TTCT - Hôm 17-6, Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay mới nhất, tiên tiến nhất, và tự đóng hoàn toàn đầu tiên mang tên Phúc Kiến. Hơn một tháng sau, hôm 28-7, hải quân Ấn Độ nhận bàn giao tàu sân bay cũng tự đóng Vikrant. Chiếc Phúc Kiến trong lễ hạ thủy. Ảnh: The Defense PostTrong khi báo chí Mỹ, như CNN hay New York Post, Nhật, như Nikkei, nhấn mạnh chi tiết "tiên tiến nhất" của chiếc Phúc Kiến, thì báo Ấn Độ, như Indian Express hay Wionews, lại lưu ý tính "nội địa hóa" của chiếc Vikrant. Tương tự, báo chí Trung Quốc, điển hình là Global Times, cũng nhiều lần đăng bài nhấn nhá tính "nội địa hóa" của chiếc tàu sân bay mới. Tại sao báo chí các nước lại chú ý đến "tính tiên tiến" của tàu sân bay Trung Quốc? Phải chăng đây là lời căn dặn dè chừng khi phải "giao đối" với chiếc Phúc Kiến, mà phía Trung Quốc cho là "có khoảng cách" với chiếc Vikrant của Ấn Độ.Chiếc Vikrant trong lễ hạ thủy. Ảnh: Economic TimesSo với Ấn Độ hay với Mỹ?Chỉ hai ngày sau khi chiếc Vikrant được bàn giao cho hải quân Ấn, tờ Global Times 30-7 có ngay đánh giá: "Sau hơn một thập kỷ chế tạo, tàu sân bay bản địa đầu tiên của Ấn Độ, Vikrant, đã được nhà máy đóng tàu Cochin bàn giao cho hải quân Ấn Độ hôm thứ năm. Các chuyên gia Trung Quốc hôm thứ sáu cho biết mặc dù vẫn còn khoảng cách lớn giữa tàu sân bay Vikrant và tàu sân bay Phúc Kiến thứ ba của Trung Quốc, được hạ thủy vào tháng 6, nhưng chặng đường dài và gian nan của Ấn Độ để sản xuất tàu sân bay Vikrant cho thấy tham vọng và quyết tâm trở thành cường quốc hàng hải của New Delhi".Đáng lưu ý ở đây là chi tiết "khoảng cách lớn" giữa hai chiếc tàu sân bay: "Theo truyền thông Ấn Độ, tàu sân bay (Vikrant) này dài 262m, lượng choán nước toàn phần gần 45.000 tấn và tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ" - một bài báo khác cũng của Global Times 30-7 cho biết. Trong khi đó, chiếc Phúc Kiến vượt trội mọi mặt: "Nặng 80.000 tấn... và là tàu đầu tiên của Trung Quốc được trang bị máy phóng điện từ và thiết bị chặn ngừng máy bay, thu hẹp đáng kể khoảng cách về công nghệ với các tàu sân bay Mỹ"."Khoảng cách lớn" đó là các máy phóng máy bay cất cánh bằng điện từ mà cho tới nay cả tàu sân bay Ấn lẫn Trung Quốc đều không có, nhưng giờ chiếc Phúc Kiến đã được trang bị: "Cả chiếc Liêu Ninh lẫn chiếc Sơn Đông đều thuộc kiểu Liên Xô lỗi thời với một đoạn dốc cất cánh kiểu cầu trượt tuyết, và khả năng chiến đấu thua sút các siêu tàu sân bay của Mỹ sử dụng máy phóng. Nhưng hôm 17-6, Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, đã được hạ thủy, khiến thế giới ngạc nhiên, vì Trung Quốc đã độc lập phát triển tàu sân bay, có sức mạnh ngang ngửa các đối thủ của Mỹ với lượng giãn nước và máy phóng điện từ tương tự". Thành ra, ngoài so với Ấn Độ, đối thủ chính của Trung Quốc trong phát triển tàu sân bay vẫn là Mỹ, với các tiêu chí lượng choán nước và máy phóng máy bay làm đích ngắm.Riêng vụ máy phóng điện từ quả thật rất đáng tự hào.Cũng vào hàng hảo hánCó thể nghĩ rằng điều thôi thúc Trung Quốc tiến bước trên con đường phát triển tàu sân bay không chỉ vì mục đích giành ưu thế quân sự. Như lời Global Times đầy phấn khởi, ngay trong tít tựa: "Mùa thu hoạch cho công cuộc phát triển tàu sân bay của Trung Quốc sau một thế kỷ sóng gió" trên số báo 21-7. Bài báo viết: "Người dân Trung Quốc đã ao ước hàng không mẫu hạm từ nhiều thập kỷ trước, và chương trình hàng không mẫu hạm của Trung Quốc đã được khởi động nhưng sau đó nhiều lần tạm dừng... Thành tựu phát triển hàng không mẫu hạm của đất nước ngày nay là một thắng lợi khó khăn mới có được".Vậy ngoài chuyện quân sự, rốt cuộc tàu sân bay còn là gì đối với Trung Quốc? Bài báo giải thích: "Không một siêu tàu sân bay nào có thể ra đời nếu không có sức mạnh toàn diện của cả quốc gia". Nôm na mà nói, chỉ những quốc gia nào có một sức mạnh toàn diện thượng thừa mới có thể sở hữu siêu tàu sân bay, mà hiện chỉ có Mỹ và Trung Quốc, sau đó mới tới Pháp, Ấn, còn ngay cả siêu cường quân sự như Nga cũng không còn chiếc nào nữa.Cây bút chuyên về hải quân H. I. Sutton trong bài viết "So sánh tàu sân bay hải quân Mỹ, Trung Quốc và Pháp (trong tương lai)" trên tờ Naval News hôm 18-7 đánh giá tàu sân bay Trung Quốc so với các cường quốc hải quân khác: "Chỉ một số quốc gia có thể chế tạo thứ mà chúng tôi gọi là siêu tàu sân bay - thuật ngữ được đặt ra để mô tả những tàu sân bay khổng lồ trong chiến tranh lạnh của hải quân Hoa Kỳ. Chỉ 3 quốc gia có thể tham gia hạng siêu tàu sân bay. Đó là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Pháp". "Các quốc gia khác cũng khai thác tàu sân bay, đáng chú ý là Anh, Ấn Độ, Ý, Tây Ban Nha và Nga, nhưng chúng nhỏ hơn hoặc ít khả năng hơn ở một khía cạnh nào đó. Không có định nghĩa rõ ràng về một siêu tàu sân bay, nhưng chúng có chung những đặc điểm chính". "Chúng là loại lớn nhất, có thể vận hành các loại máy bay lớn hơn (chẳng hạn như máy bay cảnh báo sớm trên không), và lực lượng không quân của chúng đủ sức so kè với hầu hết các lực lượng không quân xuất kích từ đất liền".Ba loại tàu sân bay được Sutton gọi là "siêu tàu sân bay" đó là các hàng không mẫu hạm lớp Nimitz hiện tại, đang được thay thế bằng lớp Gerald R. Ford lớn tương đương của Mỹ. Các con tàu khổng lồ 100.000 tấn này quả là vô song trong từng chi tiết, ngay cả khi so các tàu khác sẽ được nói tới dưới đây. Đẳng cấp "siêu tàu sân bay" không chỉ do lượng giãn nước mà còn do "nhiều thập kỷ kinh nghiệm kỳ khổ trong các hoạt động tàu sân bay đã đi vào thiết kế".Trong góc nhìn này, chiếc Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, hoạt động ở Hoàng Hải nay đang cho thấy mức độ kinh nghiệm và tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc trong các hoạt động tàu sân bay. Còn chiếc Phúc Kiến thuộc lớp Type-003 mới nhất cũng là "gần gũi" nhất với Hải quân Hoa Kỳ, hơi ngắn hơn một chút, nhưng kích thước tương tự. Tất nhiên, chiếc này chưa sánh được với tàu sân bay Gerald Ford do chỉ có hai thang máy nâng hạ máy bay thay vì ba của tàu Mỹ: số máy bay xuất kích được do đó sẽ ít hơn. Còn hải quân Pháp, cũng có nhiều kinh nghiệm vận hành tàu sân bay như Mỹ, nhưng chiếc Charles De Gaulle hiện tại, tuy là sử dụng năng lượng hạt nhân, song vẫn còn nhỏ so với các siêu tàu sân bay Mỹ.Nếu đếm số quốc gia có tàu sân bay được trang bị dàn phóng máy bay bằng điện từ, thì chỉ có ba nước nêu trên. Thành ra, chớ có nhắm mắt mà nói Trung Quốc dựa vào kỹ thuật tàu sân bay của Nga khi mua một tàu sân bay bỏ xó của Ukraine về "độ" lại thành chiếc Liêu Ninh. Tàu sân bay Varyag đến Trung Quốc thực tế chỉ là một chiếc vỏ rỗng, và Trung Quốc cải biên nó thành Liêu Ninh với đầy đủ hệ thống động cơ đẩy, vũ khí, thiết bị điện tử và rađa, tất nhiên, cùng máy bay chiến đấu.Với kinh nghiệm tích lũy trong việc tái trang bị tàu Liêu Ninh, Trung Quốc sau đó đã độc lập thiết kế và đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Sơn Đông, dựa trên tàu Liêu Ninh, nhưng với nhiều cải tiến. Chiếc Sơn Đông hạ thủy ngày 26-4-2017 và chính thức vào biên chế hải quân Trung Quốc ngày 17-12-2019, khi nước này bước vào kỷ nguyên sử dụng một cặp tàu sân bay.Với việc tàu sân bay Sơn Đông dần xây dựng năng lực chiến đấu và hai tàu sân bay huấn luyện cùng nhau, Trung Quốc cuối cùng hướng tới năng lực triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay - chiến thuật sẽ hữu dụng trong chiến tranh cường độ cao, bao gồm các hoạt động "tái thống nhất bằng vũ lực trên đảo Đài Loan và để chống lại Mỹ trên Biển Đông" (Taiwan News 7-9-2020). Cũng trang tin đó của Đài Loan trích lời một chuyên gia hải quân phân tích hai tàu sân bay đó được đưa vào vận hành trong bối cảnh Trung Quốc đang "đối mặt áp lực quân sự từ các nước như Mỹ ở eo biển Đài Loan và Biển Đông" và "hai tàu sân bay có thể ép đảo Đài Loan từ các góc độ khác nhau", trong khi tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26 có thể "khóa chặt hòn đảo và ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ". Những cảnh báo vào tháng 9-2020 có thể phóng chiếu vào tình hình eo biển Đài Loan hiện nay.Công cụ răn đeHãng tin của Học viện Hải quân Mỹ USNI News hôm 13-8 loan tin Bắc Kinh đã triển khai hai hàng không mẫu hạm trong tuần này và có kế hoạch bắt đầu một loạt cuộc tập trận bắn đạn thật sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan.Các tàu sân bay Liêu Ninh (số hiệu 16) và Sơn Đông (số hiệu 17) đã rời cảng nhà trong chiến dịch các biện pháp trả đũa mà Trung Quốc đã lên kế hoạch. Theo đó, "tàu Liêu Ninh hôm chủ nhật đã bắt đầu hành trình từ cảng nhà ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, còn tàu Sơn Đông hôm thứ hai khởi hành từ cảng nhà ở Tam Á, tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, đi kèm là một tàu tấn công đổ bộ Type-075".Các động thái này diễn ra song song với các cuộc tập trận bắn đạn thật mở rộng mà PLA tuyên bố sẽ diễn ra cách 10 dặm (16km) tính từ bờ biển Đài Loan. Các cuộc tập trận sẽ bao quanh Đài Loan, với một số diễn ra trên vùng biển mà Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Ít nhất sẽ tạo thành hai mũi tấn công xuyên qua "biên giới biển" của Đài Loan (tức đường trung tuyến giả định).Đáp lại, một quan chức quốc phòng Mỹ nói với USNI News rằng các tàu của Hoa Kỳ hoạt động trong khu vực chưa có bất kỳ cuộc chạm mặt không an toàn hoặc không chuyên nghiệp nào với lực lượng hải quân Trung Quốc. Cũng cần nhắc rằng vào đầu tháng 6, ít ngày trước khi cho hạ thủy chiếc Phúc Kiến, tại Diễn đàn Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã cảnh cáo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin: "Những ai mưu toan Đài Loan độc lập hòng chia rẽ Trung Quốc chắc chắn sẽ không có kết cục tốt đẹp. Không ai được đánh giá thấp quyết tâm và khả năng của các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình. Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi giá và sẽ chiến đấu đến cùng. Đây là sự lựa chọn duy nhất của Trung Quốc" (Politico 12-6).Tuy nhiên, câu hỏi cụ thể đặt ra là hai chiếc Liêu Ninh và Sơn Đông, rồi giờ là chiếc Phúc Kiến, có thể đóng góp gì trên thực tế? Câu trả lời không chỉ nằm ở khía cạnh vật chất của các con tàu, mà còn ở những yếu tố khó đong đếm hơn như trình độ của lực lượng tàu sân bay này, mà có tác giả như Sutton cho rằng cũng đã khá.Theo Sutton, điều đó cho thấy thực lực hải quân Trung Quốc đã thực sự cải thiện, do tàu sân bay là đỉnh cao năng lực của bất kỳ lực lượng hải quân nào. Chúng mang tới ưu thế vượt trội trên biển với phạm vi hoạt động cực lớn của các máy bay. Tính linh hoạt của các sân bay trên mặt biển này cũng khiến chúng hữu dụng không chỉ trong chiến đấu, mà cả các nhiệm vụ nhân đạo và ngoại giao.Trong tình cảnh các đại dương của tương lai được dự báo sẽ phức tạp hơn và nhiều tranh chấp hơn, với những mối đe dọa mới xuất hiện, tàu sân bay sẽ là ưu thế về vũ khí thông thường vô song cho một số ít hải quân có thể vận hành chúng. ■Chiếc Vikrant của Ấn Độ đã được đưa vào biên chế hải quân hôm 15-8, nhân kỷ niệm Lễ độc lập của nước này. Trong một thông cáo báo chí, hải quân Ấn Độ nói việc nhận bàn giao chiếc tàu là "một ngày trọng đại trong lịch sử hải quân đất nước và ngành đóng tàu quốc nội". Là chiếc tàu chiến lớn nhất do Ấn Độ tự đóng, chiếc Vikrant nặng 21.500 tấn và có lượng choán nước toàn phần 45.000 tấn.Với chi phí gần 2,9 tỉ đôla, chiếc Vikrant dự kiến sẽ sử dụng các máy bay phản lực chiến đấu MiG-29K, trực thăng Kamov-31, và trực thăng đa nhiệm MH-60R, với thủy thủ đoàn khoảng 1.700 người, "bao gồm các cabin chuyên dụng cho sĩ quan nữ", Đài Wionews của Ấn Độ nhấn mạnh. Với tốc độ tối đa 28 knot và phạm vi hoạt động 7.500 hải lý, chiếc tàu dài 262m, rộng 62m và cao 59m, được đóng từ năm 2009 và đã được chuyển giao cho hải quân sớm hơn so với tiến độ dự kiến.Hải quân Ấn Độ nói Vikrant sẽ giúp tăng mạnh phạm vi hoạt động của họ ở vùng biển Ấn Độ Dương. Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ, đô đốc Karambir Singh nói chiếc Vikrant sẽ hoạt động đầy đủ trước cuối năm 2022, khi các năng lực chống tàu ngầm, chiến đấu trong điều kiện chiến tranh hạt nhân, sinh học và hóa học đã được thử nghiệm đầy đủ. Tags: Trung QuốcẤn ĐộTàu sân bayHải quân
Hành trình xuyên rừng tìm kiếm chiếc máy bay Yak-130 bị rơi TRUNG TÂN 09/11/2024 Xác chiếc máy bay Yak-130 được tìm thấy sau 2 ngày gặp nạn nhờ các nguồn tin báo và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Đắk Lắk.
Vì sao bão Yinxing rất mạnh trên Biển Đông nhưng lại suy yếu nhanh khi vào gần Việt Nam? CHÍ TUỆ 09/11/2024 Không khí lạnh, độ ẩm thấp và nhiệt độ mặt nước biển không cao khiến bão số 7 (Yinxing) có nhiều khả năng suy yếu nhanh khi đi vào gần đất liền Việt Nam.
Xử lý tài sản vụ án ngành y tế, máy móc 'không có tội' nhưng bị niêm phong rất lãng phí TIẾN LONG 09/11/2024 Tài sản là máy móc, trang thiết bị trong vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai 'không có tội' nhưng khi xảy ra vụ án, hệ thống máy để đấy, không hoạt động rất lãng phí.
Khai hội Việt Nam xanh, bắt đầu hai ngày tràn ngập hoạt động thú vị NGỌC HIỂN 09/11/2024 Ngày hội Việt Nam Xanh chính thức khai hội tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM).