mối quan hệ hữu hảo Xô - Ấn mà gần đây, tờ The Economic Times của Ấn Độ đã nhắc lại: "Nga hậu thuẫn Ấn Độ về vấn đề Kashmir là điều có nguồn gốc từ lịch sử".Thế nhưng, Chiến tranh lạnh kết thúc đã lâu, thế giới đã thay đổi rất nhiều. Tiến sĩ Aleya Mousami Sultana của Trường Khoa học chính trị, Đại học CPBU (Tây Bengal, Ấn Độ), trong giáo trình "Các chính sách đối ngoại của Ấn Độ và thế giới đương đại" (2022) giở lại lịch sử đối ngoại Ấn Độ từ thời cha đẻ của chính sách đối ngoại hiện đại là Thủ tướng Nehru. Ông đề ra 5 nguyên tắc chỉ đạo Panchsheel làm kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của Ấn Độ: (1) Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau. (2) Không gây hấn. (3) Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. (4) Bình đẳng và cùng có lợi. (5) Chung sống hòa bình.Những nguyên tắc này sau đó được đưa vào Tuyên bố Bandung, ký kết tại Hội nghị Á - Phi tổ chức năm 1955 ở Indonesia, trở thành những nguyên tắc cốt lõi của phong trào không liên kết (NAM) và vẫn định hướng việc thực hiện chính sách đối ngoại của Ấn Độ tới ngày nay.Cốt lõi của đường lối đó là duy trì sự độc lập trong đối ngoại bằng cách không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào do Mỹ và Liên Xô thành lập. Theo tiến sĩ Sultana, không nên lầm lẫn việc không liên kết với trung lập hoặc không can dự vào các vấn đề quốc tế hoặc chủ nghĩa biệt lập (tự cô lập). Không liên kết là một khái niệm tích cực và năng động, đòi hỏi lập trường độc lập trong các vấn đề quốc tế tùy ý nghĩa của từng trường hợp, nhưng đồng thời không để cho bất kỳ khối quân sự nào chi phối. Vì vậy, việc tránh xa các liên minh quân sự và siêu cường là điều kiện cần cho sự độc lập trong chính sách đối ngoại.Tới lợi ích riêng của quốc giaDo NAM là sản phẩm của nền chính trị Chiến tranh lạnh và thế giới lưỡng cực, phong trào tất nhiên phải có thay đổi khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã. Toàn cầu hóa tất yếu dẫn đến thay đổi trong các ưu tiên của ngay cả những nước chủ chốt theo NAM như Ấn Độ. Họ chuyển sang áp dụng các nguyên tắc kinh tế thị trường tân tự do để hội nhập với trật tự toàn cầu mới.Về đối ngoại, Ấn Độ triển khai một loạt các mối quan hệ song song nhằm tăng cường quan hệ đối tác đa phương và tìm kiếm cách tiếp cận chung giữa các nhóm hướng tới an ninh, công bằng kinh tế và loại bỏ các mối nguy như khủng bố.Tiến sĩ Sultana giải thích là năm 2010, Bộ Ngoại giao Ấn Độ chính thức chủ trương rằng chính sách đối ngoại phải nhắm tới bảo toàn các lợi ích quốc gia. Cụ thể, theo Nivedita Kapoor, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ người Ấn Độ của Trường Kinh tế cao cấp, Đại học Nghiên cứu quốc gia (Nga): "Do cả Mỹ và Trung Quốc đều vượt qua Ấn Độ về năng lực kinh tế, công nghệ và quân sự, các lựa chọn liên kết của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng bởi sức mạnh tổng hợp ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhận thức về mối đe dọa của Ấn Độ dựa trên khoảng cách gần, khả năng tấn công và ý định của các nước lớn cũng thay đổi".Từ đánh giá đó, Ấn Độ đã tăng cường liên kết với Mỹ và các quốc gia cùng quan điểm khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tác giả Kapoor nhìn diễn biến này theo hai hướng mà chung cuộc không loại trừ nhau: "Dù Mỹ không còn là cường quốc bá chủ, nhưng vẫn là quốc gia mạnh nhất có khả năng cân bằng Trung Quốc với các đồng minh và đối tác.Việc thiếu sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á có thể khiến các cường quốc tầm trung trong khu vực nhượng bộ Trung Quốc trong các vấn đề cụ thể, dẫn đến thay đổi không mong muốn trong cán cân quyền lực với Ấn Độ. Kết quả là Ấn Độ đã phát triển lợi ích chung với Hoa Kỳ... Mặc dù Ấn Độ có thể không đồng ý với Hoa Kỳ về nhiều vấn đề và không tham gia một liên minh, nhưng nước này không thể bỏ qua tầm quan trọng chiến lược của việc liên kết với Hoa Kỳ. Điều này khiến phương Tây trở thành đối tác cần thiết của Ấn Độ".Tất nhiên, phía Ấn Độ vẫn đang có những tự hạn chế, bởi nếu liên minh chính thức với Mỹ vẫn là điều cấm kỵ, thì câu hỏi then chốt sẽ là: Điều gì định hướng mức độ và hạn chế của những kỳ vọng chung giữa hai nước? Dù hẳn có tồn tại đồng thuận chiến lược giữa Ấn Độ và Mỹ trong vấn đề đối phó với Trung Quốc, nhưng New Delhi sẽ không muốn những quyết định quan trọng liên quan tới họ được đưa ra ở một thủ đô nước ngoài.Thành ra, Ấn Độ cứ tự tin "quan hệ chiến lược toàn diện" với Mỹ, hay với các nước "cùng chí hướng" trong khung an ninh chung, phi chính thức, là QUAD. Có thể ví chính sách đa cực của Ấn Độ với khẩu hiệu của tác giả quyển từ điển Larousse: "Tôi gieo với mọi ngọn gió".■ Ấn Độ đã chủ động tham gia nhiều diễn đàn thể hiện cách tiếp cận đa liên kết:- Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam (INSTC) đa phương thức dài 7.200km kết hợp các tuyến đường bộ, đường sắt và hàng hải, nối Saint Petersburg (Nga) với Mumbai. Sau khi đi vào hoạt động đầy đủ, INSTC dự kiến sẽ giảm 30% chi phí vận chuyển và 40% thời gian hành trình so với tuyến biển nước sâu qua kênh đào Suez.- Hành lang giao thông Bắc - Nam quốc tế tạo nền tảng để Ấn Độ hợp tác với Nga, Iran và các nước Cộng hòa Trung Á nhằm thúc đẩy Khu vực thương mại tự do Á - Âu.- BRICS: Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, tìm kiếm hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh.- Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc đồng sáng lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB), sáng kiến đa phương được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới.- Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - tổ chức chính trị, kinh tế và quân sự Á - Âu nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, mà các thành viên gồm: Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan.- Đối thoại an ninh tứ giác (QUAD): đối thoại chiến lược không chính thức giữa Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc với mục tiêu chung là đảm bảo và hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do, cởi mở và thịnh vượng".Có thể thấy Ấn Độ đã ngồi xuống với rất nhiều đối tác, thậm chí là những đối tác đang hục hặc với nhau. Tags: Bộ Ngoại giao Ấn ĐộNgười Ấn ĐộChính sách đối ngoạiAn ninh quốc giaMối quan hệMỹHoa kỳNhà lãnh đạoTổng thống Nga Vladimir PutinNga Vladimir PutinTập Cận BÌnhLiên HIệp QuốcChiến tranh LạnhThế giới thứ baChiến tranh Biên giớiẤn Độ DươngHợp tác Thượng HảiThái Bình DươngThái Bình Dương
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.