TTCT - Chuyến đi cấp tập của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony J. Blinken tới hàng loạt nước châu Á vào thời điểm nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden sắp kết thúc gửi đi nhiều thông điệp quan trọng. Ông Blinken (phải) và ông Vương Nghị. Ảnh: Al Jazeera Ông Blinken đã kết thúc vòng công du Ấn Độ - Thái Bình Dương thứ 18 của mình bằng cuộc trò chuyện với đại sứ lưu động Singapore, bà Trần Khánh Châu, tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) chiều 31-7. Trong đó, ông điểm lại những tiến triển đạt được với các đồng minh và đối tác để thúc đẩy an ninh và thịnh vượng trong khuôn khổ sáng kiến Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) của chính quyền Biden.IPEF, được ông Biden đưa ra vào tháng 5-2022, là nhằm "sửa chữa" quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump. Ông Blinken có mặt ở Singapore chỉ hai tháng sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tới quốc đảo giàu nhất Đông Nam Á để chứng kiến ký kết biên bản ghi nhớ song phương về hợp tác phát triển năng lực chống máy bay không người lái và công nghệ tăng cường an ninh hàng hải.Những chuyển động ở Đông Nam ÁTrước đó, ông Blinken khởi động vòng công du bằng việc tham dự Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Hoa Kỳ thường niên, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao cấp cao Đông Á lần thứ 14 và Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 31. Trong phát biểu tại Hội nghị Bộ truởng ngoại giao ASEAN, ông tự nêu thành tích: "Mấy năm qua, Hoa Kỳ và ASEAN đã bắt tay vào làm sâu sắc và mở rộng đáng kể mối quan hệ của hai bên, nâng cấp mối quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện... tiếp thêm sinh lực cho nỗ lực lâu dài trong các vấn đề đối ngoại, kinh tế và quốc phòng".Đúng như lời ông Blinken, quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN chỉ khởi sắc trở lại từ "mấy năm qua". Chính quyền Hoa Kỳ thời Trump khá thụ động với Đông Nam Á và ASEAN. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump bỏ lỡ ba hội nghị toàn thể khối Đông Á và chỉ tham dự một trong ba hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN.Sang đến nhiệm kỳ Biden, quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN mới có sinh khí trở lại, bắt đầu bằng việc tháng 8-2021, Phó tổng thống Kamala Harris thăm Singapore và Việt Nam, nơi bà khai trương văn phòng khu vực của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ. Kế sau đó là những chuyến thăm viếng lẫn nhau dồn dập, với nhiều lần ông Biden hoặc bà Harris hiện diện tại Đông Nam Á, hoặc các lãnh đạo Đông Nam Á tới Nhà Trắng.Trở lại với cuộc họp cấp bộ trưởng với ASEAN tại Vientiane, ông Blinken đã gặp người đồng cấp Lào Saleumxay Kommasith và nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ với vai trò trung tâm của ASEAN và tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, kết nối, thịnh vượng, an ninh và kiên cường.Trong cả hai thượng đỉnh ASEAN 2023 ở Campuchia và 2024 ở Lào, ông Blinken đều gặp riêng lãnh đạo cao nhất lĩnh vực ngoại giao của Trung Quốc Vương Nghị. Hình tượng mà nói, các cuộc gặp tay đôi này phản ánh sự cạnh tranh giữa hai siêu cường hiện tại.Trong những diễn biến trước hội nghị, Lào và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác quân sự thông qua cuộc diễn tập "Lá chắn hữu nghị 2024" vừa diễn ra từ ngày 5 đến 18-7. Hôm27-7, Lào vừa tổ chức diễn đàn "Cải cách của Trung Quốc trong thời đại mới với những cơ hội của thế giới" nhằm trao đổi bài học, kinh nghiệm giữa Trung Quốc và Lào.Diễn đàn tìm hiểu cơ hội và thách thức trong phát triển ở Lào, cũng như nghiên cứu nội dung Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 (Tạp chí Lào - Việt 25-7). Cũng nhân dịp Thượng đỉnh ASEAN, ông Kommasith và ông Vương Nghị đã gặp nhau hôm 25-7 để thảo luận về kế hoạch tổng thể xây dựng "một chương mới trong quan hệ đối tác chiến lược Lào - Trung Quốc giai đoạn 2024-2028", tập trung vào phát triển đường sắt và hành lang kinh tế giữa hai nước, trong bối cảnh lạm phát của Lào tăng ở mức 26,1% tháng 7-2024, theo báo cáo của Trung tâm Thống kê quốc gia Lào.Còn tại Campuchia, hai tàu chiến của Trung Quốc đã ở lại căn cứ hải quân Ream nhìn ra vịnh Thái Lan hơn bốn tháng. Dù Chính phủ Campuchia khẳng định đây không phải là sự hiện diện có tính lâu dài, có dấu hiệu cho thấy Campuchia có thể ít ra đã cho phép quân đội Trung Quốc độc quyền ra vào căn cứ này, theo Sáng kiến Minh bạch hàng hải.Thỏa thuận lịch sửTại Nhật Bản, hôm 28-7 ông Blinken và ông Austin đã gặp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng chủ nhà trong khuôn khổ đối thoại 2+2 Hoa Kỳ - Nhật. Trong cuộc họp báo sau đó, trả lời câu hỏi của tờ Yomiuri về việc Trung Quốc tiếp tục mở rộng quân sự nhanh chóng ở khu vực xung quanh Nhật Bản, bao gồm cả hạt nhân, và có những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng, như tập trận quân sự quanh Đài Loan hay hành động nhắm vào Philippines ở Biển Đông và thực tế Nga đang xích lại gần Bắc Triều Tiên, ông Blinken loan báo "thỏa thuận lịch sử" nâng cấp các cấu trúc chỉ huy và kiểm soát Hoa Kỳ - Nhật để bao gồm Bộ Tư lệnh lực lượng liên hợp mới.Ông cũng nói Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ khởi động việc đồng sản xuất tên lửa tiên tiến, tận dụng năng lực sản xuất của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ; tăng cường tập trận giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa thời gian thực. Ông giải thích các nỗ lực này là kết quả của sự chuyển đổi chính sách của Tokyo vài năm qua, từ chiến lược quốc phòng mới đến mục tiêu nâng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% ngân sách. Cũng tại Tokyo, ông Blinken đã họp với những người đồng cấp Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, tức nhóm Bộ tứ.Sau đó khi sang Philippines, hai ông Blinken và Austin cũng có cuộc gặp 2+2 tương tự ở Nhật.Còn ở Mông Cổ, ông Blinken tái khẳng định tầm quan trọng của Quan hệ đối tác chiến lược Hoa Kỳ - Mông Cổ và nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ với tư cách "láng giềng thứ ba" của Mông Cổ. Cần nói rõ, khái niệm "láng giềng thứ ba" này do chính Mông Cổ đưa ra và là nền tảng cho chính sách đối ngoại của nước này từ hơn chục năm qua.Năm 2013, đại sứ Mông Cổ tại Hàn Quốc, Baasanjav Ganbold, đã có bài phát biểu "Chính sách đối ngoại láng giềng thứ ba của Mông Cổ: Khái niệm và sự phát triển". Theo đó, thuật ngữ này lần đầu được cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker đề cập ở cuộc họp với các nhà lãnh đạo Mông Cổ trong chuyến thăm vào tháng 8-1990. Ông Baker nói Hoa Kỳ đóng vai trò "láng giềng thứ ba" nhằm động viên Mông Cổ "hướng tới nền dân chủ". Khái niệm láng giềng thứ ba đã được các nhà hoạch định chính sách của Mông Cổ tiếp thu và cuối cùng được thể chế hóa trong chính sách đối ngoại và luật pháp của nước này.Chuyến đi con thoi của ông Blinken có thể coi là những động thái cuối cùng của chính phủ Biden với khu vực, mang tính kế thừa chính sách "xoay trục" của cựu tổng thống Barack Obama. Chỉ có điều, xu hướng này của Nhà Trắng không được nhất quán bằng tầm nhìn "vững bền" của Bắc Kinh hay Matxcơva. Đó là chưa nói ưu tiên của Hoa Kỳ hiện giờ vẫn là Trung Đông và châu Âu.■ Tags: Đông nam ÁBộ trưởng ngoại giaoĐảng Cộng sản Trung QuốcAntony BlinkenVương Nghị
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.